Các tin tức tại MEDlatec

Tất tần tật thông tin về u ruột non ác tính mà bạn cần biết

Ngày 10/11/2021
Khi khối u ở ruột non hình thành nó sẽ làm tắc nghẽn dòng di chuyển của thức ăn, gây cản trở lớn tới hoạt động của hệ tiêu hóa. Khối u phát triển lớn sẽ làm tắc ruột, khi nó chảy máu còn khiến cho người bệnh bị thiếu máu. U ruột non ác tính hay ung thư ruột non là một tình trạng hiếm gặp do sự thay đổi bất thường của các tế bào mô ruột non. Và để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, hãy cùng chúng tôi theo dõi các phân tích trong bài viết sau đây nhé!

1. Khái quát về bệnh u ruột non

Ruột non là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn được đưa vào cơ thể. Vị trí của ruột non là nằm giữa dạ dày và đại tràng bao gồm 3 bộ phận chính:

  • Tá tràng: phần nối tiếp với dạ dày;

  • Hỗng tràng: phần giữa;

  • Hồi tràng: phần cuối, nối với đại tràng.

Bệnh lý u ruột non khá ít gặp và khó chẩn đoán. Người bệnh khi bị u ruột non thường có biểu hiện đau bụng, thiếu máu, mệt mỏi, hấp thu kém dẫn tới suy dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch, từ đó gây nên nhiều bệnh lý khác.

Sự phát triển bất thường của các tế bào mô ruột non sẽ tạo thành các khối u

Trong cơ thể có khả năng tồn tại một hoặc nhiều khối u ruột non cùng lúc. Có 2 loại u ruột non đó là:

U lành tính: chiếm 25% trong các trường hợp, là bệnh đa polyp ruột hoặc u mỡ. Người bị u ruột non lành tính thường có một số triệu chứng như:

  • Nổi cục ở bụng;

  • Tắc ruột khi u gia tăng về kích thước;

  • Đau ruột non, sụt cân, buồn nôn, xuất huyết;

  • Loét và chảy máu u.

U ác tính: bao gồm 5 loại chính như sau:

  • U lympho ruột (Lymphoma);

  • U Sarcoma: khối u hình thành và tiến triển từ mô cơ ở ruột non, thường gặp ở phần hồi tràng;

  • Carcinoma tuyến: phổ biến nhất trong các loại u ruột non ác tính và hay gặp ở tá tràng hoặc hỗng tràng. Bệnh xuất phát từ các tế bào tuyến ở ruột non;

  • U thần kinh nội tiết;

  • GIST: u mô đệm dạ dày ruột;

2. Truy tìm nguyên nhân hình thành u ruột non ác tính

Cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn tới ung thư ruột non nhưng vẫn tồn tại một số yếu tố khiến người bệnh tăng nguy cơ mắc bệnh đó là:

  • Bệnh Celiac: bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với sự hiện diện của các protein Gluten có trong các thực phẩm như yến mạch, lúa mì,... khiến cho các tế bào biểu mô ruột non bị phá vỡ;

  • Bệnh Crohn: là chứng viêm đường tiêu hóa mạn tính. Những người bị bệnh này thường có nguy cơ cao bị u ruột non ác tính và ung thư đại trực tràng;

  • Hội chứng đa polyp tuyến (FAP): bệnh này có tính chất di truyền với triệu chứng là hình thành rất nhiều (hàng chục và có thể đến hàng trăm) polyp trong đường tiêu hóa. Phần lớn các polyp này xuất hiện ở đại trực tràng, ngoài ra còn ở dạ dày và ruột non. Những bệnh nhân bị FAP cũng nằm trong đối tượng dễ bị mắc ung thư ở các cơ quan trong đường tiêu hóa (ung thư tuyến giáp, ung thư tá tràng, ung thư dạ dày).

3. U ruột non có thể gây nên những triệu chứng gì?

Khi bệnh còn ở giai đoạn đầu thường sẽ không bộc lộ biểu hiện rõ ràng và không đặc hiệu, rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác về đường tiêu hóa như:

  • Tiêu chảy: bệnh nhân bị đi ngoài phân lỏng trên 3 lần/ngày;

  • Đau bụng: bụng đau âm ỉ, ít khi đau dữ dội;

  • Buồn nôn hoặc nôn ói;

  • Phân lẫn máu: màu máu trong phân của bệnh nhân bị u ruột non ác tính thường không phải máu tươi, chủ yếu là đi ngoài phân đen, giống màu bã cà phê, mùi khó chịu, thối khẳm;

  • Bụng nổi u: người bệnh có thể phát hiện tình cờ hoặc được chẩn đoán sau khi thăm khám;

  • Sút cân không rõ nguyên nhân và đây là triệu chứng rất hay gặp đối với những trường hợp bị ung thư ruột non giai đoạn cuối.

