Các tin tức tại MEDlatec
Vai trò của xét nghiệm Renin đối với người cao huyết áp
- 04/09/2016 | Hệ thống Renin-Angiotensin-Aldosterone: vai trò trong điều hòa thăng bằng điện giải, thể tích máu và huyết áp
- 04/02/2020 | Xét nghiệm Renin trong việc chẩn đoán bệnh tăng huyết áp
1. Bạn biết gì về xét nghiệm Renin?
Renin là một enzyme thủy phân được sản xuất bởi tế bào thận. Renin cùng với aldosterone có vai trò cân bằng nồng độ natri và kali trong máu, giữ cho huyết áp luôn được ổn định.
Khi huyết áp giảm, thận sẽ giải phóng ra renin. Renin khi đó có vai trò thủy phân protein angiotensinogen biến đổi thành angiotensin II có tác dụng kích thích sản xuất aldosteron làm tăng huyết áp và duy trì nồng độ ổn định của natri và kali.
Hình 1: Xét nghiệm đo hàm lượng renin.
Do đó xét nghiệm Renin và aldosterone thường được thực hiện cùng nhau nhằm mục đích chẩn đoán và xác định nguyên nhân gây tăng huyết áp. Trong đó nếu như xét nghiệm aldosterone có thể thực hiện với mẫu bệnh phẩm máu hoặc nước tiểu thì xét nghiệm renin lại chỉ được thực hiện trên bệnh phẩm duy nhất là máu.
2. Xét nghiệm renin được thực hiện trong trường hợp nào?
Xét nghiệm renin thường được thực hiện trong một số các trường hợp sau:
- Người có huyết áp cao kèm theo đó là tình trạng giảm nồng độ kali.
- Nếu nồng độ kali bình thường, bác sĩ vẫn có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm nếu như các loại thuốc thông thường không kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp.
- Phát hiện, chẩn đoán nguyên nhân gây tăng huyết áp.
- Ngoài ra, hệ thống renin - aldosterone còn được ứng dụng trong những trường hợp bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh thận như suy tuyến thượng thận, hội chứng Conn,...
Hình 2: Xét nghiệm giúp xác định nguyên nhân tăng huyết áp.
3. Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm Renin
Xét nghiệm renin là một trong những kỹ thuật quan trọng và cần thiết để chẩn đoán tình trạng tăng huyết áp cũng như các nguyên nhân có thể xảy ra. Xét nghiệm này được thực hiện trên hệ thống máy hóa sinh - miễn dịch hiện đại với phương pháp miễn dịch hóa phát quang.
Người bệnh trước khi lấy máu xét nghiệm sẽ được hướng dẫn cụ thể một số điều lưu ý để tránh ảnh hưởng đến kết quả. Trong vòng 2 tuần trước khi lấy máu, không được sử dụng rượu, bia, các chất kích thích, đồ uống có chứa cồn, cafe, tuyệt đối không hút thuốc lá bởi chúng gây ảnh hưởng lớn đến chỉ số huyết áp.
Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng cam thảo đen, hạn chế đồ ăn mặn, chứa nhiều natri, dầu mỡ trước khoảng 3 ngày và cần nhịn ăn khoảng 8 tiếng trước khi lấy máu. Ngưng sử dụng một số thuốc điều trị huyết áp, aspirin, caffeine, estrogen hoặc thuốc lợi tiểu.
Bên cạnh đó các yếu tố như chế độ ăn uống sinh hoạt, tuổi tác, giới tính, phụ nữ có thai, đang trong chu kỳ kinh nguyệt, căng thẳng, stress, vận động quá sức hoặc tư thế nằm/ ngồi lấy máu cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến kết quả.
Hình 3: Tư thế lấy máu ngồi hoặc nằm sẽ ảnh hưởng đến kết quả.
