Các tin tức tại MEDlatec
Phình động mạch não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- 06/01/2023 | Vai trò của chụp cộng hưởng từ mạch não (MRA) trong chẩn đoán phình động mạch não
- 09/01/2023 | Vai trò của chụp cộng hưởng từ mạch não (MRA) trong chẩn đoán phình động mạch não
1. Triệu chứng phình động mạch não
Phình động mạch não là vấn đề khá thường gặp. Căn bệnh này rất nguy hiểm, dễ gây xuất huyết dưới nhện dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, tình trạng phình nhỏ sẽ không cần điều trị. Rất nhiều trường hợp, bệnh không gây ra triệu chứng rõ ràng nên thường không được phát hiện. Bệnh nhân chỉ được tình cờ phát hiện khi thăm khám sức khỏe hoặc phát hiện khi đã xảy ra triệu chứng vỡ phình.
Phình động mạch não có thể gây ra những cơn đau đầu nhẹ
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phình động mạch máu não có thể gây ra những triệu chứng bất thường như sau:
● Đau đầu.
● Suy giảm thị lực.
● Liệt dây thần kinh sọ do khối phình chèn ép, trong đó thường gặp nhất là liệt dây thần kinh số III khiến người bệnh bị nhìn đôi, nhìn lác.
Khi động mạch máu não phình quá to có thể dẫn đến vỡ động mạch não và có thể gây ra những biến chứng như sau:
● Những cơn đau đầu xảy ra đột ngột, mức độ đau vô cùng dữ dội.
● Người bệnh có cảm giác buồn nôn và nôn.
● Gáy cứng.
● Hôn mê hoặc suy giảm ý thức
● Xảy ra một số triệu chứng thần kinh khu trú với các mức độ khác nhau từ nhẹ đến liệt nghiêm trọng.
● Động kinh (hiếm gặp).
● Đột tử: Một số trường hợp bệnh nhân đột tử trước khi được đưa đến bệnh viện.
2. Ai dễ bị phình động mạch não?
Hiện tại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh phình động mạch máu não. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cũng đã được tính đến và những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng sức khỏe nguy hiểm này có thể kể đến như:
- Các trường hợp mắc phải các bệnh về gen di truyền bao gồm:
● Bệnh về mô liên kết.
● Hội chứng Moyamoya.
● Bệnh thận đa nang.
● Cường Aldosteron.
- Ngoài những trường hợp nêu trên, những đối tượng sau cũng nên thận trọng với phình động mạch máu não:
Người bệnh tăng huyết áp có nguy cơ bị phình động mạch não
● Người bị bệnh tăng huyết áp.
● Người thường xuyên hút thuốc lá.
● Nữ giới bị thiếu hụt estrogen, nhất là những trường hợp chị em trong độ tuổi sau mãn kinh. Đây là thời điểm collagen ở mô giảm và làm tăng nguy cơ phình mạch máu não.
● Bệnh nhân bị hẹp eo động mạch chủ.
3. Chẩn đoán phình động mạch não bằng cách nào?
Như đã nói, nhiều trường hợp phình động mạch máu não thường không gây ra triệu chứng, vì thế rất khó để chẩn đoán bệnh thông qua triệu chứng lâm sàng. Hiện nay, để xác định người bệnh có bị phình động mạch máu não hay không, bác sĩ sẽ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như sau:
- Chụp cắt lớp vi tính mạch não: Người bệnh sẽ được tiêm thuốc cản quang. Kết quả của phương pháp chẩn đoán hình ảnh này có thể giúp bác sĩ xác định được có túi phình trong động mạch máu não không và vị trí của nó ở đâu, kích thước của túi phình là bao nhiêu. Từ đó cân nhắc về việc có can thiệp phẫu thuật hay không.
Nếu chỉ thông qua triệu chứng thì rất khó để chẩn đoán bệnh
- Chụp cộng hưởng từ não mạch não: Phương pháp này cũng giúp xác định túi phình mạch máu não tuy nhiên, thời gian chụp sẽ lâu hơn và tốn kém chi phí hơn.
