Các tin tức tại MEDlatec

Thuốc Fentanyl - Hiệu lực gấp nhiều lần Morphine nhưng cần thận trọng

Ngày 08/11/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Fentanyl là loại thuốc có tác dụng gần giống Morphine nhưng hiệu lực lại cao gấp nhiều lần. Loại thuốc này thường chỉ được chỉ định trong một số trường hợp nhất định. Vậy, cần lưu ý gì khi sử dụng loại thuốc giảm đau Fentanyl?

1. Thông tin khái quát về thuốc Fentanyl

Fentanyl là loại thuốc dùng trong điều trị giảm đau, thuộc nhóm Opioid. Tác dụng của Fentanyl gần tương tự Morphine nhưng hiệu lực lại cao gấp hàng trăm lần. 

Thuốc giảm đau trong và sau phẫu thuật Fentanyl

Thuốc Fentanyl hiện được điều chế theo 4 dạng cơ bản. Bao gồm dạng dung dịch tiêm, miếng dán, viên ngậm dưới lưỡi và dạng xịt. Trong đó, phổ biến hơn cả là dạng dung dịch tiêm và dạng miếng dán. 

Vì là loại thuốc giảm đau cực mạnh nên người bệnh chỉ có thể dùng Fentanyl theo chỉ định của bác sĩ. Thậm chí trong thực tế, nhiều bệnh nhân không thể đáp ứng điều kiện để sử dụng một số dạng Fentanyl. Vậy nên, việc dùng loại thuốc này cần thận trọng, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng dựa trên khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. 

2. Công dụng của thuốc Fentanyl

Tác dụng chính của thuốc Fentanyl là giúp giảm đau trong và sau khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Bên cạnh đó, Fentanyl thường tham gia vào quá trình hỗ trợ gây mê, thở máy trong điều trị hồi sức. 

Fentanyl giúp giảm đau trong và sau khi thực hiện phẫu thuật

3. Chỉ định và chống chỉ định

3.1. Chỉ định 

Thuốc Fentanyl chủ yếu được chỉ định sử dụng để giảm đau kết hợp trong gây tê màng cứng và gây tê tủy sống. 

3.2. Chống chỉ định 

Sau đây là một vài trường hợp chống chỉ định với thuốc giảm đau Fentanyl: 

  • Người chỉ bị đau nhẹ. 
  • Người bị suy nhược cơ thể. 
  • Người bị suy hô hấp nặng, phổi có dấu hiệu bị tắc nghẽn. 
  • Người bị hen phế quản cấp tính. 
  • Người bị tắc nghẽn đường tiêu hóa. 
  • Người không thể dung nạp Opioid. 
  • Người dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong thuốc. 

Người bị suy nhược cơ thể không được sử dụng Fentanyl 

Nếu thuộc một trong những nhóm đối tượng trên, bạn sẽ không thể dùng thuốc giảm đau Fentanyl. 

4. Liều dùng và cách dùng

4.1. Liều dùng 

4.1.1. Liều dùng theo dạng tiêm

Với Fentanyl dạng dung dịch tiêm, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng dựa theo tình trạng bệnh, mức độ cơn đau. Cụ thể như: 

  • Liều dùng áp dụng cho bệnh nhân trước khi gây mê: Ở người trưởng thành, Fentanyl được tiêm chậm vào tĩnh mạch theo liều lượng tương đương 50 đến 100 microgram. Còn ở trẻ nhỏ, liều dùng thường chỉ từ 3 đến 5 microgram hoặc 1 microgram/kg trong trường hợp cần thiết. 
  • Liều lượng áp dụng trong trường hợp hỗ trợ gây mê: Đối với bệnh nhân vẫn có khả năng tự thở, Fentanyl được tiêm vào tĩnh mạch với liều lượng từ 50 đến 200 microgram, sau khoảng 30 phút thì bác sĩ có thể bổ sung 50 microgram nếu cần thiết. Với trẻ nhỏ, liều lượng tiêm Fentanyl thường là 15 microgram/kg, tiếp đó bác sĩ sẽ bổ sung từ 1 đến 3 microgram/kg trong trường hợp cần thiết. 
  • Liều lượng dùng áp dụng cho người giảm đau sau phẫu thuật: Ở người trưởng thành, liều dùng Fentanyl dạng tiêm thường là từ 50 đến 200 microgram/giờ. Với trẻ nhỏ, liều dùng giảm xuống chỉ còn khoảng 3 đến 5 microgram/giờ, và có thể bổ sung thêm 1 microgram/kg sau đó. 

Liều dùng Fentanyl cụ thể điều chỉnh thay đổi theo từng đối tượng 

4.1.2. Liều dùng theo dạng miếng dán

Trong một số trường hợp, người bệnh cần sử dụng thuốc giảm đau Fentanyl theo dạng miếng dán. Với người chưa bao giờ dùng Opioid, liều lượng dùng cần áp dụng ở mức tối thiểu 25mcg/giờ. Còn nếu từng sử dụng Opioid, liều lượng dùng Fentanyl có thể được chỉ định linh hoạt hơn, hoặc chuyển đổi sang dạng uống và dạng tiêm. 

Nếu bệnh nhân là trẻ nhỏ từng dung nạp Opioid, liều lượng dùng thuốc dạng miếng dán chỉ nên áp dụng ở mức thấp 45mg morphin/ngày. 

