Các tin tức tại MEDlatec
Trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ và nguyên tắc khi cho bé ăn dặm bố mẹ cần biết
- 18/07/2022 | Những lưu ý quan trọng cho bé ăn dặm theo từng giai đoạn
- 26/07/2022 | Có bắt buộc sử dụng bột ăn dặm cho bé hay không?
- 31/10/2023 | Khi nào nêm gia vị cho bé ăn dặm? Lưu ý an toàn khi nêm gia vị cho trẻ
- 31/12/2023 | Trẻ ăn dặm đi ngoài thế nào là bình thường và những lưu ý mẹ cần biết
- 01/10/2023 | Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng phát triển tốt nhất
1. Khi nào bé có thể bắt đầu ăn dặm?
Ăn dặm là giai đoạn trẻ được bổ sung thêm chất dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức. Thời điểm bắt đầu ăn dặm có thể từ 6 tháng tuổi và vẫn kết hợp với bú sữa. Bởi vì khi đến giai đoạn này, nguồn sữa sẽ không đảm bảo đủ năng lượng cũng như dưỡng chất cần thiết để bé phát triển.
Giai đoạn ăn dặm bắt đầu từ 6 tháng tuổi
Nếu ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ do hệ tiêu hóa chưa đủ khả năng hấp thụ tinh bột, cũng như tăng nguy cơ bỏ bú sữa. Ngược lại, nếu thời gian bắt đầu ăn dặm muộn có thể khiến trẻ chậm tăng cân và chiều cao do thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, bố mẹ có thể theo dõi một số dấu hiệu trẻ sẵn sàng ăn dặm thường vào lúc 5 - 6 tháng tuổi như: hào hứng khi thấy thức ăn hoặc lúc nhìn người khác ăn, hay với tay để lấy đồ ăn, đưa đồ vật lên miệng, thường xuyên di chuyển hàm và nhai,... Vậy trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ?
2. Trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ theo từng giai đoạn?
Giai đoạn ăn dặm là lúc cơ thể trẻ tiếp xúc với nguồn dinh dưỡng mới và đa dạng. Vì thế, không ít bố mẹ thường thắc mắc trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ. Để giải đáp thắc mắc này, chúng ta có thể chia lượng ăn theo các giai đoạn phát triển của trẻ như:
Lời giải đáp cho thắc mắc trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ sẽ được chia theo từng giai đoạn
2.1. Giai đoạn 6 - 8 tháng tuổi
Đây là khoảng thời gian đầu trẻ tập làm quen với các loại thức ăn, đồng thời trẻ vẫn nhận phần lớn dinh dưỡng từ sữa. Do vậy, ở giai đoạn 6 - 7 tháng tuổi, ba mẹ chỉ nên cho trẻ ăn một bữa ăn dặm trong ngày với lượng từ 100 - 200ml/bữa. Sau một tháng làm quen, bố mẹ có thể tăng lên 2 bữa/ngày ở tháng thứ 7 đến tháng thứ 8 với lượng thức ăn khoảng 200ml/ngày.
Về thức ăn dặm cho trẻ 6 - 8 tháng tuổi có thể bắt đầu với bột, cháo loãng nghiền, cháo ngũ cốc nấu nhừ, xay nhuyễn mịn,... Hoặc có thể bổ sung thịt cá, gà, heo và các loại rau củ như bó xôi, cà rốt, khoai tây,... xay nhuyễn và lọc mịn. Bố mẹ có thể chế biến thức ăn dạng lỏng và tăng dần độ sệt để giúp làm quen với hoạt động nhai, nuốt cũng như tiêu hoá.
2.2. Giai đoạn 8 - 10 tháng tuổi
Ở giai đoạn 8 - 10 tháng tuổi, trẻ có sự thay đổi trong hành vi. Trẻ thích cầm nắm, thích tự cho thức ăn vào miệng và cắn, nhai. Chính vì thế ở thời điểm này, thức ăn dặm cho bé cần có độ đặc hoặc khối giúp bé cảm nhận cầm nắm. Các loại thực phẩm phù hợp cho bé giai đoạn 8 - 10 tháng tuổi là:
Giai đoạn 8 - 10 tháng tuổi bé có thể tập cầm nắm thức ăn cắt khối vừa tay
- Bột, cháo đặc.
- Cơm nhão.
- Rau củ luộc mềm và nghiền nhuyễn như: súp lơ, cà rốt, bí đỏ, khoai tây, khoai lang,...
- Các loại trái cây nghiền như chuối, táo, đu đủ, kiwi, bơ lê,... và không nên thêm đường để bé cảm nhận vị tự nhiên của thức ăn.
- Thịt heo, gà, cá có thể xé nhỏ hoặc băm nhuyễn để khi ăn bé có thể nhai và cảm nhận thức ăn..
