Các tin tức tại MEDlatec

Tăng cường miễn dịch cho trẻ tại nhà bằng cách nào hiệu quả?

Ngày 31/01/2024
Trẻ nhỏ sức đề kháng kém, hệ miễn dịch còn non yếu nên rất dễ bị mầm bệnh tấn công. Vì thế, tăng cường miễn dịch cho trẻ chính là cách tạo tiền đề sức khỏe tốt nhất để trẻ phát triển khỏe mạnh. Vậy cha mẹ có thể chủ động cải thiện miễn dịch tại nhà cho con bằng những cách nào, vấn đề này sẽ được chia sẻ trong nội dung dưới đây.

1. Khái quát về vai trò của hệ miễn dịch đối với sức khỏe

Hệ miễn dịch chính là lá chắn bảo vệ trẻ trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Sau khi trẻ chào đời, ngoài kháng thể được truyền từ mẹ trong giai đoạn bào thai, miễn dịch của trẻ tiếp tục hình thành từ kháng thể nhận được từ sữa mẹ. Đây chính là nguồn miễn dịch thụ động nhưng sẽ nhanh chóng giảm sau 6 tháng. Đến thời điểm trẻ cai sữa, hệ miễn dịch yếu hơn vì cơ thể của trẻ phải tự xây dựng hệ miễn dịch chủ động.

Quá trình tiếp xúc, phát triển xã hội của trẻ chính là lúc hệ miễn dịch chủ động hình thành. Trẻ càng tiếp xúc với môi trường đông người thì càng dễ bị xâm nhập bởi các tác nhân lạ. Lúc này, hệ miễn dịch chủ động sẽ tự ghi nhớ các tác nhân đã tấn công và khi chúng quay trở lại, hệ miễn dịch sẽ sản sinh kháng thể nhanh và mạnh hơn.

Hệ miễn dịch giúp cơ thể trẻ được bảo vệ trước sự tấn công của mầm bệnh

Điều đáng nói là, hệ miễn dịch của trẻ nhỏ còn yếu và đang trong quá trình hoàn thiện. Vì thế, trẻ dễ bị tác nhân gây bệnh tấn công, nhất là giai đoạn 6 tháng - 3 tuổi. 3 - 4 tuổi hệ miễn dịch chủ động của trẻ đã hoàn thiện, đã có khả năng sản sinh đầy đủ kháng thể chống lại mầm bệnh tương tự như hệ miễn dịch của người trưởng thành.

2. Một số cách tăng cường miễn dịch cho trẻ hiệu quả tại nhà

Để tăng cường miễn dịch cho trẻ trước sự tấn công của các tác nhân gây hại, cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau:

2.1. Bú sữa mẹ

Sữa mẹ cung cấp tế bào bạch cầu, nguồn kháng thể để cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ sau khi chào đời. Nhờ việc bú sữa mẹ mà trẻ có thể phòng ngừa được các bệnh nhiễm trùng, đột tử sơ sinh, dị ứng. Đặc biệt, sữa non của mẹ được sản sinh trong những ngày đầu sau sinh là nguồn kháng thể vô giá đối với sức khỏe của trẻ.

Với tầm quan trọng đó, cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú mẹ sau sinh càng sớm càng tốt và kéo dài đến khi trẻ được 2 tuổi là khuyến nghị đã được Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ đưa ra.

Bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời là cách tốt nhất để tăng cường miễn dịch cho trẻ

2.2. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng

Hoạt động của hệ miễn dịch rất cần đến sự phối hợp của nhiều vi chất dinh dưỡng: vitamin A, C, D, E,...; protein; kẽm, selen, sắt,... Đây chính là các hợp chất giữ vai trò chống oxy hóa để đảm bảo sự khỏe mạnh của tế bào, hỗ trợ miễn dịch phát triển và sản xuất ra kháng thể.

Trẻ có một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và đa dạng chính là yếu tố cần thiết để tăng cường miễn dịch. Trong đó, các loại rau màu xanh đậm, trái cây giàu vitamin C, thịt đỏ,... là nguồn thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch của trẻ.

Ngoài ra, khoai lang, bí ngô, rau xanh đậm còn giàu vitamin A với tiền chất beta-carotene giúp phòng ngừa nhiều loại bệnh lý. Ăn nhiều rau xanh không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ mà còn ngăn ngừa táo bón, phát triển lợi khuẩn, ổn định đường ruột và tăng sức đề kháng.

Các loại sữa, chế phẩm từ sữa, cá hồi,... rất giàu vitamin D tốt cho sự phát triển hệ xương và hệ miễn dịch của trẻ. Trẻ được bổ sung đầy đủ vitamin D có thể giảm được 40% nguy cơ mắc virus cúm.

