Các tin tức tại MEDlatec

Tại sao sổ mũi hoài không hết và top 7 nguyên nhân phổ biến

Ngày 03/02/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Chắc hẳn hầu như bất kỳ ai cũng từng bị sổ mũi. Triệu chứng này sẽ biến mất sau một thời gian ngắn hoặc cũng có thể diễn biến dai dẳng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày. Vậy tại sao sổ mũi hoài không hết? Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu nguyên nhân trong bài chia sẻ sau đây.

1. Tại sao sổ mũi hoài không hết? 

Sổ mũi, nghẹt mũi liên tục sẽ gây nên rất nhiều phiền phức trong sinh hoạt cũng như gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi rơi vào tình trạng này, rất nhiều người thắc mắc rằng tại sao sổ mũi hoài không hết. Thực tế, triệu chứng sổ mũi liên tục, hoài không hết thường là do các nguyên nhân bệnh lý sau đây. 

1.1. Cảm lạnh, cảm cúm 

Cảm cúm, cảm lạnh có xu hướng khởi phát khi nhiệt độ bỗng nhiên thay đổi đột ngột, chủ yếu là trong giai đoạn giao mùa. Khi hệ miễn dịch của chúng ta suy yếu, nhiều loại vi khuẩn sẽ tìm cách xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi họng. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng sổ mũi liên tục. 

Sổ mũi là triệu chứng hay xuất hiện ở người bị cảm

Trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, nước mũi vẫn khá loãng. Nhưng càng về sau, nước mũi lại càng đặc dần. Cùng với đó là một số triệu chứng khác như lên cơn sốt, khó thở, giọng nói khàn, đau họng,... Người có hệ miễn dịch kém không nên chủ quan với dạng cảm cúm thông thường này. Vì trong một số trường hợp, chúng sẽ gây ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. 

1.2. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng sổ mũi hoài không hết. Bệnh lý này có thể xuất hiện ở mọi đối tượng. Khi hít phải bụi bẩn, lông động vật, phấn hoa,... niêm mạc mũi dễ bị viêm và kích thích gây hắt hơi liên tục, kèm theo ngạt mũi, chảy dịch mũi, ngứa mũi, ngứa mắt,... Viêm mũi dị ứng không phải bệnh lý ác tính. Nếu được điều trị đúng cách, bạn có thể kiểm soát được tình trạng này. 

Viêm mũi dị ứng thường gây triệu chứng hắt hơi, sổ mũi liên tục

1.3. Viêm xoang mạn tính

Triệu chứng khá đặc trưng ở người bị viêm xoang mạn tính là sổ mũi liên tục, diễn biến dai dẳng, trên 12 tuần. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này có thể là do sự xâm nhập của một số loại vi khuẩn hoặc virus như Streptococcus, Moraxella, Hemophilus,... Ngoài sổ mũi liên tục, người bệnh còn xuất hiện nhiều triệu chứng khác như: 

  • Đau nhức vùng hàm mặt. 
  • Nghẹt 1 bên mũi hoặc cả 2 bên, gây khó thở. 
  • Đau nhức đầu, tai. 
  • Miệng xuất hiện mùi hôi. 
  • Cơ thể mệt mỏi. 
  • Ho,...

Người bị viêm xoang mạn tính thường xuyên bị sổ mũi

1.4. Viêm mũi không dị ứng

Bên cạnh viêm mũi dị ứng, viêm mũi không dị ứng cũng có khả năng gây triệu chứng sổ mũi liên hồi không hết. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở bệnh lý này là tình trạng kích ứng không đến từ tác nhân với dị ứng. Triệu chứng ở bệnh lý này gần tương tự như viêm mũi dị ứng nhưng thường không kèm theo phản ứng dị ứng. 

1.5. Polyp mũi 

Polyp mũi là dạng u lành tính, không chứa tế bào gây ung thư. Khối u có xu hướng xuất hiện tại khu vực trong niêm mạc mũi hoặc vùng xoang, gây tình trạng nghẹt mũi, giảm khứu giác. 

Triệu chứng ở giai đoạn đầu của bệnh lý này thường là nghẹt mũi, khứu giác suy giảm, nước mũi chảy kèm sổ mũi. Nếu không chú ý điều trị, sinh hoạt của người bệnh sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. 

1.6. U ác tính mũi xoang 

Khối u chứa tế bào ác tính có thể xuất hiện trong mũi và trong vùng xoang gây triệu chứng chảy nước mũi dai dẳng, thường xuyên tại một bên mũi (bên mũi có khối u). Ngoài triệu chứng chảy nước mũi, người bệnh đôi khi còn bị chảy máu mũi, đau nhức đầu, sút cân, mệt mỏi. 

