Các tin tức tại MEDlatec
Vì sao nằm xuống bị chóng mặt và làm cách nào để khỏi?
- 30/04/2024 | Triệu chứng mệt mỏi khó thở và chóng mặt cảnh báo bệnh gì?
- 04/09/2024 | Đau đầu, chóng mặt tưởng “bệnh xoàng”, đi khám phát hiện mắc nhồi máu não đa ổ
- 15/10/2024 | Cảnh giác với triệu chứng chóng mặt kéo dài: Tưởng bệnh “xoàng” nhưng dữ
1. Nằm xuống bị chóng mặt là hiện tượng gì?
Nằm xuống bị chóng mặt thường xảy ra khi có sự thay đổi tư thế đột ngột từ đứng hoặc ngồi sang nằm. Lúc này, bạn có thể cảm thấy đầu óc quay cuồng, mất thăng bằng và cảm giác như mọi thứ xung quanh đang xoay chuyển.
Hầu hết trường hợp chóng mặt khi nằm xuống không phải là bệnh, mà là triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe liên quan. Đôi khi, hiện tượng này chỉ là phản ứng nhất thời khi cơ thể thay đổi tư thế đột ngột.
Chóng mặt khi nằm xuống có thể kéo dài trong vài giây đến vài phút, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Khi nằm xuống bị chóng mặt, người bệnh cũng có thể sẽ xuất hiện các hiện tượng khác như đau đầu nhẹ, buồn nôn, nôn, ù tai, nghe thấy âm thanh lạ trong tai, mất thăng bằng khi đứng lên,...
Bị chóng mặt khi nằm xuống có thể đi kèm cảm giác đau đầu, ù tai
2. Nguyên nhân nằm xuống bị chóng mặt
2.1. Huyết áp thấp
Huyết áp thấp là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng nằm xuống bị chóng mặt. Đặc biệt, khi đứng, máu tập trung ở phần dưới cơ thể và chân nhiều hơn nên nhi nằm xuống đột ngột, cơ thể cần điều chỉnh để máu lưu thông đều đến não bộ. Nếu huyết áp thấp, việc điều chỉnh này diễn ra chậm hoặc không hiệu quả nên xảy ra tình trạng chóng mặt.
2.2. Rối loạn tiền đình
Tiền đình đảm nhận nhiệm vụ giữ thăng bằng cơ thể. Rối loạn tiền đình, người bệnh dễ cảm thấy chóng mặt, mất thăng bằng khi thay đổi tư thế, kể cả khi nằm xuống. Ngoài ra, người bị rối loạn tiền đình cũng có triệu chứng buồn nôn nhiều, dễ bị nôn, mất phương hướng, ù tai,...
2.3. Bệnh lý tim mạch
Một số bệnh lý tim mạch như hở van tim, suy tim, hoặc nhịp tim bất thường cũng có thể là nguyên nhân khiến cho khi nằm xuống bị chóng mặt. Do tim không bơm máu đủ đến não bộ nên người bệnh cảm thấy bị chóng mặt và choáng váng.
2.4. Chứng rối loạn lo âu
Chứng lo âu, căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra triệu chứng nằm xuống bị chóng mặt. Những người bị lo âu thường có nhịp tim nhanh, hơi thở gấp và huyết áp không ổn định. Khi tư thế thay đổi đột ngột các triệu chứng lo âu trở nên nghiêm trọng hơn nên dễ bị chóng mặt.
Đặc biệt, lo âu mạn tính làm kích thích hệ thần kinh giao cảm, khiến khả năng điều chỉnh huyết áp và tuần hoàn máu bị gián đoạn. Đây chính là nguyên nhân khiến máu không được bơm lên não kịp thời và bị chóng mặt khi nằm xuống.
