Các tin tức tại MEDlatec

Vì sao bị say xe? Dùng thuốc say xe có hại không?

Ngày 15/08/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Đối với nhiều người bị say xe, việc di chuyển bằng tàu xe qua những con đường xa xôi và trong suốt một thời gian dài là những nỗi ám ảnh. Giải pháp khắc phục vấn đề này nhanh chóng và hiệu quả nhất là dùng thuốc say xe. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thuốc này và những lưu ý quan trọng khi sử dụng.

1. Vì sao bị say xe?

Trước khi cung cấp thông tin về một số loại thuốc chống say xe hay nhiều người thường gọi là thuốc say xe, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân khiến nhiều người bị say tàu xe. 

Say tàu xe là nỗi ám ảnh của nhiều người

Khi chúng ta đang ở trên tàu xe, não bộ có thể sẽ cảm nhận được cơ thể đang đứng yên, không hoạt động, không di chuyển. Tuy nhiên, khi xe hay tàu di chuyển sẽ tạo ra sự rung lắc liên tục khiến các giác quan trong cơ thể gửi tín hiệu đang có sự chuyển động đến não, nhất là hệ thống tiền đình (đây là cơ quan có nhiệm vụ giúp cơ thể kiểm soát được khả năng giữ cân bằng). Khi những tín hiệu liên tục và không thống nhất này được gửi về não, não sẽ có phản ứng và khiến bạn bị say xe.

Trẻ em từ 3 đến 12 tuổi chưa phát triển toàn diện về hệ tiền đình- ốc tai là đối tượng dễ bị say tàu xe nhất. Ở người trưởng thành, nữ giới dễ bị say xe hơn nam giới. Người bị say tàu xe thường có những biểu hiện như sau:

- Đầu tiên, người say xe sẽ cảm thấy khó chịu trong người. 

- Sau đó, là cảm giác buồn nôn và mệt mỏi. 

- Tình trạng chóng mặt và buồn nôn ngày càng dữ dội. Bên cạnh đó, người say xe còn đổ mồ hôi, tăng tiết nước bọt, lạnh toàn thân. 

Tình trạng say tàu xe có thể là nỗi ám ảnh của nhiều người nhưng đây chỉ là những triệu chứng khó chịu ở thời điểm bạn di chuyển bằng tàu xe. Khi cuộc hành trình này kết thúc, những triệu chứng này cũng sẽ biến mất và không gây ra những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. 

2. Dùng thuốc say xe có gây hại sức khỏe không?

Những người say xe và thường xuyên dùng thuốc chống say khi di chuyển bằng tàu xe thường có chung một thắc mắc là “Uống thuốc say xe có hại không?”. Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc chống say và mỗi loại lại có những lưu ý và chỉ định, chống chỉ định cụ thể. Dưới đây là một số loại thuốc chống say phổ biến và lưu ý khi sử dụng:

Nên lựa chọn loại thuốc say xe phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình

- Thuốc kháng Histamin H1: Không chỉ có tác dụng chống dị ứng, nhóm thuốc này còn có tác dụng giảm tình trạng buồn nôn, chóng mặt do say xe. Những loại thuốc thuộc nhóm này có tác dụng phòng ngừa tốt hơn điều trị. Chính vì thế, để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên dùng thuốc trước khi lên xe khoảng 30 phút. Không nên kết hợp thuốc kháng Histamin H1 với các loại thuốc khác và không uống rượu khi dùng thuốc. 

Loại thuốc này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và một số tác dụng phụ như khô miệng, nhìn mờ, rối loạn tâm thần, buồn ngủ,... Dưới đây là một số trường hợp cần đặc biệt lưu ý khi dùng thuốc: 

+ Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi: Đây là nhóm đối tượng cần chống chỉ định với nhóm thuốc kháng Histamin. 

+ Người cao tuổi, người bị rối loạn chức năng gan thận, rối loạn chuyển hóa, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú cũng nên thận trọng khi dùng loại thuốc này. 

+ Thận trọng khi sử dụng ở phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú;

+ Người bị rối loạn đường hô hấp, mắc bệnh hen phế quản, người bị tăng huyết áp, mắc các bệnh lý về tim mạch,...

- Thuốc kháng đối giao cảm: Được cho là có hiệu quả tốt hơn so với các nhóm thuốc khác trong việc ngăn chặn tình trạng say tàu xe. Hoạt chất phổ biến trong nhóm thuốc này là Scopolamine. Hoạt chất này được bào chế dưới dạng miếng dán với kích thước nhỏ nên rất thuận tiện khi sử dụng và hiệu quả chống say có thể kéo dài đến 72 tiếng. Miếng dán này có thể xuyên qua da và có tác dụng lên toàn cơ thể, giống như thuốc đường uống hay thuốc đường tiêm. 

Để chống say xe hiệu quả, bạn nên dùng thuốc để dán lên vùng da không có lông, không bị trầy xước và nên dán trước khi di chuyển ít nhất 4 giờ. Không nên dùng kết hợp với các loại thuốc khác và cũng không nên dán cùng lúc nhiều miếng dán. Sau khi dán nếu có biểu hiện bất thường thì cần gỡ bỏ miếng dán. 

Khi dùng không đúng cách hay dùng quá liều, thuốc có thể gây ra những vấn đề như:

  • Gây hoa mắt, lú lẫn, buồn ngủ, mất phương hướng,...
  • Giảm tiết dịch, tăng nhãn áp, rối loạn nhịp tim
  • Chống chỉ định với người nhịp tim nhanh, gặp vấn đề về đường tiêu hóa, bị phì đại tiền liệt tuyến, bị phổi tắc nghẽn mạn tính. 

3. Cách chống say xe không cần dùng thuốc

Một số mẹo nhỏ dưới đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị say xe mà không cần dùng thuốc say xe: 

Bạn nên ngủ đủ giấc trước ngày đi xe đường dài

- Trước ngày đi xe đường dài, bạn nên ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi đầy đủ, đặc biệt không dùng bia rượu, chất có cồn trước khi đi tàu xe. 

- Tránh ăn quá no hoặc để bụng đói trước khi lên xe. 

- Khi lên xe, bạn nên ngồi ở các ghế giữa thân xe, tàu. 

- Không nên hút thuốc hoặc ngồi cạnh người hút thuốc khi xe di chuyển. 

- Không nên đọc sách báo trên xe và không nên nhìn chăm chú vào một vật nào đó trên xe, không nên nhìn ngó xung quanh để hạn chế bị đau đầu, chóng mặt. 

- Nhắm mắt và hít thở sâu, có thể mở cửa sổ để hít thở không khí trong lành. 

- Có thể dùng kẹo gừng, trà gừng để chống buồn nôn hoặc cắt một lát gừng tươi hay dùng vỏ cam quýt để thỉnh thoảng hít hà khi ngồi trên xe. 

Để tránh say xe, không nên nhìn chăm chú vào một sự vật

Trên đây là những thông tin về các loại thuốc say tàu xe cùng với những lưu ý khi sử dụng và một số cách chống say tàu xe tự nhiên. Tùy vào thể trạng sức khỏe và tình trạng bệnh lý của mỗi người, bạn hãy lựa chọn cách chống say xe phù hợp nhất với mình. Trường hợp gặp phải các biểu hiện bất thường khi dùng thuốc chống say xe, cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn xử trí kịp thời.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.