Các tin tức tại MEDlatec
Ruột non là gì và có chức năng và vai trò gì trong hệ tiêu hoá
- 14/02/2020 | Nội soi ruột non - giải pháp tầm soát bệnh lý ruột non không nên bỏ qua
- 01/04/2021 | Những nguyên nhân gây hội chứng loạn khuẩn ở ruột non bạn nên biết
- 21/11/2022 | Tìm hiểu sơ bộ về ruột non và các bệnh lý thường gặp
- 16/06/2023 | Quá trình tiêu hóa ở ruột non và cấu tạo cơ quan này
- 30/06/2023 | Giải phẫu ruột non và một số bệnh lý gặp phải ở ruột non
1. Ruột non là gì?
Vị trí Ruột non được xác định bắt đầu tại môn vị và tận dùng ở góc hồi - manh tràng (phần đầu của ruột già). Ruột non là đoạn dài nhất của ống tiêu hoá, có thể dài khoảng 6 - 7 mét ở người trưởng thành, cuộn lại thành nhiều vòng trong ổ bụng.
Giải phẫu ruột non được chia làm 3 phần chính, bao gồm tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng.
1.1. Tá tràng
Tá tràng là đoạn đầu tiên của ruột non, phần nối liền trực tiếp với dạ dày. Đây là phần ngắn nhất, rộng nhất và được phúc mạc bọc ít nhất của ruột non. Tá tràng có chiều dài khoảng 25 cm, hình chữ C ôm lấy đầu tuỵ. Tá tràng là nơi tiếp nhận dịch tiêu hóa từ tụy và mật, khởi đầu cho quá trình phân giải thức ăn của hệ tiêu hoá.
Tá tràng là phần đầu tiên của ruột non, kết nối trực tiếp với dạ dày
1.2. Hỗng tràng
Tiếp nối tá tràng là hỗng tràng, bắt đầu từ góc tá hỗng tràng. Hỗng tràng chiếm ⅖ chiều dài của ruột non, đường kính khoảng 4cm. So với hồi tràng, hỗng tràng thành dày hơn, đỏ hơn và giàu mạch máu hơn. Tại đây, thành ruột non có nhiều nếp gấp và nhung mao và vi nhung mao, có tác dụng tăng diện tích tiếp xúc và tối ưu hoá quá trình hấp thu dinh dưỡng ở ruột.
Chức năng chính của hỗng tràng là hấp thu các protein, lipid, vitamin và khoáng chất có trong thức ăn cho cơ thể.
1.3. Hồi tràng
Hồi tràng là phần cuối của ruột non, tiếp giáp với manh tràng thông qua van hồi – manh. Ranh giới giữa hỗng tràng và hồi tràng không rõ rệt, hồi tràng chiếm ⅗ chiều dài còn lại của ruột non. Hồi tràng có đường kính khoảng 3,5 cm, có thành mỏng hơn hỗng tràng và số nếp gấp ít hơn. Tuy nhiên, hồi tràng có số nang bạch huyết chùm nhiều hơn và lớn hơn, giúp hấp thu vitamin B12, muối mật và một số dưỡng chất còn lại trước khi thức ăn được chuyển đến ruột già.
Ruột non là gì là thắc mắc của nhiều người hiện nay
2. Chức năng của ruột non
Ruột non đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa nhằm tiêu hoá thức ăn, hấp thu dinh dưỡng cho cơ thể:
2.1. Tiêu hoá thức ăn
Sau khi thức ăn rời khỏi dạ dày, ruột non sẽ tiếp nhận và tiêu hoá tiếp nhờ các enzym tiêu hóa tiết ra từ tuyến tụy và dịch mật. Cơ chế tiêu hóa tại ruột non chủ yếu dựa vào enzym như amylase, lipase, trypsin và các enzym viền bàn chải của biểu mô ruột:
- Tiêu hóa carbohydrate: Nhờ enzyme amylase từ tuyến tụy, carbohydrate được phân giải thành đường đơn như glucose để hấp thu vào cơ thể.
- Tiêu hóa protein: Protease từ tuyến tụy giúp phân giải protein thành các axit amin.
- Tiêu hóa lipid: Lipase giúp phân tách chất béo thành các axit béo và glycerol.
2.2. Hấp thu dinh dưỡng
Sau khi thức ăn được phân giải thành các phân tử đơn giản, hỗng tràng và hồi tràng sẽ thực hiện chức năng hấp thu dinh dưỡng nhờ vào hệ thống vi nhung mao và mạng lưới mao mạch dày đặc.
- Glucose và axit amin được hấp thu vào máu qua hệ mao mạch của ruột.