Trứng, sữa, các loại đậu, nấm, hàu, cá, thịt,... giàu kẽm - vi chất có vai trò tăng cường khả năng kháng khuẩn, cải thiện miễn dịch, kích thích trẻ ăn ngon miệng. Các loại cá giàu omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá basa, cá thu,... cũng nên có trong chế độ ăn của trẻ để giảm cảm giác mệt mỏi, tăng cường chức năng não bộ và cải thiện giấc ngủ. Ngoài ra, mỗi ngày trẻ nên bổ sung lợi khuẩn tiêu hóa từ sữa chua lên men tự nhiên để cải thiện miễn dịch đường ruột.

Thông qua chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, đầy đủ vi chất, cha mẹ sẽ giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ một cách tự nhiên để tránh được các vấn đề tiêu hóa và tình trạng ốm vặt. Đối với việc sử dụng sản phẩm dược phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo đúng liều lượng cần thiết.

Chế độ nhiều rau xanh và trái cây giúp hệ miễn dịch của trẻ được cải thiện

2.3. Tạo lập thói quen sinh hoạt tốt cho sức khỏe

- Đảm bảo ngủ đủ giấc

Trẻ muốn có sự phát triển khỏe mạnh cả về tinh thần và thể chất không thể thiếu vai trò của giấc ngủ. Thiếu ngủ trong thời gian dài có thể làm sụt giảm miễn dịch, tăng cơ hội cho sự tấn công của mầm bệnh.

Tùy vào độ tuổi của trẻ mà cha mẹ cần đảm bảo cho con ngủ đủ giờ. Trẻ sơ sinh cần ngủ 18 - 20 giờ/ngày. Trẻ mới tập đi cần ngủ 12 - 13 giờ/ngày. Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo cần ngủ 10 giờ/ngày. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tạo lập cho con môi trường ngủ an toàn, yên tĩnh, thoáng mát để trẻ có giấc ngủ chất lượng.

- Tập thể dục

Trẻ được tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cải thiện hệ miễn dịch. Muốn cho con có được thói quen này thì cha mẹ cần tích cực cho trẻ tham gia các bộ môn thể thao phù hợp như: đạp xe, đi bộ,... và trở thành tấm gương để khuyến khích trẻ làm theo.

- Giữ vệ sinh cơ thể

Đây cũng là cách tăng cường miễn dịch cho trẻ trước sự tấn công của tác nhân gây bệnh. Khi trẻ giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ thì nguy cơ xâm nhập của mầm bệnh đến cơ thể được giảm xuống, tế bào miễn dịch được bảo vệ.

Vì thế, cha mẹ nên tập và khuyến khích con có thói quen rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi đi vệ sinh, trước bữa ăn, sau khi tham gia hoạt động vui chơi; vệ sinh răng miệng tối thiểu 2 lần/ngày;...

Thói quen giữ vệ sinh cá nhân giúp trẻ được bảo vệ tốt hơn trước sự tấn công của mầm bệnh

2.4. Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ

- Không khói thuốc

Tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá có thể khiến hệ miễn dịch của trẻ bị tổn thương vì cơ chế thải độc cơ thể trẻ chưa hoàn thiện, tần số thở của trẻ nhanh hơn so với người lớn.

Khi thường xuyên ở trong môi trường có khói thuốc, trẻ hút thuốc thụ động sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, viêm phế quản, hen suyễn, phát triển trí tuệ và thần kinh,... Do đó, tránh để con tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá cũng là cách tăng cường miễn dịch cho trẻ.

- Phòng ngừa lây nhiễm

Người lớn trong gia đình khi có các vấn đề về sức khỏe cũng cần có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ.

2.5. Tiêm vắc xin phòng bệnh

Trẻ nên được tiêm chủng vắc xin theo lịch khuyến cáo từ Bộ Y tế. Đây vừa là cách tăng cường miễn dịch chủ động cho trẻ vừa giúp phòng ngừa bệnh, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

2.6. Chỉ dùng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ

Thói quen tự cho trẻ dùng thuốc không có chỉ định từ bác sĩ có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch của trẻ. Cha mẹ cần lưu ý rằng, thuốc kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus mà chỉ có tác dụng chống lại vi khuẩn. Chưa kể đến, việc dùng sai thuốc, sai liều có thể khiến trẻ đối mặt với nguy cơ kháng thuốc, gây khó khăn cho điều trị trong tương lai. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho hệ miễn dịch và sức khỏe của trẻ, cha mẹ chỉ nên cho con dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định từ bác sĩ.

Ngoài những chia sẻ trên đây, nếu còn băn khoăn nào khác về tăng cường miễn dịch cho trẻ, quý khách hàng có thể trao đổi qua tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được giải đáp chi tiết.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.