Các tin tức tại MEDlatec

Trẻ ăn dặm đi ngoài thế nào là bình thường và những lưu ý mẹ cần biết

Ngày 01/01/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Ăn dặm là giai đoạn giúp trẻ bổ sung dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh. Khi bước vào giai đoạn này, việc đi đại tiện của trẻ cũng có những thay đổi. Vậy trẻ ăn dặm đi ngoài thế nào là bình thường? Lưu ý gì khi cho trẻ ăn dặm? Để giải đáp các thắc mắc đó, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau.

1. Ăn dặm là như thế nào?

Để đi vào giải đáp trẻ ăn dặm đi ngoài thế nào là bình thường, mẹ nên bắt đầu bằng việc hiểu cơ bản ăn dặm là như thế nào.

Cụ thể, đây là giai đoạn mẹ cho trẻ tập ăn các thức ăn khác đa dạng hơn bên cạnh nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ. Giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, giúp trẻ bổ sung năng lượng để đảm bảo sức khoẻ và sự phát triển bình thường cả về thể chất và trí tuệ.

Ăn dặm là giai đoạn rất quan trọng với sự phát triển của trẻ

Thời điểm phù hợp để bắt đầu cho trẻ tập ăn dặm là khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi. Lúc này, cơ thể của con cần bổ sung thêm những chất dinh dưỡng, bù đắp năng lượng thiếu hụt do hoạt động nhiều hơn trước. Trong trường hợp trẻ ăn dặm quá sớm có thể bị rối loạn tiêu hóa, nguy cơ bị dị ứng thực phẩm, bị biếng ăn,... Ngược lại, việc ăn dặm quá muộn lại có thể làm trẻ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu gây còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn, thiếu máu,...

2. Trẻ ăn dặm đi ngoài thế nào là bình thường?

Trong quá trình cho trẻ ăn dặm, bên cạnh những vấn đề như cho trẻ ăn bao nhiêu thì đủ, nên bổ sung các loại thực phẩm nào, trẻ biếng ăn phải làm sao,... câu hỏi trẻ ăn dặm đi ngoài thế nào là bình thường cũng được không ít bố mẹ quan tâm.

Khi bước sang giai đoạn được bổ sung các chất dinh dưỡng mới, những đặc điểm đi ngoài của trẻ cũng có sự thay đổi, không giống với thời kỳ bé chỉ bú sữa mẹ. Để xác định việc đi ngoài của trẻ có bình thường hay không, bạn có thể dựa vào số lần đi ngoài và tính chất phân của trẻ. Cụ thể như sau:

Về số lần đi đại tiện

Theo đó, tùy từng thời kỳ ăn dặm mà sẽ có sự thay đổi về số lần đi tiêu của trẻ. Điều này thể hiện ở việc trẻ có thể đi đại tiện khoảng 1-2 lần mỗi ngày hoặc có khi không đi lần nào trong ngày, thay vì tần suất khoảng 3-4 lần mỗi ngày như lúc trước. Lượng phân cũng nhiều hơn so với thời điểm chỉ bú sữa mẹ hoàn toàn.

Số lần đi đại tiện của trẻ có thể giúp xác định việc đi ngoài của trẻ ăn dặm có đang bình thường không

Về tính chất phân của trẻ

Bên cạnh số lần đi đại tiện, quan sát tính chất phân của trẻ cũng là yếu tố giúp mẹ xác định việc đi ngoài của trẻ ăn dặm liệu có đang bình thường hay không. Khi mới bắt đầu ăn dặm, trẻ thường ăn gì thì đi tiêu ra thứ đó bởi hệ tiêu hoá của trẻ vào lúc này vẫn đang làm quen dần với thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Đây là hiện tượng phân sống. Ví dụ như khi thức ăn dặm của trẻ là món cháo có rau xanh, thì khi con đi ngoài ra sẽ phân có lợn cợn rau.

Bên cạnh đó, thức ăn trẻ ăn cũng sẽ ảnh hưởng đến tính chất phân của trẻ về độ rắn hay lỏng cũng như màu sắc phân. Kèm theo đó, phân của con vào thời kỳ này cũng sẽ đặc hơn, không mịn như trong thời kỳ bú sữa mẹ hoàn toàn.

Ngoài ra, khi ăn dặm quen với thịt cá, các loại rau củ, bé sẽ đi tiêu ra phân có mùi nặng hơn khi bú hoàn toàn bằng sữa mẹ.

3. Lưu ý khi cho trẻ ăn dặm

Bên cạnh việc giải đáp thắc mắc trẻ ăn đi ngoài thế nào là bình thường, mẹ có thể tham khảo một số lưu ý sau đây khi chăm sóc bé trong giai đoạn ăn dặm. 

Thực đơn đa dạng các loại thực phẩm

Mẹ nên xây dựng thực đơn ăn dặm với đa dạng các thực phẩm, đầy đủ và cân đối các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Trong đó, không quên tăng cường các loại rau xanh, hoa quả tươi như chuối, cam, dưa hấu, bông cải xanh, bí đỏ,... có tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa.

Thực phẩm được sử dụng mẹ nên lựa chọn kỹ càng, tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cho trẻ ăn chín uống sôi, chế biến cẩn thận và phù hợp với khả năng tiêu hóa của trẻ thông qua các cách xay nhuyễn, nấu cháo, nấu súp,... cũng như cho con rửa tay thật sạch sẽ trước khi ăn để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn.

Mẹ nên xây dựng thực đơn ăn dặm cho trẻ đa dạng các thực phẩm

Lập thời gian biểu cho trẻ ăn

Việc duy trì cho trẻ thói quen ăn uống đúng giờ giấc sẽ giúp tạo điều kiện để dạ dày của con làm quen với thức ăn và quá trình tiêu hoá cũng diễn ra hiệu quả hơn. Vì vậy, bố mẹ nên xây dựng một thời gian biểu ăn uống hợp lý cho trẻ và thực hiện theo đều đặn mỗi ngày.

Không ép trẻ ăn

Việc bố mẹ ép trẻ ăn có thể khiến cảm giác thèm ăn của con giảm đi, con dần cảm thấy căng thẳng, chán ghét bữa ăn,... Do đó, thay vì buộc bé phải ăn theo ý mình, bố mẹ nên quan sát và cho con ăn uống theo nhu cầu của bé.

Bố mẹ không nên ép trẻ ăn

Tạo hứng thú cho trẻ khi ăn

Bằng một số cách đơn giản như vừa đút cho trẻ ăn vừa trò chuyện với trẻ, dùng các loại chén, muỗng hay yếm cho trẻ với hình dáng ngộ nghĩnh và đáng yêu, nấu món ăn với màu sắc bắt mắt và trang trí dễ thương,... bạn có thể tạo hứng thú cho trẻ để con vui vẻ tiếp nhận thức ăn. Đồng thời, trong quá trình cho trẻ ăn, bạn cũng không nên gây ồn ào quá mức khiến trẻ bị mất tập trung vào bữa ăn.

Như vậy, bài viết đã giúp bạn đọc biết được việc xác định tình trạng trẻ ăn dặm đi ngoài thế nào là bình thường thông qua số lần đi đại tiện và tính chất phân của trẻ. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích, giúp bố mẹ điều chỉnh thực đơn ăn dặm cho bé sao cho phù hợp, cũng như biết cách chăm sóc, hướng xử lý khi bé gặp phải tình trạng tương tự. Để được giải đáp các thắc mắc liên quan khác, mời quý khách hàng gọi điện đến Tổng đài của MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.