- Axit béo và glycerol được vận chuyển qua hệ bạch huyết vào cơ thể
- Vitamin và khoáng chất được hấp thu theo cơ chế chủ động hoặc thụ động.
Ruột non có hàng triệu vi nhung mao giúp tăng diện tích tiếp xúc, tối ưu hóa hấp thu chất dinh dưỡng
2.3. Điều hoà cân bằng dịch và điện giải
Ngoài hai chức năng chính, ruột non còn có tác dụng hấp thu nước và các chất điện giải như natri, kali, canxi, góp phần duy trì cân bằng nội môi của cơ thể. Tại hồi tràng có các các mảng Peyer – cấu trúc mô lympho giúp phát hiện và phản ứng với tác nhân gây hại.
Bên cạnh đó, còn chứa hệ vi sinh đường ruột, giúp hỗ trợ tiêu hoá và miễn dịch hiệu quả, bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn có hại.
3. Các bệnh lý thường gặp ở ruột non
Mặc dù có vai trò quan trọng, ruột non cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều bệnh lý khác nhau. Một số bệnh lý thường gặp ở ruột non như:
- Hội chứng ruột kích thích (IBS): Đây là một rối loạn chức năng tiêu hóa mà không có tổn thương thực thể rõ ràng, biểu hiện bao gồm đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài,…
- Hội chứng kém hấp thu: Đây là tình trạng ruột non không hấp thu được đầy đủ dưỡng chất, gây thiếu hụt vitamin, khoáng chất và năng lượng, dẫn đến suy dinh dưỡng ở người bệnh.
- Viêm ruột: Viêm ruột non thường do nguyên nhân nhiễm khuẩn, virus hoặc bệnh lý tự miễn như bệnh Crohn, biểu hiện đau bụng, tiêu chảy kéo dài và sụt cân,...
- Bệnh Crohn: Đây là một bệnh lý viêm ruột mạn tính có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của ống tiêu hóa, nhưng thường gặp nhất ở ruột non.
- Bệnh Celiac: Bệnh Celiac cũng là một rối loạn tự miễn do gluten, gây tổn thương niêm mạc ruột non, làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng ở ruột non.
- Tắc ruột non: Tắc ruột non có thể xảy ra do khối u, dính ruột hoặc xoắn ruột, gây đau bụng dữ dội và cần can thiệp y khoa khẩn cấp.
- Ung thư ruột non: Dù hiếm gặp hơn ung thư dạ dày và đại tràng, nhưng ung thư ruột non vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là ở người có tiền sử bệnh Crohn, bệnh Celiac, hoặc hội chứng đa polyp gia đình,...
Bệnh Celiac là một rối loạn tự miễn do gluten, gây tổn thương niêm mạc ruột non, làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng
4. Làm thế nào để bảo vệ sức khoẻ ruột non?
Sức khỏe ruột non ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Do đó, bạn cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, lối sống khoa học để bảo vệ ruột và nâng cao chất lượng cuộc sống:
- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, probiotic (men vi sinh) và prebiotic (chất xơ hoà tan).
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh,… vì có thể gây viêm nhiễm đường ruột và rối loạn tiêu hóa.
- Giảm đường và thực phẩm chứa gluten (nếu có cơ địa nhạy cảm) để tránh nguy cơ gây rối loạn tiêu hoá.
- Bổ sung đủ nước mỗi ngày (1.5 - 2 lít nước) nhằm duy trì độ ẩm cho niêm mạc ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hoá, ngăn ngừa táo bón.
- Duy trì tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng vì căng thẳng kéo dài có thể gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột và làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích (IBS).
- Vận động thường xuyên giúp kích thích nhu động ruột, cải thiện tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Hạn chế sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), kháng sinh vì có thể gây kích ứng niêm mạc ruột non, làm tăng nguy cơ viêm loét, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
- Tầm soát và điều trị sớm các bệnh lý tiêu hóa, thăm khám định kỳ nhằm phát hiện các bệnh lý đường tiêu hoá. Nếu có các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy kéo dài, đầy hơi, sút cân không rõ nguyên nhân,... cần đi khám sớm để phát hiện bệnh lý ruột non.
Trên đây là một số thông tin về ruột non là gì và chức năng của ruột non trong hệ tiêu hoá. Việc hiểu rõ cấu tạo, chức năng và các bệnh lý thường gặp giúp chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa một cách tốt nhất. Đồng thời, một chế độ ăn uống khoa học, lối sống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp duy trì chức năng tối ưu của ruột non, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể của cơ thể.
Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích để giải đáp thắc mắc ruột non là gì. Mọi thông tin cần tư vấn và đặt lịch khám chuyên khoa Tiêu hoá, vui lòng liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC theo hotline: 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!