Các tin tức tại MEDlatec

Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì? 6 nhóm thực phẩm dễ khiến bệnh nặng hơn

Ngày 07/07/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Minh Dũng
Viêm amidan hốc mủ không chỉ gây đau rát họng, hôi miệng mà còn dễ tái phát nếu người bệnh không kiêng cữ đúng cách, đặc biệt là trong chế độ ăn uống. Nhiều thực phẩm tưởng chừng vô hại lại có thể khiến niêm mạc họng bị kích ứng, làm tình trạng viêm trở nên dai dẳng và khó hồi phục. Vậy viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì để bệnh nhanh khỏi, tránh biến chứng? Dưới đây là 6 nhóm thực phẩm bạn cần kiêng.

1. Viêm amidan hốc mủ là gì?

Viêm amidan hốc mủ là tình trạng viêm mạn tính ở amidan, trong đó các hốc amidan tích tụ mủ trắng hoặc vàng có mùi hôi khó chịu. Người bệnh thường gặp các triệu chứng như đau họng, khó nuốt, sốt, hôi miệng và cảm giác nuốt vướng ở cổ họng. Không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, viêm amidan hốc mủ còn có nguy cơ gây biến chứng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách.

Viêm amidan hốc mủ là tình trạng viêm nhiễm kéo dài ở amidan, trong đó các hốc amidan tích tụ mủ trắng hoặc vàng

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của người bị viêm amidan hốc mủ. Một số thực phẩm có thể làm tăng tiết dịch, kích thích vùng họng viêm hoặc tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, khiến tình trạng sưng viêm nặng hơn. Ngược lại, lựa chọn thực phẩm phù hợp có thể hỗ trợ làm dịu niêm mạc họng, giảm tiết dịch mủ, hỗ trợ giảm đau rát và tăng cường sức đề kháng. Vì vậy, việc ăn gì và kiêng gì trong giai đoạn này là điều mà người bệnh không nên xem nhẹ.

2. Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì?

Dưới đây là những nhóm thực phẩm mà người bệnh nên hạn chế tối đa trong quá trình điều trị:

2.1. Thực phẩm cứng, khô và sắc cạnh

Các loại bánh quy giòn, hạt cứng, snack hay khoai tây chiên có thể cọ xát vào vùng amidan đang viêm, gây tổn thương niêm mạc họng và làm chậm quá trình lành thương, đồng thời tăng nguy cơ bội nhiễm do vi khuẩn.

Viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì? - Một trong số những thực phẩm cần kiêng là đồ ăn khô cứng như: bim bim, hạt khô,...

2.2. Đồ ăn cay nóng, nhiều gia vị

Ớt, tiêu, sa tế, nước chấm mặn... dễ gây kích ứng mạnh niêm mạc họng, khiến cảm giác bỏng rát tăng lên, có thể kích thích ho và tăng tiết dịch nhầy - điều này gây khó chịu và cản trở quá trình hồi phục.

2.3. Món chiên rán, nhiều dầu mỡ

Thực phẩm nhiều dầu mỡ thường khó tiêu, có thể làm tăng cảm giác nóng rát vùng họng và gây khó chịu ở người đang có Viêm amidan. Ngoài ra, đồ ăn này thường làm giảm hiệu quả tiêu hóa và khả năng miễn dịch nếu ăn nhiều.

2.4. Đồ ăn, thức uống lạnh hoặc quá nóng

Thực phẩm có nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng đều có thể kích thích vùng họng đang viêm, gây co thắt niêm mạc họng, làm tăng cảm giác đau rát và kéo dài thời gian phục hồi.

2.5. Thực phẩm nhiều đường, chế biến sẵn

Kẹo, bánh ngọt, nước ngọt có gas, xúc xích, thịt hộp... có thể làm giảm hiệu quả hoạt động miễn dịch tự nhiên, gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn gây viêm phát triển.

2.6. Sản phẩm từ sữa

Với một số người, sữa và chế phẩm từ sữa có thể làm tăng tiết dịch nhầy ở cổ họng, gây cảm giác vướng, nghẹn hoặc ho nhiều hơn. Nếu nhận thấy triệu chứng khó chịu sau khi dùng sữa, người bệnh nên tạm dừng và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Việc tránh các nhóm thực phẩm này không chỉ giúp giảm bớt khó chịu trong quá trình bệnh mà còn góp phần ngăn ngừa bệnh tái phát hoặc diễn tiến phức tạp hơn.

