Các tin tức tại MEDlatec

Thuốc giảm sưng phù nề: Công dụng và cách dùng chi tiết

Ngày 30/05/2023
Tình trạng sưng viêm phù nề gây ra không ít đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Do đó để cải thiện được tình trạng này, các thuốc giảm sưng sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc này cần phải có hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa và bệnh nhân không được tự ý dùng để tránh các biến chứng nguy hại đối với sức khỏe. 

1. Định nghĩa về triệu chứng sưng phù nề

Tình trạng phù nề xảy ra khi các khoảng trống giữa các mô trong cơ thể bị tích tụ một lượng dịch hoặc máu và các chất trung gian hóa học sinh ra do quá trình viêm tấy do chấn thương, đụng dập hay do vi khuẩn gây viêm. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do tổn thương mao mạch làm giải phóng và rò rỉ dịch ra ngoài. Những khu vực dễ bị sưng phù nề nhất đó là vùng mặt, bọng mắt, chân (mắt cá chân, bàn chân, bắp chân), tay (bàn tay, cánh tay),...

Phù nề có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều vấn đề bệnh lý, bất kỳ ai cũng có thể phải trải qua tình trạng này nhưng thường gặp hơn cả là phụ nữ mang thai và người cao tuổi.

Khi mang thai, gặp chấn thương hay mắc phải bệnh lý nào đó có thể gây ra phản ứng sưng. Nếu tình trạng này không thuyên giảm và gia tăng thì có khả năng gây viêm nhiễm, phù nề khiến bệnh nhân bị đau đớn, khó chịu dẫn tới những bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Chân bị sưng nề

Nếu ở vết thương, vùng dưới da hay trong các khoang của cơ thể có tích tụ một lượng dịch bất thường thì sẽ làm tăng nguy cơ sưng viêm, phù nề nghiêm trọng. Điều này sẽ khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn.

Tùy thuộc vào vị trí bị tổn thương, triệu chứng sưng phù nề được nhận diện qua các đặc điểm sau: chỗ bị thương có biểu hiện đau đớn, sưng tấy, da bầm tím hoặc đổi màu, có thể viêm và đau tăng nặng khi cử động.

2. Thế nào là thuốc giảm sưng phù nề?

Có thể bạn chưa biết khi cơ thể bị tổn thương ở bộ phận nào đó thì sẽ tiết ra một chất gọi là Prostaglandin. Chất này có khả năng làm tăng cảm giác đau và sưng viêm khi gặp chấn thương. Ngoài ra nó còn tham gia vào hoạt động kiểm soát, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

Thuốc giảm sưng phù nề có tác dụng kháng viêm, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh cho cơ thể, đồng thời hạn chế Prostaglandin hoạt động để giảm đau và hạ sốt.

Các thuốc thường được chỉ định trong điều trị giảm triệu chứng sưng phù nề phần lớn thuộc nhóm NSAID. Xét về tác dụng phụ thì dễ thấy nhất ở nhóm thuốc này đó là gây tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi. Ngoài ra người bệnh còn có thể gặp phải các biểu hiện khác như mờ mắt, ù tai, đi tiểu hoặc đại tiện ra máu, nôn ra máu, đau bụng, ngứa, nổi mẩn phát ban, thay đổi nhịp tim và vàng da,...

3. Các dòng thuốc giảm sưng phù nề phổ biến

3.1. Các thuốc nhóm NSAID

Một số loại thuốc chống viêm giảm sưng phù nề phổ biến thường gặp như aspirin, ibuprofen, naproxen, serazym có thể dùng rất hiệu quả trong việc giảm đau sưng phù nề. Đây đều là các thuốc chống viêm giảm phù nề Nonsteroid (NSAID).

Công dụng chung của các thuốc NSAID đó là hỗ trợ giảm sốt, giảm đau, kháng viêm do mắc phải các bệnh lý như đau đầu, cảm cúm, đau bụng kinh, đau răng,... Đồng thời nhóm thuốc này cũng đóng vai trò là các thuốc giảm sưng trong điều trị bệnh viêm khớp, chấn thương phần mềm, thấp khớp.

Thuốc NSAID được bào chế theo nhiều hình thức khác nhau, từ thuốc mỡ, dạng kem bôi da cho đến thuốc cốm, siro, viên nén để uống hoặc thuốc nhỏ mắt, viên đặt hậu môn. Do đó bệnh nhân cần lưu ý phân loại các dạng thuốc này để tránh tình trạng quá liều hay sử dụng trùng lặp thuốc.

