Các tin tức tại MEDlatec

Tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em nguyên nhân do đâu?

Ngày 13/11/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em là hiện tượng bất thường về đặc điểm bộ phận sinh dục hoặc có thể là sinh lý bình thường nhưng dễ khiến cha mẹ lo lắng. Nếu biết được vì sao trẻ gặp phải tình trạng này cha mẹ sẽ yên tâm chăm sóc trẻ, có phương pháp can thiệp kịp thời để giúp sức khỏe của trẻ được bảo vệ an toàn.

1. Như thế nào là tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em?

Tinh hoàn chảy xệ là hiện tượng tinh hoàn của trẻ bị sa xuống, nằm thấp bên trong bìu. Trạng thái này thường được nhận diện qua quan sát trực tiếp hoặc trong quá trình vệ sinh cho trẻ.

Cha mẹ có thể nhận biết tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em khi quan sát và phát hiện:

- Bìu có kích thước bất thường, hai bên không đều.

- Tinh hoàn nằm ở vị trí thấp hơn bình thường và ít co lên khi lạnh.

- Trẻ có biểu hiện khó chịu hoặc đau nhẹ ở vùng bìu.

Nếu trẻ gặp tình trạng sau, cha mẹ cần cho con khám bác sĩ Nhi khoa:

- Tình trạng chảy xệ diễn ra nhiều ngày không cải thiện hoặc có dấu hiệu nặng hơn.

- Trẻ bị đau bộ phận sinh dục, quấy khóc liên tục.

- Bìu sưng to, đỏ hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm.

Trẻ em bị chảy xệ tinh hoàn và đau ở vùng bìu cần được khám bác sĩ chuyên khoa

2. Nguyên nhân tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em

Tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau:

2.1. Yếu tố sinh lý tự nhiên

Đối với trẻ nhỏ, hiện tượng tinh hoàn chảy xệ hầu như là bình thường. Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ môi trường ấm lên, cơ bìu giãn ra để làm mát tinh hoàn, giúp duy trì nhiệt độ ổn định để sản xuất tinh trùng trong tương lai. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể, không đáng lo ngại.

2.2. Tinh hoàn không cố định

Một số trẻ có hiện tượng tinh hoàn không cố định tức là tinh hoàn có thể di chuyển lên xuống trong bìu nên đôi lúc nhìn thấy tinh hoàn chảy xệ. Hiện tượng này có tính chất sinh lý tạm thời, nếu không tự cải thiện theo thời gian thì cần theo dõi để can thiệp sớm, tránh ảnh hưởng đến quá trình phát triển sinh lý về sau, khi trẻ trưởng thành.

2.3. Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn là kết quả của một phần ruột hoặc các mô trong ổ bụng qua một lỗ yếu ở thành bụng chui vào bìu của trẻ. Điều này tạo áp lực lên và khiến tinh hoàn chảy xệ. Tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em do thoát vị bẹn thường khiến trẻ đau và khó chịu ở bộ phận sinh dục và cần được điều trị ngay không gặp phải biến chứng.

2.4. Tràn dịch màng tinh hoàn

Bệnh lý này xảy ra khi quanh tinh hoàn có hiện tượng tích tụ dịch. Tinh hoàn chảy xệ, phình to do tràn dịch màng tinh thường là kết quả của viêm nhiễm hoặc chấn thương nhẹ. 

Tràn dịch màng tinh hoàn thường không gây đau, nhưng cần thăm khám để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Tràn dịch màng tinh hoàn có thể gây nên tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em

2.5. Suy giảm cơ bìu

Cơ bìu có vai trò nâng đỡ tinh hoàn, nhưng ở một số trẻ, cơ này yếu hoặc chưa phát triển đầy đủ nên tinh hoàn dễ bị chảy xệ. Cùng với quá trình phát triển của cơ thể trẻ, tình trạng tinh hoàn chảy xệ có thể cải thiện nhưng nếu không thay đổi thì trẻ cần được khám chuyên khoa.

3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em

3.1. Chẩn đoán

Chẩn đoán tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em thường được thực hiện qua các bước khám lâm sàng và các chẩn đoán hình ảnh cần thiết:

- Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ sờ nắn nhẹ và quan sát để kiểm tra mức độ chảy xệ. Quá trình này giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường như thoát vị bẹn, tràn dịch màng tinh hoàn,...

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi cha mẹ của trẻ các thông tin chi tiết về tiền sử bệnh, thời gian xuất hiện tình trạng chảy xệ và các triệu chứng đi kèm.

- Siêu âm bìu

Đây là phương pháp hiệu quả đối với việc chẩn đoán tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em. Siêu âm giúp bác sĩ quan sát kỹ cấu trúc bên trong của bìu, xác định xem có tình trạng tràn dịch, thoát vị bẹn hoặc các khối u hay không. 

Siêu âm cũng cho phép đo kích thước và vị trí của tinh hoàn để đánh giá mức độ chảy xệ.

- Chụp MRI

Trong một số trường hợp phức tạp hoặc khi bác sĩ nghi ngờ có vấn đề về khối u, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI để thu thập thêm thông tin về cấu trúc và tìm kiếm khối u bên trong bìu.

Cha mẹ hãy cho con thăm khám bác sĩ Nhi khoa để yên tâm về hiện tượng tinh hoàn chảy xệ ở trẻ

3.2. Điều trị

- Điều trị bảo tồn

Nếu tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em do yếu tố sinh lý hoặc cơ bìu yếu, bác sĩ có thể khuyên phụ huynh theo dõi và chăm sóc trẻ tại nhà, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và giúp trẻ mặc quần áo thoáng mát. Tình trạng này thường tự cải thiện khi trẻ lớn hơn.

- Phẫu thuật

Trong trường hợp tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em do thoát vị bẹn hoặc tràn dịch màng tinh hoàn, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ dịch dư thừa hoặc chỉnh sửa lỗ thoát vị. Phẫu thuật giúp tinh hoàn trở về vị trí bình thường và ngăn ngừa các biến chứng sau này.

4. Cha mẹ cần lưu ý khi trẻ bị chảy xệ tinh hoàn 

- Hầu hết trường hợp tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em không nghiêm trọng và sẽ tự cải thiện nên cha mẹ không cần lo lắng quá.

- Nếu trẻ kêu đau hoặc khó chịu, cha mẹ nên kiểm tra hoặc đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay.

- Cha mẹ nên giải thích để trẻ hiểu về hiện tượng tinh hoàn chảy xệ, nhất là đối với trẻ lớn để trẻ không cảm thấy tự ti về vấn đề này.

Tinh hoàn chảy xệ ở trẻ em là một hiện tượng khá phổ biến và không phải lúc nào cũng nguy hiểm nhưng cũng không được chủ quan. Cha mẹ cần theo dõi để phát hiện kịp thời dấu hiệu bất thường, cho trẻ thăm khám để có phương pháp điều trị đúng đắn, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản trong tương lai.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám các vấn đề sức khỏe của trẻ, hãy liên hệ đặt trước lịch khám cùng bác sĩ Nhi khoa - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.