3. Người bị viêm amidan hốc mủ nên ăn gì?

Bên cạnh việc kiêng cữ đúng cách, lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ giúp làm dịu cảm giác đau rát họng, hỗ trợ kháng viêm và đẩy nhanh quá trình hồi phục. Dưới đây là những nhóm thực phẩm được khuyến khích cho người bị viêm amidan hốc mủ:

- Thức ăn mềm, dễ nuốt: 

Cháo, súp, canh hầm hay mì nấu mềm là lựa chọn lý tưởng trong giai đoạn viêm họng và viêm amidan cấp. Những món ăn này giúp làm dịu cảm giác rát cổ họng và hạn chế phản xạ ho hoặc đau khi nuốt.

- Rau xanh và trái cây giàu vitamin C: 

Các loại như cải bó xôi, súp lơ, cam, ổi, kiwi... chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, giúp tăng sức đề kháng và hỗ trợ làm lành niêm mạc họng. Người bệnh có thể sử dụng dưới dạng luộc, hấp hoặc ép lấy nước để dễ tiêu hóa hơn.

- Thực phẩm giàu đạm dễ tiêu: 

Trứng luộc, thịt gà bỏ da, cá hấp, đậu phụ... là những nguồn cung cấp protein chất lượng cao, giúp phục hồi mô tổn thương mà không gây khó tiêu hay làm nặng thêm triệu chứng. Nên tránh chiên rán hoặc tẩm ướp nhiều gia vị.

- Thức uống ấm, không đường: 

Nước ấm, trà gừng nhạt, nước chanh mật ong pha loãng… có tác dụng giữ ẩm niêm mạc họng, giảm ho và hạn chế tích tụ đờm nhầy. Người bệnh nên tránh thêm đường quá nhiều vì có thể làm tăng vi khuẩn trong khoang miệng và họng.

- Thực phẩm hỗ trợ miễn dịch: 

Sữa chua không đường hoặc các chế phẩm men vi sinh giúp duy trì hệ vi sinh có lợi, hỗ trợ sức đề kháng toàn thân và giảm nguy cơ bội nhiễm.

Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, nhẹ nhàng và đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả của các biện pháp điều trị y tế.

4. Lưu ý quan trọng khác trong quá trình điều trị viêm amidan hốc mủ tại nhà

Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, người bị viêm amidan hốc mủ cũng cần lưu ý một số biện pháp chăm sóc tại nhà để hỗ trợ quá trình điều trị và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn:

- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Nên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày và súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn khoang miệng để giảm vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng, làm giảm nguy cơ hình thành mủ ở amidan.

- Uống đủ nước, tránh để cổ họng khô: Nên uống nước ấm thường xuyên để làm dịu niêm mạc họng, hỗ trợ làm loãng đờm và giảm cảm giác vướng víu khi nuốt.

- Tránh khói thuốc, bụi bẩn và môi trường ô nhiễm: Các tác nhân này có thể kích thích niêm mạc họng, khiến tình trạng viêm trở nên dai dẳng và khó kiểm soát hơn.

- Tránh nói to hay la hét: Việc để họng được nghỉ ngơi, hạn chế chế nói nhiều, la hét lớn tiếng… là cần thiết để giảm áp lực lên vùng amidan đang bị tổn thương.

- Không tự ý dùng thuốc: Đặc biệt là kháng sinh, thuốc giảm đau hoặc các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng vì có thể gây ra tác dụng phụ hoặc làm che lấp triệu chứng, khiến bệnh khó kiểm soát hơn.

Thăm khám viêm amidan với bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm tại MEDLATEC

Như vậy, chế độ ăn uống có thể tác động rõ rệt đến quá trình điều trị viêm amidan hốc mủ. Hiểu rõ viêm amidan hốc mủ kiêng ăn gì không chỉ giúp bạn giảm cảm giác đau rát, khó chịu mà còn hỗ trợ phục hồi nhanh hơn, hạn chế biến chứng. Nếu sau vài ngày theo dõi điều trị tại nhà mà triệu chứng vẫn không cải thiện, người bệnh nên chủ động đi khám để được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và tư vấn điều trị đúng cách.

Bạn có thể đến Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng giàu kinh nghiệm thăm khám và tư vấn cụ thể về tình trạng của mình. Để tiết kiệm thời gian, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ đặt lịch nhanh chóng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.