1.7. Một số nguyên nhân khác

Ngoài 6 nguyên nhân cơ bản trên, câu trả lời cho thắc mắc tại sao sổ mũi hoài không hết có thể là do: 

  • Dị vật bị mắc trong mũi: Kích thích cơ chế tổng hợp chất nhầy, nhằm giải phóng dị vật. Kèm theo đó là triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi liên tục. 
  • Phì đại cuốn mũi: Cuốn mũi bị quá phát với tình trạng viêm mũi thường xuyên tái phát do ảnh hưởng của yếu tố gây dị ứng hoặc tình trạng nhiễm trùng, khiến mũi bị ngạt, làm tăng xuất tiết dịch mũi. 
  • Mào, gai vách ngăn mũi: Một dạng dị hình bẩm sinh xuất hiện tại 1 bên mũi hoặc đồng thời 2 bên mũi, gây kích thích chảy nước mũi liên tục. 
  • Vách ngăn mũi bị lệch: Khi vách ngăn mũi bị lệch sang một bên, hiện tượng tắc nghẽn mũi sẽ xuất hiện gây tăng xuất tiết dịch mũi. 
  • Rò rỉ dịch não tủy: Dịch não tủy bao bọc não bộ cùng tủy sống giữ vai trò như lớp mô ngăn chặn các yếu tố tấn công hệ thần kinh. Trường hợp va chạm khiến đầu bị chấn thương, ảnh hưởng của mổ xoang dễ khiến lớp bảo vệ này bị tổn thương. Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng rò rỉ chất lỏng bất thường, chảy theo một bên mũi. 

2. Khi nào người bị sổ mũi liên tục cần đi khám bác sĩ? 

Hầu như bất kỳ ai cũng từng bị sổ mũi. Tuy nhiên, mọi người không nên xem thường nếu triệu chứng này kèm dấu hiệu cảnh báo khác. Cụ thể như:

  • Chảy nước mũi, ngạt mũi diễn biến trên 3 tuần kèm triệu chứng sốt. 
  • Sổ mũi tại một bên mũi, kèm triệu chứng chảy máu hoặc dịch mũi có mùi hôi. 
  • Mắt nhìn mờ. 
  • Khó thở. 
  • Triệu chứng sổ mũi xuất hiện sau khi bị chấn thương vùng đầu, lượng nước mũi nhiều và có màu trong. 

Nếu triệu chứng sổ mũi kéo dài trên 3 tuần, bạn nên đi khám

3. Biện pháp giảm thiểu triệu chứng và phòng ngừa sổ mũi

Nếu không phải nguyên nhân bệnh lý nghiêm trọng, triệu chứng sổ mũi có thể phần nào được giảm thiểu khi bạn thực hiện những biện pháp như:

  • Uống nhiều nước: Giúp bổ sung lượng nước thiếu hụt, đồng thời giúp dịch nhầy mũi loãng hơn. Từ đó quá trình giải phóng dịch mũi ra bên ngoài cũng diễn ra nhanh hơn. 
  • Dùng trà nóng: Hơi ấm từ trà nóng có tác dụng làm dịu niêm mạc, giúp niêm mạc mũi săn lại, tạo điều kiện cho mũi hắt xì dễ dàng hơn. Ngoài ra, uống trà nóng còn giúp giảm triệu chứng đau họng hay xuất hiện cùng sổ mũi. 
  • Xông hơi vùng mặt: Đây là biện pháp đơn giản giúp cho mũi thông thoáng, dễ thở hơn. Khi xông hơi, bạn nên cho thêm một chút tinh dầu gừng, dầu bạc hà,... để giúp niêm mạc phần nào được làm dịu, đồng thời loại bỏ bớt vi khuẩn trong mũi. 
  • Tắm bằng nước ấm: Hơi ấm của nước tác động vào vùng xoang có tác dụng giúp dịch nhầy loãng hơn, thuận lợi đào thải ra khỏi mũi. 
  • Muối vào nước muối sinh lý: Giúp loại bỏ phần nào yếu tố gây dị ứng, hỗ trợ giải phóng dịch nhầy nhanh hơn, giảm triệu chứng sổ mũi,... Nếu bị bệnh lý về mũi như viêm mũi dị ứng, bạn hãy rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày 1 đến 2 lần. 
  • Sử dụng thuốc trị sổ mũi theo hướng dẫn của bác sĩ: Nếu hiện tượng sổ mũi diễn biến nghiêm trọng, liên quan đến bệnh lý nào đó, bạn cần đi khám và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý rằng thuốc trị hắt hơi sổ mũi dễ phản ứng với nhiều loại thuốc khác, vì thế bạn không nên tự ý dùng mà hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.

Uống nhiều nước là cách đơn giản giúp làm loãng dịch mũi

Bên cạnh đó để phòng tránh phần nào tình trạng sổ mũi, bạn hãy thử áp dụng một vài cách thức đơn giản như: 

  • Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, tránh vi khuẩn xâm nhập vào mũi. 
  • Không nên tiếp xúc nhiều với người đang có dấu hiệu bị cúm, bệnh lý dễ lây truyền. 
  • Áp dụng thói quen ăn uống khoa học, tích cực luyện tập thể dục để cải thiện chức năng miễn dịch cho cơ thể. 
  • Chú ý vệ sinh sạch sẽ môi trường sống. 

Mong rằng từ phần chia sẻ của MEDLATEC, bạn đã có được giải đáp cho câu hỏi tại sao sổ mũi hoài không hết. Trường hợp nhận thấy triệu chứng sổ mũi diễn biến dai dẳng trên 3 tuần kèm theo dấu hiệu cảnh báo khác, bạn hãy đi thăm khám tại đơn vị y tế uy tín như chuyên khoa Hô hấp thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để bác sĩ kiểm tra cụ thể hơn. Để đặt lịch khám, Quý khách hãy liên hệ MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.