Nếu lấy máu ở tư thế nằm, cần hướng dẫn bệnh nhân nằm nghỉ thư giãn khoảng 1 - 2 tiếng trước khi tiến hành lấy máu. Còn nếu lấy máu ở tư thế đứng, cần hướng dẫn bệnh nhân đi lại nhẹ nhàng trong khoảng 30 phút, sau đó mới ngồi xuống ghế để lấy máu.
Quy trình lấy máu diễn ra nhanh chóng, đơn giản và không gây bất cứ ảnh hưởng đau đớn nào quá mức cho người bệnh. Mẫu máu cần phải được ghi rõ đầy đủ các thông tin hành chính của bệnh nhân và sau đó chuyển về phòng xét nghiệm để phân tích.
4. Xét nghiệm Renin có ý nghĩa như thế nào?
Giá trị bình thường của renin trong khoảng 4,66 - 31,9 ng/L. Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, các yếu tố dinh dưỡng và tư thế lấy máu có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả, do đó giá trị bình thường của renin cũng có sự thay đổi.
Đối với người trưởng thành, chế độ dinh dưỡng chứa đầy đủ hàm lượng natri theo đúng tiêu chuẩn, nếu lấy máu ở tư thế đứng nồng độ renin trong khoảng 0,7 - 3,3 ng/ml/h, còn lấy máu tư thế nằm là 0,2 - 1,6 ng/ml/h.
Ngược lại, người trưởng thành nếu có chế độ dinh dưỡng ít natri, nồng độ renin ở tư thế đứng sẽ là 4,2 - 19,8 ng/ml/h và tư thế nằm là 0,4 - 3,2 ng/ml/h.
Nếu kết quả renin tăng cao
Nồng độ renin tăng cao thường gặp trong trường hợp bệnh về thận, gan như suy thận, suy tuyến thượng thận, giảm lưu thông máu đến thận, xơ gan, huyết áp cao ác tính, xuất huyết không rõ nguyên nhân,...
Nếu kết quả renin giảm thấp
Nồng độ renin thấp có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh thận hoặc hội chứng Conn.
Tuy nhiên ngoài việc thực hiện xét nghiệm renin, để chẩn đoán chính xác tình trạng tăng huyết áp cũng như các bệnh lý liên quan cần phải dựa vào một số các kỹ thuật khác như xét nghiệm aldosterone, điện giải đồ, siêu âm thận, tuyến thượng thận,...
5. Thực hiện xét nghiệm renin chính xác tại MEDLATEC
Một trong những địa chỉ khám chữa bệnh uy tín và chất lượng hiện nay đó chính là Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Đây là một cơ sở được trang bị đầy đủ hệ thống máy móc hiện đại, tự động giúp thực hiện hàng nghìn xét nghiệm chỉ trong một thời gian ngắn.
Các kỹ thuật cận lâm sàng thực hiện nhanh chóng, chính xác hỗ trợ tối đa cho công tác khám chữa bệnh. Đặc biệt đối với bệnh cao huyết áp là một bệnh lý có diễn biến phức tạp, đột ngột và rất nguy hiểm.
Hình 4: MEDLATEC - địa chỉ khám bệnh uy tín.
Ngoài việc xét nghiệm, bệnh nhân còn được thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu khác như chụp cộng hưởng từ MRI, chụp động mạch, chụp mạch cộng hưởng từ MRA hoặc siêu âm Doppler để giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân tăng huyết áp một cách nhanh nhất.
Việc xác định sớm nguyên nhân gây tăng huyết áp giúp cho bác sĩ sớm đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Chính vì vậy, nếu có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe bạn đọc cần phải đi kiểm tra ngay lập tức.
Bên cạnh đó MEDLATEC còn hỗ trợ khách hàng trong các dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà 24/ 24h, đặt lịch khám và tra cứu kết quả nhanh chóng qua app iCNM, website medlatec.vn. Đi kèm với đó là vô vàn những gói khám sức khỏe ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng đi đến khám tại MEDLATEC.
Hãy nhấc máy và gọi đến tổng đài 1900 565656 để được hướng dẫn và giải đáp mọi thông tin cụ thể.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!