Các tin tức tại MEDlatec
Trĩ ngoại: Nhận diện sớm, xử lý đúng để tránh biến chứng
- 05/12/2021 | Cần lưu ý những gì sau khi phẫu thuật trĩ ngoại?
- 17/01/2023 | Điểm danh các loại thuốc trĩ ngoại thường được bác sĩ khuyên dùng
- 29/02/2024 | Bệnh trĩ ngoại và cách điều trị hiệu quả
1. Trĩ ngoại là như thế nào?
Trĩ ngoại là tình trạng giãn quá mức các tĩnh mạch ở vùng hậu môn, tạo thành búi trĩ nằm ở ngoài rìa hậu môn. Bệnh lý này dễ nhận biết hơn trĩ nội vì búi trĩ nằm ngoài hậu môn và có thể sờ thấy được.
Đặc điểm của bệnh trĩ ngoại là:
- Búi trĩ nằm bên ngoài ống hậu môn.
- Búi trĩ có thể sưng to, đỏ, đau rát.
- Người bệnh thường xuyên bị chảy máu khi đi ngoài.
- Khi ngồi lâu hoặc vận động mạnh, người bệnh có thể thấy khó chịu, vướng víu ở hậu môn.
2. Nguyên nhân hình thành trĩ ngoại và triệu chứng gặp phải
2.1. Nguyên nhân hình thành trĩ ngoại
Trĩ ngoại không hình thành đột ngột mà tiến triển từ từ qua sự tác động lâu dài của nhiều yếu tố:
- Ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ làm cho máu ứ đọng ở vùng hậu môn, tăng áp lực lên tĩnh mạch.
- Chế độ ăn thiếu chất xơ, nhiều đồ cay nóng, chiên rán, uống ít nước gây táo bón nhiều ngày.
- Thói quen xấu khi đi đại tiện: Nhịn đại tiện, rặn mạnh nhiều lần khiến hậu môn bị tổn thương, búi trĩ hình thành và phình to.
- Mang thai và sinh con khiến tử cung mở rộng, làm tăng áp lực lên tĩnh mạch vùng chậu, khiến thành mạch ở hậu môn bị suy yếu.
- Tăng cân, béo phì gây áp lực lớn lên vùng bụng dưới, đặc biệt là trực tràng và hậu môn.
Các yếu tố trên thường kết hợp với nhau, nếu không thay đổi lối sống, búi trĩ sẽ nhanh chóng tiến triển nặng.
2.2. Triệu chứng gặp phải khi bị trĩ ngoại
Trĩ ngoại có các triệu chứng như:
- Búi trĩ lộ ra ngoài nên người bệnh có thể sờ thấy cục thịt mềm nằm ở rìa hậu môn. Búi trĩ không tự co lại như trĩ nội độ 1 mà thường trực ngoài ống hậu môn.
- Đau rát hậu môn khi ngồi, đi lại hoặc đi vệ sinh, đau tăng lên khi búi trĩ sưng viêm.
- Chảy máu khi đại tiện, máu thể nhỏ giọt trong bồn cầu hoặc dính vào giấy vệ sinh.
- Vùng hậu môn ẩm ướt do tiết dịch từ búi trĩ, dễ gây kích ứng da và nhiễm trùng nhẹ.
- Búi trĩ ở ngoài hậu môn khiến người bệnh cảm thấy thấy cộm và vướng ở hậu môn, nhất là khi di chuyển.
Người mắc bệnh trĩ ngoại dễ bị chảy máu khi đi ngoài
3. Mức độ ảnh hưởng và phương pháp điều trị bệnh trĩ ngoại
3.1. Mức độ ảnh hưởng của trĩ ngoại
Những triệu chứng của trĩ ngoại tuy không nguy hiểm ngay nhưng gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của bệnh nhân. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể gặp phải một số hệ lụy như:
- Tăng kích thước búi trĩ: Nếu tiếp tục rặn mạnh, ngồi lâu, búi trĩ sẽ phình to và tiến triển ngày càng nặng.