2.5. Thiếu nước
Cơ thể bị thiếu nước cũng là một nguyên nhân gây chóng mặt khi nằm xuống vì máu trở nên đặc hơn, giảm lưu thông và vận chuyển oxy đến não. Khi lượng máu lên não giảm sẽ sinh ra chóng mặt, nhất là thay đổi tư thế ngồi sang đứng hoặc nằm.
2.6. Thiếu máu
Thiếu máu khiến lượng oxy và dưỡng chất đến não giảm sút nên gặp tình trạng chóng mặt khi nằm xuống. Hiện tượng này thường xảy ra khi lượng hồng cầu trong máu không đủ, hoặc máu không được cung cấp đủ oxy.
Thiếu máu có thể khiến cho người bệnh nằm xuống bị chóng mặt
3. Khắc phục tình trạng nằm xuống bị chóng mặt bằng cách nào?
3.1. Thay đổi tư thế từ từ
Cách đơn giản nhất để giảm thiểu tình trạng chóng mặt khi nằm xuống là thay đổi tư thế từ từ. Khi bạn muốn nằm xuống, hãy ngồi yên một vài giây sau đó mới chuyển sang tư thế nằm. Khoảng thời gian giao giữa hai hoạt động này chính là lúc cơ thể kịp thích nghi với sự thay đổi tư thế nên sẽ giảm được nguy cơ bị chóng mặt.
3.2. Uống đủ nước
Cơ thể rất dễ bị chóng mặt khi thiếu nước, mất nước. Vì thế, nếu gặp tình trạng chóng mặt khi nằm xuống, hãy uống đủ 2 - 3 lít nước/ngày để cơ thể không bị mệt mỏi, chóng mặt vì mất nước.
3.3. Bổ sung dưỡng chất
Sự thiếu hụt dinh dưỡng trong cơ thể xảy ra với thời gian dài là nguyên nhân gây thiếu máu và bị chóng mặt. Để khắc phục điều này, những người nằm xuống bị chóng mặt hãy xem xét lại thực đơn của mình để bổ sung thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt,...
3.4. Không quên tập luyện thể dục
Các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ,... nếu được duy trì hàng ngày sẽ rất tốt cho tim mạch và tiền đình, nhờ vậy, giảm thiểu tình trạng chóng mặt. Ngoài ra, tập luyện với các bài tập này còn tốt cho lưu thông tuần hoàn máu nhờ đó giảm nguy cơ tái diễn tình trạng chóng mặt khi nằm xuống.
3.5. Kiểm soát lo âu và stress
Thực hiện các hoạt động yêu thích, thiền, yoga,... hay các hoạt động có tính giải trí cao sẽ giúp giải tỏa căng thẳng, stress để giảm thiểu chứng rối loạn lo âu. Những hoạt động này có tác dụng thư giãn tinh thần nhờ đó cải thiện các vấn đề về thần kinh trong đó có tình trạng nằm xuống bị chóng mặt.
3.6. Thăm khám bác sĩ
Nếu nằm xuống bị chóng mặt thường xuyên tái diễn, kéo dài hoặc đi kèm các dấu hiệu: ngất xỉu, đau ngực, khó thở, nôn nhiều,... thì bạn cần được bác sĩ chuyên môn kiểm tra tìm ra nguyên nhân và điều trị ngay.
Bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tìm kiếm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chóng mặt khi nằm xuống
Tuy nằm xuống bị chóng mặt không phải trường hợp nào cũng xuất phát từ yếu tố bệnh lý nhưng vẫn không nên chủ quan. Việc tìm ra nguyên nhân sẽ giúp người bệnh có cách khắc phục, ngăn ngừa nguy cơ tái diễn tình trạng này.
Hãy chú ý theo dõi các biểu hiện bất thường của cơ thể và thăm khám sức khỏe định kỳ. Cách làm này sẽ giúp bạn có được cuộc sống khỏe mạnh, chủ động bảo vệ mình trước các nguy cơ biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Quý khách hàng cần thăm khám sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, hãy liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56 để đặt trước lịch hẹn nhanh chóng và thuận tiện.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!