- Phô mai dành cho trẻ ăn dặm để bổ sung canxi cho bé.
- Thêm các loại rau củ luộc kỹ cắt khối vừa tay, cơm nắm, bánh ăn dặm, trứng cắt nhỏ để trẻ có thể cầm nắm đưa vào miệng.
Lượng thức ăn của trẻ lúc này vào khoảng 200 đến 250ml/bữa, tùy theo từng thể trạng của trẻ.
2.3. Giai đoạn 10 - 12 tháng tuổi
Về cơ bản thức ăn lúc này tương tự như các loại ở giai đoạn đoạn từ 8 - 10 tháng tuổi, tuy nhiên điểm khác biệt là bé đã có thêm răng và làm quen với đồ ăn. Chính vì thế, trong giai đoạn này bố mẹ cần điều chỉnh tăng thô cũng như tăng lượng thức ăn lên mức 250ml/bữa. Bố mẹ có thể chuẩn bị thêm các loại tinh bột như mì, nui, hủ tiếu và các loại rau mềm cắt nhuyễn cùng với canh trong bữa ăn của bé.
2.4. Giai đoạn 12 - 24 tháng tuổi
Từ 12 - 24 tháng tuổi trẻ có thể ăn 3 bữa/ngày và mỗi bữa khoảng 300ml thức ăn. Hầu hết ở giai đoạn này bé có thể ăn đa dạng hơn như cơm, mì, hủ tiếu với thức ăn được cắt, giã nhỏ. Trong quá trình chế biến và cho con ăn dặm, bố mẹ có thể quan sát khẩu vị thức ăn yêu thích của trẻ cũng như tăng kích thước của thực phẩm để giúp bé có trải nghiệm nhai nuốt tốt hơn.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể thêm các sản phẩm bổ sung như váng sữa, sữa chua,... để hỗ trợ thay đổi khẩu vị và giúp bổ sung dinh dưỡng để trẻ phát triển.
Từ 12 - 24 tháng tuổi trẻ có thể ăn 3 bữa/ ngày với thức ăn thô cắt nhỏ
3. Một số nguyên tắc bố mẹ cần biết khi cho bé ăn dặm
- Lựa chọn thời điểm ăn dặm đúng giai đoạn và đủ tháng tuổi. Một số trường hợp đặc biệt nếu bé có bệnh lý hoặc bất thường về sức khỏe, ba mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Cho trẻ thử nếm các loại bột có vị ngọt trước khi chuyển sang vị mặn để trẻ làm quen với hương vị.
- Bắt đầu ăn dặm với lượng thức ăn ít và vừa đủ, sau đó tăng khẩu phần trong mỗi bữa cũng như đa dạng các loại thức ăn cho trẻ theo từng giai đoạn, kết hợp quan sát biểu hiện trong quá trình ăn.
- Chọn cố định khung giờ hàng ngày để tập thói quen ăn đúng bữa cho trẻ.
- Không bỏ sữa trong quá trình ăn dặm để tránh thiếu hụt dinh dưỡng.
- Có thể sử dụng các loại gia vị dành riêng cho bé ăn dặm để tránh gây ảnh hưởng cho hệ tiêu hoá.
Tuân thủ nguyên tắc khi cho bé ăn dặm để tránh ảnh hưởng thói quen, sức khỏe của bé
- Đa dạng hoá và thay đổi món ăn trong mỗi bữa để giúp bé có hứng thú khi được thử nhiều loại thức ăn mới.
- Tránh tạo thói quen xem tivi, điện thoại hoặc cầm đồ chơi gây mất tập trung trong quá trình ăn.
- Lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn nguồn gốc xuất xứ.
- Không ép bé ăn quá nhiều hoặc dừng ăn khi trẻ có dấu hiệu không muốn ăn thêm như nhè, quấy khóc, không hợp tác,... Bố mẹ nên thường xuyên động viên, khuyến khích để trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Khi có bất kỳ dấu hiệu dị ứng thực phẩm như nổi mẩn đỏ, ngứa, nôn, khó thở,... bố mẹ nên cho bé ngừng ăn và đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
- Lưu ý các biểu hiện khi ăn của trẻ và cần có kinh nghiệm xử lý nhanh nếu chẳng may trẻ bị sặc, hóc thức ăn.
Có thể thấy, bố mẹ không chỉ cần quan tâm trẻ ăn dặm bao nhiêu là đủ mà còn phải lựa chọn loại thực phẩm, cách chế biến phù hợp với từng giai đoạn, khẩu vị của bé. Giai đoạn ăn dặm là lúc bé bắt đầu làm quen với nguồn dinh dưỡng mới vì thế để đảm bảo an toàn, bố mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp cho từng thể trạng của bé. Nếu bạn đang có nhu cầu tư vấn dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh đừng ngần ngại liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!