- Tắc mạch búi trĩ: Tĩnh mạch trĩ bị nghẽn tạo thành cục máu đông, gây đau dữ dội, cần can thiệp y tế khẩn cấp.
- Nhiễm trùng: Vùng hậu môn luôn ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến áp xe hậu môn, viêm loét búi trĩ,...
3.2. Phương pháp điều trị bệnh trĩ ngoại
Để tránh những hệ lụy nêu trên, bệnh nhân bị trĩ ngoại nên điều trị sớm. Phương pháp điều trị bệnh trĩ thường được bác sĩ cân nhắc dựa trên mức độ ảnh hưởng của triệu chứng đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh, thường gồm:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt:
+ Tăng thực phẩm giàu chất xơ trong bữa ăn hàng ngày như rau xanh, trái cây tươi,... và uống đủ nước.
+ Không nhịn đi vệ sinh và không rặn mạnh khi đại tiện.
+ Tập thể dục mỗi ngày để cải thiện lưu thông máu và giảm áp lực ở vùng hậu môn.
+ Tránh ngồi lâu quá 1 tiếng.
+ Tránh đồ ăn cay nóng, chất kích thích như rượu, bia, cà phê,...
- Sử dụng thuốc:
Bệnh nhân bị trĩ ngoại có thể được bác sĩ chỉ định dùng một số loại thuốc như:
+ Thuốc bôi chứa hydrocortisone hoặc lidocaine giúp giảm triệu chứng sưng, đau và ngứa do búi trĩ.
+ Thuốc uống nhóm flavonoid giúp bền thành mạch, giảm tình trạng đau và chảy máu.
- Hỗ trợ điều trị tại nhà:
Hàng ngày, người bệnh nên ngâm hậu môn với nước ấm 15 - 20 phút/lần, mỗi ngày 2 - 3 lần để giảm đau, thư giãn cơ hậu môn và kích thích co búi trĩ.
- Can thiệp ngoại khoa
Nếu các phương pháp trên không hiệu quả hoặc trĩ ngoại ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân, xảy ra biến chứng bác sĩ có thể chỉ định cắt búi trĩ.
Người bị trĩ ngoại cần thăm khám để điều trị kiểm soát sự tiến triển của búi trĩ
4. Phương pháp phòng ngừa tái phát trĩ ngoại
Dù đã điều trị khỏi, trĩ ngoại vẫn có khả năng tái phát nếu không duy trì lối sống lành mạnh. Vì thế, chủ động thực hiện một số biện pháp sau sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh:
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học với sự ưu tiên rau xanh, ngũ cốc, trái cây,... và hạn chế đồ ăn nhiều gia vị cay nóng, bia, rượu.
- Uống ít nhất 2 lít/ngày để giúp phân mềm và dễ đi ngoài hơn.
- Tập thói quen đại tiện vào một khung giờ cố định trong ngày, tuyệt đối không rặn mạnh khi đi ngoài.
- Dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục vừa sức nhằm cải thiện tuần hoàn máu, giảm áp lực cho vùng hậu môn.
- Người làm công việc ngồi lâu một chỗ cần nghỉ vận động 5 phút sau mỗi 45 phút làm việc, tránh ngồi một chỗ quá 1 giờ.
Các triệu chứng của bệnh trĩ ngoại dễ gây phiền toái đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Chủ động thăm khám và điều trị sớm là cách tốt nhất để kiểm soát nguy cơ búi trĩ phát triển, gây nên nhiều biến chứng.
Nếu có các dấu hiệu như: chảy máu nhiều khi đi ngoài, đau nhức và sưng búi trĩ, chảy mủ hoặc nóng đỏ hậu môn,... quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được chẩn đoán đúng và định hướng điều trị phù hợp.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!