3.2. Các thuốc chứa Alphachymotrypsin

Thuốc Alpha chymotrypsin:

Trong thuốc này có chứa thành phần chính đó là Alphachymotrypsin hoặc Chymotrypsin cùng các tá dược khác như tinh dầu bạc hà, magnesi stearate, tinh bột lúa mì,... Thuốc đem lại những tác dụng sau:

  • Giảm sưng, phù nề, kháng viêm, tan vết bầm máu trong các tình huống như lở loét, áp-xe, hậu phẫu hay chấn thương, viêm mũi, viêm tuyến vú, viêm tinh hoàn,...;

  • Ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng mắt khi phẫu thuật đục thể tinh thể;

  • Làm loãng dịch đờm, giảm bài tiết dịch trong đường hô hấp trên trong nền bệnh lý như hen phế quản, viêm xoang hay các bệnh về phổi.

Cách sử dụng Alpha chymotrypsin:

  • Nếu dùng theo dạng đường uống: dùng 2 viên/lần, mỗi ngày uống từ 3 - 4 lần;

  • Dùng thuốc theo cách ngậm dưới lưỡi: ngậm khoảng 4 - 6 viên/ngày theo nhiều lần. Hãy để thuốc tan dần thay vì cắn thuốc ra.

Thuốc Alphachymotrypsin

Không nên dùng thuốc này trong các trường hợp như:

  • Cơ thể dị ứng với các thành phần của thuốc;

  • Rối loạn đông máu;

  • Đang mắc bệnh gan nặng;

  • Bệnh nhân bị tăng áp suất dịch kính;

  • Không dùng khi phẫu thuật đục nhân mắt;

  • Không dùng nếu bị đục nhãn thể mắt bẩm sinh;

  • Không thích hợp để dùng cho vết thương hở.

Thuốc Katrypsin:

Thành phần chính của thuốc là alphachymotrypsin 21 microkatals - một hoạt chất có công dụng giảm thiểu triệu chứng sưng viêm, phù nề do chấn thương. Cơ chế hoạt động của Katrypsin là:

  • Giúp giảm bớt dịch lỏng tích tụ trong đường hô hấp, từ đó cải thiện các dấu hiệu bệnh lý ở hệ cơ quan này, ví dụ như: ho, nghẹt thở, khó thở, viêm phế quản, hen suyễn, bệnh về phổi,...;

  • Giảm sưng phù nề cho trường hợp bị áp-xe, hậu phẫu hay chấn thương.

Cách sử dụng thuốc Katrypsin:

Thuốc cần được sử dụng dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đối với đường uống, bạn nên sử dụng thuốc 2 viên/lần, từ 3 - 4 lần/ngày.

Thuốc Katrypsin

Thuốc Alpha Choay:

Đây là một loại thuốc giảm sưng, kháng viêm được dùng khi:

  • Bệnh nhân gặp chấn thương, cụ thể là bong gân, chuột rút, phù nề mí mắt, dập tím mô, bầm máu, nhiễm trùng, ổ tụ máu, tai nạn giao thông hoặc chấn thương do tập thể dục, chơi thể thao,...;

  • Giúp làm lỏng chất nhầy tiết ra tại đường hô hấp do mắc các bệnh như viêm phế quản, bệnh hen, viêm xoang hay bệnh về phổi,...

Hướng dẫn sử dụng Alpha Choay:

  • Dạng đường uống: uống khoảng 2 viên/lần, dùng 3 - 4 lần/ngày và nên uống với nhiều nước;

  • Dạng ngậm dưới lưỡi: để thuốc tan từ từ khi đặt dưới lưỡi. Dùng từ 4 - 6 viên/ngày chia thành nhiều lần khác nhau.

Trong quá trình dùng thuốc cần lưu ý rằng không được sử dụng đối với các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân mắc hội chứng thận hư;

  • Người bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính;

  • Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc;

  • Không sử dụng Alpha Choay cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Nếu cần thiết phải dùng thì cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ;

  • Bệnh nhân gặp các vấn đề như rối loạn truyền máu, rối loạn đông máu, loét dạ dày, chuẩn bị phẫu thuật hay bị dị ứng với protein,...

Thuốc Alpha Choay

Hy vọng rằng những thông tin do MEDLATEC cung cấp trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các thuốc giảm sưng, phù nề, bao gồm công dụng và cách dùng của những loại thuốc này. Để cập nhật thêm các thông tin hữu ích về y khoa cũng như các dịch vụ đang được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, mời quý bạn đọc liên hệ ngay qua hotline 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.