Các tin tức tại MEDlatec
Cách chữa thoái hóa khớp giúp cải thiện bệnh và giảm cảm giác khó chịu
Từ khóa: Chữa thoái hóa khớp
Phương pháp chữa thoái hóa khớp giúp cải thiện bệnh và giảm cảm giác khó chịu
Thoái hoá khớp là tình trạng bệnh xương khớp ngày càng phổ biến và hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Vậy làm thế nào để chữa thoái hoá khớp hiệu quả và an toàn, tránh bệnh diễn tiến nặng hơn?
1. Thoái hoá khớp là gì?
Thoái hoá khớp là bệnh xương khớp mạn tính khá phổ biến tại Việt Nam và xuất hiện không chỉ ở người lớn tuổi mà người trẻ tuổi cũng có thể mắc phải. Đây là tình trạng sụn và xương dưới sụn bị tổn thương khiến bề mặt bị bào mòn, không bằng phẳng hoặc nghiêm trọng hơn là triệu chứng trơ đầu xương. Điều này được giải thích do quá trình tổng hợp và phân huỷ xương, sụn diễn ra bất thường.
Thoái hóa khớp gây đau nhức, sưng tấy và hạn chế di chuyển
Các vị trí thoái hoá khớp thường gặp như: đầu gối, xương sống, khớp bàn tay, khớp bàn chân, khớp háng, khớp cổ,... với biểu hiện phổ biến như:
● Đau khi hoạt động co duỗi các khớp và thường không đau khi ngưng hoạt động.
● Triệu chứng đau tăng dần và vị trí dần lan rộng theo thời gian.
● Cứng khớp khiến bệnh nhân khó di chuyển khi thay đổi tư thế sau thời gian ngồi hoặc nằm cố định như khi ngồi làm việc, nằm ngủ dậy.
● Sưng đỏ tại các vị trí khớp hoặc có dấu hiệu tụ dịch.
● Teo cơ hoặc giảm sức cơ khi co duỗi hoặc vận động như đi bộ, chạy, cầm nắm,...
2. Phương pháp chữa thoái hoá khớp có can thiệp y khoa
Bệnh thoái hoá khớp hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hoàn toàn, thay vào đó, việc điều trị sẽ giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng đau cũng như ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng hơn.
2.1. Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định bác sĩ
Thực tế, bệnh nhân thoái hoá khớp thường phải chịu nhiều cơn đau dữ dội đặc biệt đối với tình trạng thoái hóa nặng. Trong các trường hợp này người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ như: paracetamol, aspirin, ibuprofen,...
Ngoài các loại thuốc uống thì người bệnh có thể được kê thêm các loại thuốc thoa ngoài da đặc trị để giảm triệu chứng đau nhức. Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc giảm đau khi chưa có ý kiến bác sĩ bởi vì có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Thuốc giảm đau thường được bác sĩ chỉ định trong chữa thoái hoá khớp
2.2. Tiêm khớp
Nếu khi dùng thuốc uống hoặc thuốc bôi, tình trạng bệnh không có xu hướng cải thiện hoặc nghiêm trọng hơn thì tiêm khớp có thể được chỉ định. Một số loại thuốc tiêm thường được bác sĩ sử dụng là:
● Tiêm steroid giảm đau: dành cho bệnh nhân không đáp ứng các loại thuốc uống giảm đau. Glucocorticoid hoặc Corticosteroid sẽ được tiêm trực tiếp qua da vị trí khớp đau nhức để giúp giảm đau cũng như giảm tình trạng sưng viêm ngay sau khi tiêm.
● Tiêm PRP hay còn gọi là huyết tương giàu tiểu cầu khi tiêm vào vùng khớp có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo và chữa lành tổn thương ở phần sụn và xương.
● Tiêm axit hyaluronic: hoạt chất này được xem như một chất bôi trơn cho khớp giúp hỗ trợ vận động linh hoạt và giảm cọ sát giữ các khớp gây đau hoặc viêm.
● Tiêm tế bào gốc: thường được sử dụng để kích thích tái tạo mô ở các khớp và chúng được chiết xuất từ tuỷ hoặc mô mỡ.
2.3. Phẫu thuật thay khớp
Giải pháp này thường chỉ được chỉ định khi khớp đã mất hoàn toàn chức năng hoạt động hoặc có dấu hiệu hoại tử bên trong. Mặc dù sau khi thay khớp có thể giúp bệnh nhân có thể vận động dễ dàng, loại bỏ cơn đau nhưng phương pháp này thường tốn kém chi phí và cần nhiều thời gian để phục hồi. Phẫu thuật thay khớp thường được áp dụng phổ biến đối với bệnh nhân thoái hóa khớp gối, khớp háng hoặc thoái hoá cột sống.
3. Phương pháp hỗ trợ chữa thoái hoá khớp tại nhà
Bên cạnh các phương pháp điều trị y khoa theo chỉ định của bác sĩ bằng thuốc hoặc tiêm thì bệnh nhân thoái hoá khớp cần kết hợp các phương pháp thay đổi thói quen sinh hoạt để đạt hiệu quả tốt nhất.
