Các tin tức tại MEDlatec

Trẻ sơ sinh bị nấc: làm sao để khắc phục và cách phòng tránh?

Ngày 01/03/2024

trẻ sơ sinh bị nấc

Trẻ sơ sinh bị nấc: làm sao để khắc phục và cách phòng tránh?

Trẻ sơ sinh bị nấc là tình trạng rất hay xảy ra và khiến nhiều bậc cha mẹ bối rối. Hiện tượng này ở trẻ có thể tự hết sau thời gian ngắn, tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ bị nấc và kèm theo đó là biểu hiện nôn trớ, ít nhiều gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Để tìm hiểu nguyên nhân, cách xử trí và phòng tránh tình trạng này ở trẻ, các bậc phụ huynh hãy cùng theo dõi những thông tin trong bài viết sau đây.

1. Trẻ sơ sinh bị nấc là do đâu?

Trẻ sơ sinh bị nấc là triệu chứng thường xuất hiện khi trẻ bị kích thích và co thắt không tự chủ vùng cơ hoành và cơ liên sườn, kết hợp với hiện tượng thanh môn bị đóng đột ngột nên tạo ra tiếng nấc.

Sau đây là một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trẻ sơ sinh bị nấc cụt:

● Mẹ cho bé bú sai cách: nếu trẻ bú quá no hoặc ngậm sai khớp vú sẽ khiến một lượng lớn không khí từ ngoài đi vào dạ dày. Lúc này dạ dày của bé căng lên, chèn ép cơ hoành và sẽ khiến bộ phận này bị co thắt và gây ra những tiếng nấc cụt.

● Do trẻ bị hen suyễn: bệnh lý này sẽ gây ra hiện tượng viêm ống phế quản phổi, làm hạn chế luồng không khí từ ngoài đi vào phổi và trẻ bị hụt hơi, thở khò khè và xuất hiện triệu chứng nấc cụt.

● Trẻ bị trào ngược dạ dày: trong dịch vị dạ dày có chứa một hàm lượng axit giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, axit sẽ kích thích cơ hoành và khiến trẻ bị nấc liên tục. Hiện tượng trào ngược dạ dày xảy ra khá thường xuyên ở trẻ sơ sinh do hệ tiêu hóa của trẻ chứa phát triển hoàn thiện.

● Trẻ đang bị dị ứng: trong sữa mẹ và sữa công thức sẽ chứa protein, một số trường hợp trẻ có thể bị dị ứng với loại protein này và gây kích thích thực quản, cơ hoành dẫn tới hiện tượng nấc cụt.

● Nhiệt độ thay đổi đột ngột: nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột dễ khiến trẻ bị nhiễm lạnh ở phổi. Trẻ hoàn toàn có thể bị nấc do nguyên nhân này. Vì vậy, cha mẹ hãy chú ý giữ ấm cho trẻ trong mùa lạnh.

● Trẻ đang khóc hoặc bị kích động: nếu trẻ khóc nhiều hoặc bị kích động cũng gây ra tác động tới cơ hoành, tạo ra những tiếng nấc ở họng. Lúc này cha mẹ nên tìm cách để trấn tĩnh bé.

Trẻ sơ sinh bị nấc xảy ra khi trẻ bị kích thích và co thắt không tự chủ vùng cơ hoành và cơ liên sườn

2. Các biện pháp xử trí khi trẻ sơ sinh bị nấc

Nấc là một phản xạ tự nhiên của cơ thể con người, trẻ sơ sinh cũng không ngoại lệ và thường điều này sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe của bé. Nấc thường chỉ kéo dài trong một vài phút và sau đó sẽ tự hết. Nếu các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng thì có thể áp dụng một số mẹo sau để trẻ hết bị nấc cụt:

● Bịt lỗ tai của trẻ: cha mẹ hãy bịt lỗ tai bé trong vòng 30 giây, hoặc bóp nhẹ cánh mũi trẻ bằng tay, để miệng bé ngậm lại trong 2 - 3 giây sẽ giúp giảm bớt tần suất nấc cụt ở bé. Cha mẹ nên thao tác nhẹ nhàng, không được dùng lực mạnh trong trường hợp này.

● Cho trẻ bú sữa: sữa được coi là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và duy nhất của trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời. Vì vậy đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa uống được nước thì mẹ hãy cho trẻ bú để giải quyết hiện tượng nấc cụt.