Lưu ý rằng hướng dẫn về liều lượng trên đây chỉ có tính chất tham khảo. Tùy theo tình hình thực tế, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều tiêm hoặc miếng dán Fentanyl phù hợp, đảm bảo an toàn cho người bệnh. 

4.2. Cách dùng 

Cách sử dụng Fentanyl tùy thuộc theo dạng điều chế cụ thể. Theo đó với nhóm thuốc giảm đau này, bệnh nhân thường dùng theo một số dạng sau: 

  • Tiêm hoặc truyền vào tĩnh mạch: Áp dụng cho bệnh nhân đang nằm viện, có sự giám sát của nhân viên y tế. 
  • Sử dụng như dạng miếng dán ngoài da: Áp dụng cho mọi trường hợp như điều trị ngoại trú cũng như nằm viện. 
  • Sử dụng như một loại kẹo ngậm: Chủ yếu áp dụng cho bệnh nhân ung thư

5. Tác dụng phụ của thuốc Fentanyl

Tác dụng phụ của thuốc giảm đau Fentanyl có thể phân loại theo tần suất xuất hiện. Sau đây là bảng tổng hợp những tác dụng phụ khi sử dụng loại thuốc này. 

Tác dụng phụ thường gặpTác dụng phụ ít gặp Tác dụng phụ hiếm gặp

- Chóng mặt

- Mơ màng, ngủ lơ mơ. 

- Thiếu tập trung. 

- Xuất hiện ảo giác. 

- Toát mồ hôi. 

- Mặt đỏ. 

- Cảm thấy buồn nôn

- Túi mật bị co thắt. 

- Miệng khô. 

- Khó đi tiểu. 

- Nhịp tim dần chậm lại. 

- Tụt huyết áp thoáng qua. 

- Thở gấp

- Cơ bị co cứng,... 

- Xét nghiệm cho thấy tiểu cầu giảm. 

- Lo âu. 

- Mất thăng bằng. 

- Mặt bị sưng. 

- Yếu cơ. 

- Mắt nhìn mờ. 

- Khó đi tiểu. 

- Khát nước. 

- Không còn tỉnh táo. 

- Ngứa ngáy. 

- Da nổi mề đay

- Phế quản bị co thắt. 

- Thanh quản bị co thắt. 

- Nhịp tim giảm, thậm chí là suy tim. 

Bảng tổng hợp tác dụng phụ của thuốc giảm đau Fentanyl 

Ngoài ra trong một số trường hợp, thuốc Fentanyl còn gây tác dụng phụ nguy hiểm như suy vùng thượng thận, mê sản, mất dần ý thức. Vì vậy, sau khi dùng thuốc nếu nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào, người bệnh đều phải thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời. 

6. Lưu ý khi dùng thuốc Fentanyl 

Dưới đây là một vài lưu ý người bệnh cần biết trước khi dùng thuốc giảm đau Fentanyl:

  • Fentanyl thường không phát huy hiệu quả giảm đau với cơn đau cấp tính, hậu phẫu. 
  • Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng khác thường, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ để được theo dõi, can thiệp xử lý sớm. 
  • Fentanyl dạng miếng dán có thể gây suy hô hấp ngay cả khi bệnh nhân đã gỡ bỏ. 
  • Thuốc Fentanyl có thể là tác nhân làm tăng nguy cơ suy hô hấp, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. 
  • Fentanyl có thể là nguyên nhân khiến người bệnh mắc bệnh phổi mạn tính. 
  • Fentanyl dễ gây tình trạng nghiện thuốc. 
  • Người bệnh bị u não chỉ có thể sử dụng Fentanyl nếu được bác sĩ đồng ý, hướng dẫn theo liều lượng cụ thể. 
  • Người bị bệnh lý về tim cần thận trọng khi dùng thuốc giảm đau Fentanyl. 
  • Bệnh nhân tuyệt đối không lái xe hoặc sử dụng máy móc sau khi dùng Fentanyl. 
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên dùng thuốc Fentanyl. Bởi loại thuốc này thường bài tiết qua đường tiết sữa, không tốt cho trẻ đang bú mẹ. 
  • Người mắc bệnh lý về gan, thận không nên dùng Fentanyl. 
  • Người cao tuổi và trẻ nhỏ là đối tượng phải thận trọng khi dùng thuốc Fentanyl. 
  • Fentanyl có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc khác. Vì thế bệnh nhân cần liệt kê đầy đủ những loại thuốc, thực phẩm chức năng đang dùng để bác sĩ nắm rõ trước khi kê đơn Fentanyl. 

Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ thuốc đang dùng trước khi được kê toa sử dụng Fentanyl 

Thuốc Fentanyl mặc dù có hiệu lực cao hơn nhiều Morphine nhưng tác dụng phụ kèm theo cũng không hề ít. Do vậy trong mọi trường hợp, bạn tuyệt đối không nên tự ý dùng Fentanyl theo bất kỳ dạng nào. Nếu đang gặp vấn đề về sức khỏe, cần điều trị giảm đau, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra. Hệ thống Y tế MEDLATEC với kinh nghiệm gần 30 năm là địa chỉ y tế tin cậy bạn có thể tham khảo và lựa chọn. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ theo số 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.