Các tin tức tại MEDlatec
Tìm hiểu cách xử lý vết thương bị sưng đúng cách
- 29/04/2020 | Những kiến thức bổ ích về cấy dịch vết thương mà bạn nên biết
- 25/09/2020 | Rạch tầng sinh môn khi sinh - vì sao và chăm sóc vết thương thế nào
1. Các nguyên nhân dẫn đến vết thương bị sưng
Để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, trước hết bạn nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng sưng tấy ở vết thương. Thông thường, vết thương bị sưng là do hai nguyên nhân dưới đây:
Vết thương sưng tấy do phản ứng của cơ thể:
Cơ thể có cơ chế tự làm lành vết thương thông qua các giai đoạn: viêm, tăng sinh, tạo sẹo. Sưng tấy là dấu hiệu xuất hiện sớm ngay sau khi bị thương. Đây là một trong những dấu hiệu của phản ứng viêm, nhằm chống lại các vi sinh vật lạ xâm nhập vào vết thương. Nếu tình trạng sưng tấy biến mất sau 2 - 3 ngày thì bạn có thể yên tâm vì đây chỉ là dấu hiệu bình phục tự nhiên của cơ thể. Ngược lại sau một thời gian dài vết thương mới xẹp xuống, thì có thể vết thương đó đã bị nhiễm trùng.
Vết thương bị sưng là một trong những dấu hiệu của phản ứng viêm, nhằm chống lại các vi sinh vật gây hại
Ngoài ra, phản ứng viêm còn giải phóng ra các chất trung gian hóa học gây cảm giác nóng, đau rát tại vết thương. Đồng thời, do lượng máu dồn về nhiều nên bên ngoài vết thương sẽ có màu đỏ hồng và chuyển dần sang màu tím sau 1 - 2 ngày.
Vết thương sưng tấy do nhiễm trùng:
Nếu sau 4 - 6 ngày, tình trạng sưng tấy vẫn chưa giảm bớt thì vết thương có thể đã bị nhiễm trùng. Cảm giác nóng đỏ và đau rát ở vết thương sẽ tăng dần theo thời gian.
Tùy theo mức độ tổn thương mà bạn có thể bị sốt nhẹ hoặc cao. Trong trường hợp nặng hơn, vết thương sẽ bắt đầu có hiện tượng chảy mủ ra ngoài và có mùi rất khó chịu. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do việc xử lý vết thương không đúng cách tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển gây viêm nhiễm. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, vết thương có thể bị hoại tử.
Vết thương bị nhiễm trùng nặng, chảy mủ ra ngoài và có mùi rất khó chịu
2. Cách xử lý vết thương bị sưng được khuyến cáo
Để làm giảm tình trạng sưng tấy, tùy theo từng loại vết thương mà có cách xử lý khác nhau. Dưới đây là một số cách xử lý vết thương bị sưng:
Đối với vết thương bị sưng do phản ứng cơ thể:
Bạn không nên quá lo lắng về những vết thương như thế này. Đối với những vết thương gần vùng phải hoạt động nhiều như: tay, chân,… thì bạn nên hạn chế cử động. Để vết thương nhanh lành hơn, bạn có thể kết hợp với xoa bóp giúp máu lưu thông đến nuôi các mô bào tại đó.
Trong trường hợp vết thương quá sưng hoặc gây đau đớn, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm. Trước khi sử dụng thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, để tình trạng sưng tấy không trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, chườm đá đúng cách cũng là biện pháp giảm bớt tình trạng xuất huyết và sưng tím khi bị bong gân, căng cơ,… Biện pháp này chỉ có tác dụng trong vòng 72 giờ kể từ lúc bị thương. Do đó, bạn nên tiến hành chườm đá lên vùng đau nhức sớm. Bạn chỉ nên chườm đá từ 5 - 10 phút, chườm nhiều lần và mỗi lần cách nhau khoảng 1 giờ. Trước khi chườm, bạn nên bỏ đá vào một chiếc khăn sạch hoặc nhúng khăn vào nước lạnh. Tuyệt đối không được chườm đá trực tiếp lên da hay miệng vết thương hở.
Chườm đá đúng cách là biện pháp giảm bớt tình trạng xuất huyết và sưng tím khi bị bong gân, căng cơ,…
Đối với vết thương bị sưng do nhiễm trùng:
Vết thương bị sưng kéo dài, gây đau rát và chảy mủ. Đây chính là những biểu hiện cho thấy vết thương bắt đầu bị nhiễm trùng. Vì vậy, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng vết thương bị hoại tử. Để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng vết thương, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng sinh phổ rộng.
Trong trường hợp, vết thương bị nhiễm trùng nhẹ, bạn có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ:
- Trước khi xử lý vết thương ban nên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn phù hợp, để vi sinh vật không xâm nhập từ tay vào vết thương.
- Làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%), hoặc bạn có thể rửa bằng nước muối tự pha theo công thức: dùng 2 thìa muối với 1 lít nước đun sôi để nguội. Tuyệt đối không rửa vết thương bị sưng bằng oxy già hay cồn iod,… tránh làm vết thương lâu lành.
Bạn nên làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý có sẵn hoặc tự pha
- Nếu vết thương xuất hiện các dị vật thì bạn nên dùng nhíp hay dao đã qua sát trùng để loại bỏ chúng. Sau đó, sát trùng lại vết thương bằng nước muối sinh lý và băng lại cẩn thận bằng gạc y tế. Nếu vết thương nhỏ bị sưng tấy thì bạn nên để hở, để chúng nhanh lành hơn.
3. Nên ăn gì để vết thương bị sưng nhanh lành
Chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp giảm thiểu tình trạng viêm sưng ở vết thương. Để vết thương bị sưng không trở nên tồi tệ hơn, bạn nên tránh ăn một số loại thực phẩm như: rau muống, thịt bò, tôm cua,… Bởi vì, những loại thực phẩm này có thể làm cho vết thương bị sưng tấy lên, chảy nước và sinh mủ nhiều hơn. Đồng thời, bạn cũng không nên ăn các loại thực ăn gây dị ứng, nổi mề đay.
Bạn nên ăn nhiều chất đạm có trong thịt, cá, các loại đậu,… để tái tạo các tế bào mới. Đồng thời, bổ sung thêm các loại trái cây chứa nhiều vitamin C như: cam, quýt, bưởi,… giúp tăng cường sức đề kháng, làm cho vết thương nhanh lành.
Ăn nhiều các loại trái cây giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, làm cho vết thương nhanh lành
Nếu không xử lý đúng cách, vết thương bị sưng có thể bị nhiễm trùng. Vì vậy, bạn nên quan sát tình trạng của vết thương, từ đó có cách giải quyết phù hợp. Nếu vết thương bị sưng tấy kéo dài và bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của sự nhiễm trùng, thì bạn nên đi đến các cơ sở y tế để được giúp đỡ, tránh tình trạng vết thương bị hoại tử. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ làm cho vết thương nhanh lành hơn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!