3.1. Duy trì cân nặng phù hợp
Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người thừa cân, béo phì có tỷ lệ mắc các triệu chứng thoái hoá khớp cao hơn so với người có cân nặng bình thường. Tình trạng thừa cân có thể xác định qua chỉ số BMI vượt mức bình thường nghĩa là số cân nặng (kg)/(chiều cao*chiều cao) (cm) lớn hơn 25.
Giảm cân, duy trì cân nặng phù hợp để giảm tình trạng thoái hóa khớp
Khi cơ thể thừa cân sẽ làm tăng áp lực lên các khớp xương đặc biệt là cột sống và khớp gối từ đó gây tổn thương đến xương, sụn. Chính vì thế, việc duy trì cân nặng phù hợp hoặc giảm cân là giải pháp hàng đầu được các bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân trong quá trình chữa thoái hoá khớp.
3.2. Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên
Nhiều người cho rằng bệnh nhân đau nhức xương khớp nên hạn chế vận động để tránh khiến phần khớp bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, đây là quan niệm chưa đúng bởi vì việc tập luyện các bài tập dành cho bệnh nhân thoái hoá khớp có nhiều lợi ích như:
● Cải thiện sức cơ để tránh tình trạng teo cơ.
● Luyện tập tăng cơ, giảm mỡ, từ đó hỗ trợ hoạt động của khớp hiệu quả hơn.
● Giảm căng cơ, điều chỉnh tư thế.
● Giảm cân hiệu quả.
Đối với những bệnh nhân đang chữa thoái hoá khớp, khi tập luyện nên tham khảo bác sĩ chuyên môn hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn tập đúng tư thế tránh chấn thương. Nên tập luyện đều đặn từ 30 - 60 phút mỗi ngày và duy trì thường xuyên để thấy sự hiệu quả.
3.3. Xây dựng thực đơn lành mạnh tốt cho xương khớp
Ngoài việc tập luyện thì thực đơn lành mạnh và cân bằng chất dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong quá trình hồi phục thoái hoá khớp. Bệnh nhân thoái hóa khớp nên bổ sung các nhóm chất vitamin D, K, C, E từ rau củ quả như rau chân vịt, bông cải, ớt chuông, cà chua,... và các loại hạt như hạnh nhân, hạt macca, hạt óc chó,...
Chế độ ăn lành mạnh giúp hồi phục tình trạng thoái hoá hiệu quả
Đồng thời, chế độ ăn nên giảm tỷ lệ mỡ động vật và nên sử dụng dầu olive để chế biến món ăn giúp hạn chế hấp thu chất béo làm ảnh hưởng đến quá trình chữa thoái hoá khớp cũng như gây tăng cân, béo phì. Bên cạnh đó, người bệnh nên hạn chế sử dụng nhiều gia vị như muối, bột nêm, bột ngọt, bột canh,... có thể gây tích nước cơ thể.
3.4. Chườm nóng, lạnh để giảm đau
Thoái hoá khớp thường mang đến những cơn đau âm ỉ thường xuyên hoặc đau nhức dữ dội khi vận động. Và để giúp giảm cảm giác đau thì người bệnh có thể áp dụng các phương pháp chườm nóng hoặc chườm lạnh theo hướng dẫn của bác sĩ tại vùng đau hoặc sưng tấy.
Lưu ý: đối với bệnh nhân giãn tĩnh mạch nên hạn chế chườm nóng để tránh ảnh hưởng đến hệ tĩnh mạch bên dưới da. Ngoài ra, không chườm khi vùng đau có vết thương hở và khi chườm nên dùng khăn hoặc vải lót để tránh gây bỏng khi da tiếp xúc với nhiệt.
3.5. Sử dụng thiết bị hỗ trợ cố định khớp
Tình trạng đau nhức do thoái hoá khớp là nguyên nhân dễ khiến bệnh nhân hoạt động sai tư thế và điều này có thể khiến các tổn thương nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, người bệnh có thể tham khảo sử dụng các loại đai, nẹp vải có chức năng cố định khớp hỗ trợ hạn chế tăng áp lực hoặc gây tổn thương khớp khi vận động. Bên cạnh đó, nếu đang trong giai đoạn đang điều trị thoái hoá khớp thì khi đã thuyên giảm người bệnh cũng nên sử dụng đai trong lúc vận động, tập thể dục để tránh tái phát bệnh.
Lưu ý: việc sử dụng thiết bị hỗ trợ cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị tốt nhất.
Sử dụng các loại đai để bảo vệ khớp khi vận động
Có thể thấy việc chữa thoái hoá khớp để đạt hiệu quả cần kết hợp các phương pháp điều trị y khoa và thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống. Và để cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị. Chuyên khoa Cơ Xương Khớp thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ y tế Quý khách có thể lựa chọn thăm khám. Để đặt lịch khám tại MEDLATEC, Quý khách đừng ngần ngại liên hệ ngay 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
BS Tuấn đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!