Bệnh nhân bị u ruột non ác tính sẽ có biểu hiện buồn nôn, đau bụng

Có 4 giai đoạn ung thư ruột non. Các giai đoạn được phân chia dựa trên đặc điểm, tính chất khối u, phạm vi di căn:

Giai đoạn 1: các tế bào ác tính mới mới hình thành phát triển khu trú ở lớp mô ruột non và chưa xâm lấn sang các tổ chức và hạch bạch huyết lân cận;

Giai đoạn 2: khối u đã lan rộng qua thành ruột, bắt đầu tấn công, chiếm đóng các mô xung quanh nhưng chưa di căn tới hạch;

Giai đoạn 3:

  • Giai đoạn 3A: tế bào ung thư di căn tới 1 - 3 hạch vùng, có hoặc không xâm lấn qua lớp cơ thành ruột và vẫn chưa tấn công tới các cơ quan khác;

  • Giai đoạn 3B: khối u di căn từ 4 hạch vùng trở lên, có hoặc không ăn qua lớp cơ thành ruột và vẫn ở trong ruột non.

Giai đoạn 4: hay còn gọi là giai đoạn cuối khi mà khối u đã di căn xa tới những bộ phận khác trong cơ thể như gan, phổi,...

4. U ruột non ác tính có chữa được không? Điều trị ra sao?

Việc điều trị ung thư ruột non cần căn cứ vào loại ung thư và giai đoạn tiến triển của bệnh, ngoài ra còn phải cân nhắc tới các tác dụng phụ của những phương pháp này đối với bệnh nhân, tình trạng sức khỏe cũng như sự lựa chọn phương án điều trị của người bệnh. Dưới đây là một số biện pháp được áp dụng phổ biến trong chữa trị u ruột non ác tính:

Phẫu thuật:

  • Thường được chỉ định ở giai đoạn sớm nhằm cắt bỏ khối u và những vùng đã bị tế bào ung thư xâm lấn, giúp đường tiêu hóa của bệnh nhân được lưu thông trở lại;

  • Nguy cơ biến chứng: phẫu thuật có thể khiến người bệnh bị nhiễm trùng, chảy máu sau mổ, đau vết mổ hoặc gặp các rối loạn đường tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón,...

Xạ trị: áp dụng trong trường hợp ung thư ruột non đã ở giai đoạn muộn và cũng có thể gây nên một số tác dụng phụ như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa và dị ứng da;

Hóa trị: thay vì thực hiện phẫu thuật xâm lấn để trị bệnh, các tế bào ung thư sẽ bị thuốc tiêu diệt. Phương pháp này có thể khiến người bệnh bị rụng tóc, buồn nôn và nôn, mệt mỏi, chán ăn, nguy cơ bị nhiễm trùng cao do giảm bạch cầu, tiêu chảy,...;

Liệu pháp miễn dịch: một biện pháp tiên tiến giúp chống lại sự tấn công và nhân rộng của tế bào ung thư bằng cách kích hoạt chính hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hiện nay liệu pháp miễn dịch được phát triển theo đường tiêm vacxin, interferons và kháng thể.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u ruột non là chỉ định phổ biến trong điều trị bệnh lý này

Bên cạnh các phương pháp điều trị nêu trên, để ngăn ngừa u ruột non ác tính thì chúng ta nên:

  • Luyện tập một chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe theo khuyến cáo y khoa: không nên tiêu thị nhiều đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ chiên nướng và thực phẩm chế biến sẵn. Nên tích cực ăn các loại rau xanh và hạt ngũ cốc;

  • Không hút thuốc lá và uống ít bia rượu;

  • Những người mắc các bệnh lý như FAP, Celilac, Crohn nên thăm khám sàng lọc ung thư ruột non ít nhất 6 tháng/lần.

Có thể nói, u ruột non ác tính là một bệnh tuy ít gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến mạng sống của người bệnh. Do đó để giảm thiểu rủi ro bị u ruột non, mỗi người nên duy trì một thói quen ăn uống lành mạnh, lối sống bổ ích, khoa học và tầm soát ung thư định kỳ.

Hiện nay Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC vẫn đang triển khai nhiều gói khám tầm soát các bệnh ung thư với chi phí vô cùng hợp lý. Sau khi thực hiện các phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân còn được tư vấn bởi đội ngũ chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm và tay nghề cao. Hãy liên hệ ngay tới tổng đài của chúng tôi qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết hơn bạn nhé!

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.