- Chụp cắt lớp vi tính: Đối với một số trường hợp người bệnh được nghi ngờ đã xảy ra xuất huyết do phình túi mạch thì chỉ cần thực hiện chụp CT thường quy là có thể xác định bệnh.
- Chọc dịch não tủy: Đối với những trường hợp có nghi ngờ bị phình động mạch não nhưng kết quả từ các phương pháp chẩn đoán hình ảnh lại không rõ ràng thì bác sĩ có thể chỉ định thực chọc dịch não tủy của người bệnh để làm xét nghiệm. Trong đó, dịch não tủy có màu hồng và ba ống liên tiếp không đông.
4. Phương pháp điều trị phình động mạch não
Hiện nay, 2 phương pháp điều trị phình động mạch não phổ biến là can thiệp nội mạch và phẫu thuật. Trong đó:
● Can thiệp nội mạch: Đây là phương pháp mà bác sĩ sẽ dùng một vật liệu có tên gọi là coil (được làm từ platinum) để đưa vào lòng túi phình nhằm lấy được huyết khối tại đây.
● Phẫu phẫu thuật: Là phương pháp mở sọ và dùng clip – một loại dụng cụ chuyên dụng để kẹp cổ túi phình.
Tùy theo từng trường hợp bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp:
- Đối với những trường hợp phình mạch não nhỏ, chưa vỡ, không có triệu chứng và kích thước túi phình lớn hơn 7-10mm được khuyến cáo can thiệp/phẫu thuật. Trong đó, can thiệp nội mạch thường là phương pháp ưu tiên vì ít gây xâm lấn hơn phẫu thuật.
- Đối với phình động mạch não vỡ: Tùy theo khả năng và kinh nghiệm của bệnh viện để quyết định can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật.
+ Lưu ý về thời điểm can thiệp và phẫu thuật:
● Nếu bệnh nhân không có những triệu chứng như chỉ đau đầu nhiều, mức độ đau đầu nhẹ, gáy cứng nhưng không có biểu hiện thần kinh khu trú hoặc chỉ bị suy giảm nhận thức mức độ nhẹ, người bệnh nên được can thiệp phẫu thuật sớm trong khoảng 24 đến 72 giờ, tính từ thời điểm xuất hiện triệu chứng.
● Nếu bệnh nhân có những biểu hiện nghiêm trọng như liệt, hôn mê và tiên lượng xấu thì bác sĩ sẽ quyết định điều trị tùy vào từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Phẫu thuật đối với những bệnh nhân này thường có nguy cơ biến chứng cao hơn so với việc trì hoãn trong khoảng 10-14 ngày. Ngoài ra, phù não và những cục máu đông quanh túi phình cũng là những nguyên nhân khiến việc phẫu thuật trở nên khó khăn hơn.
+ Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc để kiểm soát huyết áp dưới 160mmHg.
+ Có thể giảm thiếu máu não bằng thuốc Nimodipin 60mg. Cho người bệnh uống thuốc sau mỗi 4 tiếng hoặc có thể bơm thuốc qua sonde dạ dày. Không nên truyền thuốc qua đường tĩnh mạch.
+ Đảm bảo thể tích tuần hoàn.
Như vậy, phình động mạch máu não là vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng, có nguy cơ tử vong cao. Tuy rằng rất khó để phòng ngừa bệnh nhưng bạn hãy cố gắng loại bỏ thuốc lá, duy trì chế độ ăn cân bằng dưỡng chất, thói quen sống lành mạnh để cơ thể luôn khỏe mạnh.
Bỏ thuốc lá để phòng ngừa bệnh hiệu quả
Đồng thời hãy giữ thói quen khám sức khỏe định kỳ. Trường hợp có những biểu hiện bất thường, nên đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch khám bệnh, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!