Các tin tức tại MEDlatec

Phẫu thuật nhồi máu cơ tim cấp và những lưu ý trong điều trị bệnh

Ngày 08/05/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Bệnh nhồi máu cơ tim cấp có nguy cơ gây tử vong cao. Trong đó, phẫu thuật nhồi máu cơ tim là một trong những cách thường được bác sĩ áp dụng để điều trị bệnh. Bạn có thể tìm hiểu về phương pháp này và một số lưu ý trong quá trình điều trị cho bệnh nhân qua bài viết sau.

1. Nhồi máu cơ tim cấp nguy hiểm thế nào?

Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do tắc nghẽn mạch vạch một cách đột ngột bởi những cục máu đông trong lòng mạch. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do những mảng xơ vữa trong lòng mạch vành bị vỡ hoặc nứt ra, khi các tế bào tiểu cầu và hồng cầu đi qua, chúng có thể bám vào và tạo thành những cục huyết khối. Từ đó, lòng mạch có nguy cơ bị tắc đột ngột khiến cơ tim bị thiếu máu nuôi. Tình trạng này không được khắc phục kịp thời có thể khiến cơ tim bị hoại tử và bệnh nhân có thể tử vong đột ngột. 

Nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong

Một số yếu tố khiến mảng xơ vữa dễ bị vỡ và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim có thể kể đến như hút thuốc lá, lao động nặng, xúc động quá mức, viêm hoặc nhiễm trùng, chấn thương sau phẫu thuật,...

Những đối tượng có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim bao gồm người cao tuổi, phụ nữ mãn kinh, bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp, người bị rối loạn mỡ máu, người thường xuyên hút thuốc lá, người bị viêm khớp dạng thấp,..

Nhồi máu cơ tim cấp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như sau: 

- Rối loạn nhịp tim gây đột tử. 

- Sốc tim.

- Suy tim

- Viêm màng ngoài tim.

- Thủng cơ tim, thủng vách tim gây vỡ tim.

- Ngưng tim và đột tử nếu bệnh nhân không được điều trị cấp cứu ngay lập tức. 

2. Triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp 

Trong nhiều trường hợp, biểu hiện cảnh báo bệnh có thể xảy ra trước vài giờ đến vài ngày hay vài tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân khác lại gặp phải triệu chứng bệnh đột ngột. Dưới đây là một số biểu hiện của bệnh: 

- Những cơn đau thắt ngực: Người bệnh có thể cảm nhận được những cơn đau tức, thậm chí xoắn vặn trong lồng ngực. Ngay cả khi ngồi nghỉ, cơn đau vẫn có thể xảy ra. 

Đau ngực do nhồi máu cơ tim 

- Một số triệu chứng khác: Ngoài cơn đau tức ngực, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng kèm theo như mệt mỏi, hồi hộp, vã mồ hôi, khó thở, thậm chí ngất xỉu, tụt huyết áp,...

3. Phương pháp chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp

Bác sĩ sẽ thăm khám triệu chứng bệnh, khai thác tiền sử bệnh, theo dõi huyết áp, nhịp tim, thân nhiệt của người bệnh. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể thực hiện một số phương pháp như sau: 

- Điện tâm đồ (ECG): Đây là phương pháp gắn các điện cực vào ngực, cánh tay và chân của bệnh nhân để ghi lại các tín hiệu điện trong tim. 

- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra men tim (troponin) - chất chỉ điểm tổn thương do nhồi máu cơ tim gây ra.

- Chụp X-quang lồng ngực: Để phát hiện những bất thường về cấu trúc tim, phổi và nhận biết một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng đau tức ngực. 

- Siêu âm tim: Phương pháp này giúp các bác sĩ đánh giá về chức năng co bóp của cơ tim và xác định xem có tổn thương tim hay không. 

- Chụp mạch vành: Đây là phương pháp giúp biểu hiện rõ hình ảnh các động mạch để bác sĩ có thể đánh giá chính xác hơn về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. 

4. Phẫu thuật nhồi máu cơ tim 

Nhiều phương pháp có thể được áp dụng đối với những người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp, trong đó bao gồm phẫu thuật nhồi máu cơ tim bằng phương pháp bắc cầu động mạch vành và chụp mạch vành: 

- Bắc cầu động mạch vành: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng một đoạn mạch máu được lấy từ một bộ phận khác của cơ thể nhằm mục đích làm cầu nối phía trước và phía sau vị trí bị tắc, giúp máu đi qua chỗ cầu nối mới. Phương pháp này thường được áp dụng với những trường hợp bị hẹp mạch vành nghiêm trọng và kéo dài lan tỏa, đồng thời không thể áp dụng biện pháp đặt stent. 

Phẫu thuật là cách điều trị được áp dụng cho nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim

- Đặt stent động mạch vành: Đây là phương pháp can thiệp mạch khá phổ biến trong điều trị hẹp mạch vành. Bác sĩ sẽ dùng một ống thông mềm, dài và có kích thước nhỏ để luồn từ động mạch quay đến động mạch vành. Sau đó, bác sĩ thực hiện bơm thuốc cản quang qua ống thông để có thể ghi lại những hình ảnh mạch vành rõ ràng hơn. Tiếp đó, đưa stent vào vị trí bị tắc, bung stent, để mạch máu rộng ra, từ đó giúp máu lưu thông lại bình thường. 

5. Các phương pháp điều trị bệnh lâu dài

Người bệnh nhồi máu cơ tim cần được chăm sóc và điều trị lâu dài, đặc biệt cần lưu ý duy trì lối sống lành mạnh. Dưới đây là một số lưu ý dành cho người bệnh để bảo vệ sức khỏe và tránh tái phát bệnh: 

- Tập thể dục mỗi ngày với những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe. 

- Duy trì cân nặng phù hợp. 

- Không uống rượu bia hay hút thuốc lá. 

- Không nên ăn quá mặn, hạn chế ăn thịt mỡ, không nên ăn các loại thịt đỏ, đồ chế biến sẵn hay đồ ăn chiên xào. 

- Luôn suy nghĩ tích cực, vui vẻ, tránh căng thẳng quá mức. Ngược lại, nếu thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, bệnh tim mạch và một số vấn đề sức khỏe khác sẽ nghiêm trọng hơn. 

- Người sau phẫu thuật nhồi máu cơ tim bằng phương pháp bắc cầu hoặc đặt stent mạch vành cũng cần dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu lâu dài để phòng ngừa tái phát bệnh. 

- Bệnh nhân nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe theo lịch hẹn của bác sĩ. 

Qua những thông tin trên, quý khách đã hiểu rõ hơn về bệnh nhồi máu cơ tim cấp và phương pháp phẫu thuật nhồi máu cơ tim cùng với một số lưu ý điều trị cho người bệnh. 

Quý khách hàng có thể gọi điện đến tổng đài 1900 56 56 56 để được các tổng đài viên tư vấn chi tiết và đặt lịch khám với bác sĩ tim mạch của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.