● Vỗ nhẹ vai hoặc lưng của trẻ: sau khi cho trẻ bú, hãy xoa lưng cho trẻ, vỗ ợ hơi để trẻ không còn bị nấc.

● Thay đổi tư thế của trẻ khi cho trẻ bú: khi quan sát thấy trẻ hay bị nấc sau mỗi lần bú sữa, mẹ nên thay đổi tư thế bế trẻ để giảm bớt luồng không khí đi vào dạ dày của bé. Đôi khi trẻ bị nấc cũng là do khớp ngậm của trẻ bị sai nên mẹ cần điều chỉnh sao cho phù hợp.

● Đổi núm vú vừa với miệng của trẻ: nếu trẻ đang bú bình thì mẹ hãy cân nhắc đổi sang một loại núm vú có kích thước vừa vặn hơn với miệng bé, không nên dùng loại lớn vì sẽ khiến trẻ phải há miệng to hơn, kéo theo một lượng lớn không khí từ ngoài đi vào dạ dày. Ngoài ra, mẹ hãy đảm bảo vệ sinh cho các dụng cụ ăn uống sữa của bé, kể cả ti giả và bàn tay của trẻ.

Mẹ có thể cho trẻ bú để giải quyết hiện tượng nấc cụt

3. Cách hạn chế nấc cụt ở trẻ

Nấc cụt không những khiến bé cảm thấy khó chịu mà đôi khi tình trạng này còn có thể kéo theo các triệu chứng khác, đặc biệt là nôn trớ làm ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của trẻ. Để phòng ngừa biểu hiện nấc cụt ở trẻ, mẹ có thể tham khảo một số cách dưới đây:

● Điều tiết thói quen ăn uống của trẻ: mẹ hãy học cách nhận biết các dấu hiệu đòi ăn của trẻ (miệng chóp chép, khúc khích) để kịp thời cho bé bú, đừng để bé có cảm giác quá đói trước mỗi giờ ăn. Khi trẻ đang bú hãy đảm bảo môi trường xung quanh yên tĩnh để bé tập trung ăn, sự xao nhãng sẽ khiến trẻ rời núm vú và hớp nhiều không khí vào trong bụng. Bên cạnh đó, hãy để bé nghỉ ngơi sau khi bú no, tránh hoạt động nhiều.

● Duy trì nhiệt độ phòng luôn ở mức ổn định: không khí trong phòng luôn thoáng đãng, nhiệt độ ổn định sẽ tránh nguy cơ bị cảm lạnh cho bé. Cha mẹ nên nhớ giữ ấm cho trẻ bằng quần áo ấm, hạn chế để gió mạnh lùa vào phòng.

● Chú ý khi cho bé ăn: nếu trẻ bú bình, hãy kiểm soát tốc độ bú của trẻ, không để trẻ bú quá nhanh và khi bé ăn xong, hãy bế hoặc đặt trẻ theo tư thế đầu nâng cao trong 10 phút. Mẹ có thể đổi sang loại bình sữa chống đầy hơi, chống sặc.

● Khi trẻ bú bình, mẹ hãy luyện thói quen cho trẻ bú trong tư thế nằm trên gối cao phần đầu, thoải phần bụng và chân sẽ giúp việc tiêu hóa của trẻ dễ dàng hơn, hạn chế nguy cơ sặc sữa và nấc cụt sau khi trẻ ăn no.

Mẹ hãy điều chỉnh lượng sữa bú của trẻ sao cho phù hợp để tránh hiện tượng trẻ nấc cụt

Phần lớn những trường hợp trẻ sơ sinh bị nấc thường không quá nghiêm trọng và có thể tự hết sau một vài phút, vì vậy nên cha mẹ không cần lo lắng quá. Giai đoạn trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên sẽ đỡ bị nấc cụt do hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển hoàn thiện hơn.

Hy vọng rằng thông quá bài viết này, các bậc phụ huynh đã biết các xử trí khi trẻ sơ sinh bị nấc cụt. Nếu cha mẹ còn nhiều băn khoăn khác cần được giải đáp hoặc đang có nhu cầu đặt lịch khám cho trẻ cùng các bác sĩ khoa Nhi, hãy liên hệ ngay với MEDLATEC qua hotline 1900565656.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.