Các tin tức tại MEDlatec
Tổng hợp thông tin về hội chứng Raynaud bạn không nên bỏ lỡ
- 01/04/2024 | Thuốc Methocarbamol trong điều trị đau cơ xương khớp
- 18/11/2024 | Ngồi nhiều, nam nhân viên văn phòng đi khám phát hiện bệnh lý ít gặp về cơ xương khớp
- 01/02/2024 | Có thể chữa viêm khớp dạng thấp được không, chữa bằng cách nào?
- 01/01/2024 | Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
1. Hội chứng Raynaud là bệnh gì?
Đây là tình trạng co thắt mạch máu ngoại vi, thường xảy ra khi người bệnh gặp căng thẳng hay trong điều kiện thời tiết lạnh,... Năm 1862, bác sĩ người Pháp Maurice Raynaud chính là người đầu tiên mô tả căn bệnh này và tên của ông được đặt tên cho bệnh.
Hội chứng Raynaud được phân loại như sau:
+ Dạng nguyên phát: Dạng bệnh này phổ biến và thường ít nghiêm trọng hơn.
+ Dạng thứ phát: Không phổ biến và có nguy cơ gây triệu chứng nghiêm trọng hơn.
2. Triệu chứng hội chứng Raynaud?
Biểu hiện của bệnh còn phụ thuộc vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ, xảy ra với tần suất như thế nào và khoảng thời gian xảy ra các đợt co thắt mạch. Dưới đây là triệu chứng thường gặp của hội chứng Raynaud:
2.1.Thay đổi màu sắc da
Khi gặp căng thẳng hay tiếp xúc với điều kiện thời tiết lạnh, các mạch máu ngoại vi của người bệnh xảy ra hiện tượng co thắt, từ đó giảm lượng máu lưu thông. Ngón tay và ngón chân của bệnh nhân điển hình có thể thấy diễn biến qua 3 giai đoạn là màu nhợt trắng, chuyển sang xanh tím và dần chuyển sang đỏ nóng. Một số khu vực khác cũng có thể gặp ảnh hưởng như vùng tai, chóp mũi hay núm vú.
Triệu chứng bệnh Raynaud rất đa dạng
Tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể mà sự thay đổi màu sắc trên da có thể khác nhau. Khi tuần hoàn máu lưu thông trở lại thì màu sắc của ngón tay sẽ trở lại như bình thường và kèm theo đó là cảm giác nóng rát.
2.2. Rối loạn cảm giác
Cùng với sự thay đổi màu sắc da bất thường, vùng ngón tay và ngón chân của bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud còn gặp phải cảm giác tê, dị cảm hoặc tình trạng đau nhức, rất khó chịu.
2.3. Loét và hoại tử
Tình trạng co thắt mạch máu xảy ra nhiều lần có thể dẫn tới nguy cơ thiếu máu nuôi dưỡng tới những khu vực bị tác động của bệnh. Từ đó, dẫn tới nguy cơ loét da, thậm chí hoại tử, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
3. Nguyên nhân gây ra hội chứng Raynaud
Hiện nay, nguyên nhân gây hội chứng Raynaud nguyên phát vẫn là một ẩn số. Với những trường hợp Raynaud thứ phát, nguyên nhân gây bệnh thường là những vấn đề sức khỏe liên quan đến mạch máu và các dây thần kinh chi phối mạch máu. Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh phổ biến:
- Bệnh mô liên kết như xơ cứng bì, lupus, viêm khớp dạng thấp,... gây tổn thương các mô liên kết gây xơ cứng, sẹo trên da và tổn thương mạch máu ngoại vi làm tăng nguy cơ mắc bệnh Raynaud.
- Bệnh động mạch chẳng hạn như viêm mạch máu ở tay và chân cũng có thể gây ra Raynaud thứ phát.
- Hội chứng ống cổ tay: Đây là tình trạng những dây thần kinh ở tay thường xuyên bị tác động và gặp áp lực. Điều này khiến bệnh nhân bị tê và đau tay. Do đó, tay của bệnh nhân thường phản ứng mạnh hơn trong điều kiện thời tiết lạnh, từ đó gây ra Raynaud thứ phát.
- Hành động lặp đi lặp lại như chơi đàn piano, gõ bàn phím, dùng máy khoan hay một số công cụ gây rung khác có thể gây ra những tổn thương quá mức và tăng nguy cơ gặp phải Raynaud thứ phát.
Chơi đàn piano thường xuyên làm tăng nguy cơ bị bệnh
- Hút thuốc cũng có thể gây xơ vữa mạch, co mạch máu và tăng nguy cơ mắc hội chứng Raynaud.
- Chấn thương ở tay hoặc chân như gãy xương cổ tay, phẫu thuật,…
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc kích thích thần kinh giao cảm, nicotine, cocain,...
4. Điều trị hội chứng Raynaud
Để cải thiện trình trạng bệnh, người mắc hội chứng Raynaud cần được phối hợp điều trị bệnh và các phương pháp phòng ngừa. Cụ thể, những phương pháp điều trị bệnh bao gồm:
4.1. Dùng thuốc điều trị hội chứng Raynaud
Tùy từng trường hợp bệnh nhân và những triệu chứng mà họ đang gặp phải, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Bệnh nhân không nên tự ý mua và dùng thuốc. Những loại thuốc được sử dụng thường với mục đích giảm co thắt mạch máu, giúp những vùng bị ảnh hưởng sẽ cải thiện tuần hoàn. Các loại thuốc điều trị bệnh phổ biến có thể kể đến như thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế alpha, thuốc giãn mạch.
4.2. Các phương pháp khác
Với những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh không chỉ được điều trị bằng thuốc mà còn được áp dụng một số phương pháp khác như:
- Phẫu thuật cắt các dây thần kinh giao cảm để hạn chế những phản ứng quá mức và giảm nguy cơ về các đợt bệnh cấp tính.
- Thậm chí, những trường hợp nghiêm trọng có thể cần cắt cụt các vùng bị hoại tử.
4.3. Một số lưu ý cho người bệnh
Ngoài tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, bạn cần lưu ý:
- Vào mùa đông, bạn nên đeo găng tay khi ra ngoài.
Đừng quên mặc ấm và đi găng tay khi ra ngoài khi trời trở lạnh
- Thường xuyên sưởi ấm, xoa bóp tay chân để tăng cường lưu thông máu.
- Những người bệnh nghiêm trọng thường cần phải di chuyển đến những vùng nóng ấm hơn mới có thể cải thiện bệnh.
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Phòng ngừa nguy cơ chấn thương ở bàn tay, bàn chân.
- Sống tích cực, kiểm soát căng thẳng hiệu quả.
- Hạn chế dùng đồ uống và thực phẩm có chứa chất caffeine.
Hội chứng Raynaud không phải là vấn đề khiến bệnh nhân gặp nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức. Tuy nhiên, bệnh lại gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân.
Bạn nên đi khám sớm khi cơ thể có biểu hiện bất thường
Nếu còn thắc mắc về bệnh hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe với bác sĩ chuyên khoa tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, mời quý khách liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết hơn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!