Các tin tức tại MEDlatec

U máu gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 19/11/2022
U máu gan là khối u lành tính ở gan bị nhiều người nhầm lẫn với ung thư gan. Những người có khối u này thường không có triệu chứng nào và hầu hết cũng không cần điều trị. Tìm hiểu chi tiết hơn các thông tin về u máu gan trong bài viết bên dưới đây. 

1. U máu gan là gì?

U máu gan là khối u lành tính hay gặp nhất ở gan với nguồn gốc bẩm sinh và xảy ra khi các mạch máu ở trong hoặc trên bề mặt gan bị dị dạng hoặc phình. Tình trạng khối u có kích thước đa dạng tùy từng trường hợp cụ thể, có thể chỉ có một khối hoặc cũng có khi là nhiều khối trong gan.

U máu gan có thể xuất hiện ở người khỏe mạnh, ở cả nam giới hay nữ giới và chưa có bằng chứng cho thấy nó có thể dẫn đến ung thư.

2. Triệu chứng

Liên quan đến các dấu hiệu của bệnh, u máu gan thông thường không có triệu chứng nào. Tuy vậy, cũng có thể nhận thấy một số biểu hiện như:

  • Đau tức hạ sườn phải.

  • Ăn kém, nhanh no, bị sút cân.

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.

  • Hiếm gặp với các triệu chứng tắc mật, hội chứng vàng da.

  • Sờ thấy có khối u ở bụng.

Nhìn chung, các triệu chứng này thường nghèo nàn và không đặc hiệu. Một số các trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng gì trước đó mà chỉ tình cờ phát hiện có u máu gan trong quá trình xét nghiệm, khám sức khỏe định kỳ hoặc khi thăm khám một bệnh lý khác.

Người có u máu gan có thể bị ăn kém, cảm thấy nhanh no khi ăn

3. Nguyên nhân

U máu gan xuất hiện nguyên nhân do đâu vẫn chưa được xác định rõ. Mặc dù vậy, có một vài yếu tố có thể làm nguy cơ bị u máu gan tăng lên, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền.

  • Tuổi tác: Khối u lành tính này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường được chẩn đoán nhất là ở những người có độ tuổi từ 30 - 50.

  • Dị tật bẩm sinh.

  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ có u máu gan cao so với nam giới và kích thước của khối u cũng lớn hơn.

  • Mang thai: tăng nồng độ hormone estrogen khi mang thai cũng gây nguy cơ xuất hiện u máu gan.

  • Điều trị hormone thay thế: Liệu pháp thay thế hormone ở đối tượng nữ giới trong độ tuổi tiền mãn kinh có thể làm tăng khả năng mắc u máu gan.

Mang thai làm estrogen tăng lên gây nguy cơ u máu gan

4. U máu gan có nguy hiểm không?

Vậy thật sự thì u máu gan liệu có nguy hiểm? Cụ thể, như đã đề cập, u máu gan là khối u lành tính và không có dấu hiệu biểu hiện. Thông thường, kích thước của khối u này rất nhỏ nên không gây tác động đến sức khỏe. Trường hợp có u máu gan, vẫn có khả năng sống mạnh khỏe mà không gặp bất cứ triệu chứng và dấu hiệu nào xảy ra.

Mặc dù vậy, cũng có một số ít trường hợp khối u có kích thước lớn hơn 4cm có thể dẫn đến sự xuất hiện các triệu chứng như đã được liệt kê ở trên.

Khi khối u có sự phát triển quá lớn, sẽ có khả năng bị vỡ ra, gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, khiến người bệnh bị đau đớn dữ dội, và có thể đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, khối u này thường không tự vỡ mà có thể là do bị ngã, tai nạn hay chấn thương ở gan.

Đi kèm với đó, các biến chứng của u máu gan cũng không thường thấy. Nhưng cũng có khi có trường hợp người bệnh bị đau nhiều, sốt hoặc gây viêm phúc mạc khi khối u hoại tử.

Đồng thời, các đối tượng như thai phụ, nữ giới đang điều trị hormone hoặc những người bị mắc bệnh gan, thì u máu gan có thể dẫn đến một vài biến chứng, đó là: u máu gan lan rộng, làm gan bị tổn thương và gây ra cảm giác đau đớn.

U máu gan khi tăng lên về kích thước có thể gây ra cảm giác đau đớn

5. Chẩn đoán và điều trị

Về vấn đề chẩn đoán và phương pháp điều trị khối u máu gan, cụ thể như sau:

5.1. Chẩn đoán

Vì không có triệu chứng biểu hiện, phát hiện u máu gan thường là tình cờ, có thể là vào lúc người bệnh thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc cũng có khi là thực hiện xét nghiệm các bệnh lý khác.

Trong đó, có một số phương pháp chẩn đoán khối u này bao gồm: siêu âm, chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ. Các phương pháp này vẫn có thể dương tính giả nếu người bệnh bị tăng sinh mạch máu do có ổ di căn gan. Vì thế, làm chụp động mạch gan, sinh thiết gan vẫn có thể được bác sĩ chỉ định thêm.

5.2. Phương pháp điều trị

Hiện vẫn chưa có loại thuốc nào có thể điều trị làm cho kích thước khối u máu gan nhỏ lại.

Đối với khối u máu gan nhỏ và không gây ra bất kỳ hoặc triệu chứng nào, tuy không cần điều trị, người có khối u này vẫn cần được theo dõi định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng một lần để tiến hành kiểm tra sự tăng trưởng kích thước của khối u và can thiệp kịp thời.

Cần kiểm tra định kỳ khi kích thước khối u nhỏ, không có triệu chứng

Điều trị u máu gan thực hiện chủ yếu đối với các trường hợp khối u có kích thước lớn và gây ra triệu chứng và căn cứ vào vị trí, kích thước và số lượng khối u. Có các phương pháp bao gồm: ngăn chặn cung cấp máu đến khối u, phẫu thuật cắt bỏ khối u, cấy ghép gan.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được yêu cầu ngừng việc sử dụng các chế phẩm estrogen kéo dài; đồng thời, tránh va đập vào vùng bụng. Song song với đó, cần thực hiện một lối sống tích cực, không hút thuốc lá, tránh dùng các chất kích thích, rượu bia, duy trì một chế độ ăn uống cân đối và đầy đủ dinh dưỡng,...

Như vậy, u máu gan là loại khối u lành tính, do vậy, nếu phát hiện cơ thể có xuất hiện khối u này, thay vì lo lắng quá mức, bạn cần đảm bảo việc tái khám định kỳ theo lịch hẹn và điều trị theo chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

Quý khách có thể liên hệ ngay với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua tổng đài: 1900 56 56 56 để được các tổng đài viên của chúng tôi tư vấn chi tiết về bệnh u máu gan và hỗ trợ đặt lịch tầm soát ung thư nhanh chóng, hiệu quả tại Bệnh viện.

Từ khoá: ung thư

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.