Tin tức
4 ngày đi tiểu khó, đi khám phải nhập viện điều trị nội trú để tránh gây biến chứng
- 29/02/2024 | Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là gì? Chẩn đoán và điều trị ra sao?
- 30/06/2023 | Thuốc trị viêm đường tiết niệu và những điều bạn cần biết
- 14/08/2024 | Thuốc trị viêm đường tiết niệu phổ biến và lưu ý sử dụng đúng cách
- 18/08/2024 | Báo cáo viên MEDLATEC công bố nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm, thành phần loài và mức độ nhạy cảm...
Nhập viện cấp cứu sau 4 ngày đi tiểu khó
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC vừa tiếp nhận nam bệnh nhân T.Q.H (69 tuổi, Hà Nội) đến thăm khám do tiểu khó. Với chẩn đoán xác định theo dõi nhiễm khuẩn huyết đường vào tiết niệu, bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú ngay để tránh biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân H., cho biết, cách vào viện 4 ngày có xuất hiện đau bụng quanh rốn, đau âm ỉ, kèm nôn, buồn nôn và ăn uống kém. Đồng thời, trong thời gian này, người bệnh có cảm giác tiểu khó, tiểu rắt, tiểu buốt, nước tiểu hơi đục; có sốt nhẹ, nhiệt độ cao nhất là 38 độ C. Ở nhà đã dùng paracetamol và chưa dùng thuốc kháng sinh.
Người dân nên cảnh giác nếu xuất hiện tiểu khó bất thường. Ảnh nguồn Internet
Ngoài ra, bệnh nhân cho biết thêm, bản thân có mắc ung thư đại tràng giai đoạn T1N1M đã phẫu thuật cách đây 2 năm, tăng huyết áp nhiều năm và được điều trị ổn định, có tái khám định kỳ.
Để tìm nguyên nhân gây triệu chứng bất thường đó, bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm và làm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cần thiết.
Các xét nghiệm đánh giá mức độ viêm, nhiễm trùng gồm có chỉ số CRP tăng cao (408,19mg/L), số lượng bạch cầu đoạn tăng cao gợi ý một tình trạng nhiễm trùng tiết niệu nặng do vi khuẩn và có nguy cơ biến chứng nhiễm khuẩn huyết. Bác sĩ đã tư vấn người bệnh làm thêm xét nghiệm nuôi cấy nước tiểu và xét nghiệm cấy máu. Kết quả nuôi cấy nước tiểu dương tính với Escheria coli (nồng độ vi khuẩn là >10^5 CFU/ml) và kết quả cấy máu là âm tính.
Về chẩn đoán hình ảnh, chụp X-quang ổ bụng cho hình ảnh mức dịch hơi vị trí quanh rốn, chướng hơi khung đại tràng. Siêu âm ổ bụng có hình ảnh nốt vôi hóa gan phải, sỏi túi mật, dày thành bàng quang và phì đại tiền liệt tuyến.
Bệnh nhân có chẩn đoán xác định là Nhiễm khuẩn tiết niệu nặng - Phì đại tiền liệt tuyến - K đại tràng đã phẫu thuật, nên phải nhập viện điều trị nội trú ngay để tránh các biến chứng.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu - Bệnh hay gặp, nhưng không được chủ quan
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiết niệu và gây ra các phản ứng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đó.
ThS.BSNT Mai Thị Trang - Chuyên khoa Vi sinh, Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC, có nhiều căn nguyên gây ra tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, như vi khuẩn, vi nấm và ký sinh trùng. Tuy nhiên hay gặp nhất là do vi khuẩn, trong đó Vi khuẩn gram (-) chiếm khoảng 90%, vi khuẩn gram (+) chiếm khoảng 10%. Cụ thể, các loại vi khuẩn thường gặp nhất là Escherichia coli (chiếm 70-80%), Proteus mirabilis (10-15%), Klebsiella spp (5-10%), Staphylococus saprophyticus (5-10%), Pseudomoras aeruginosa (1-2%) và Staphylococus aereus (1-2%).
Có tới 80% ca bệnh mắc nhiễm khuẩn đường tiết niệu do vi khuẩn E.coli
Tùy thuộc vào vị trí bị nhiễm trùng ở hệ tiết niệu mà bệnh nhân sẽ có các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Nếu vị trí nhiễm trùng thuộc hệ thống tiết niệu dưới, bao gồm niệu đạo và bàng quang thì bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu điển hình như cảm giác nóng rát và buốt khi đi tiểu, nước tiểu có mùi hôi; nước tiểu đục như màu nước trà đặc, thậm chí là có lẫn máu; buồn tiểu, muốn đi tiểu liên tục nhưng khi tiểu lại ra rất ít.
“Trường hợp của bệnh nhân H., có triệu chứng rất điển hình của nhiễm khuẩn đường tiết niệu nặng với dấu hiệu như tiểu khó, tiểu rắt, tiểu buốt, nước tiểu hơi đục, chỉ số viêm CRP tăng rất cao, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu có bạch cầu số lượng nhiều cộng với tiêu chuẩn vàng là xét nghiệm nuôi cấy nước tiểu cho kết quả dương tính (>10^5 CFU/ml) với Escheria coli nên đủ điều kiện chuẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu nặng và có nguy cơ cao gây biến chứng nhiễm khuẩn huyết đường vào tiết niệu nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ Trang chia sẻ.
Nhiễm khuẩn tiết niệu là bệnh lý nhiễm trùng rất phổ biến và bất kỳ ai cũng có thể mắc. Nếu không được thăm khám và có biện pháp điều trị đúng cách, bệnh có thể ảnh hưởng tới chức năng của thận, thậm chí gây nguy cơ tử vong nếu vi khuẩn từ hệ tiết niệu xâm nhập vào máu và gây ra tình trạng nhiễm khuẩn huyết.
Bác sĩ Trang nhấn mạnh: Với những bệnh nhân có chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu nặng, đặc biệt những bệnh nhân có bệnh nền như bệnh nhân H., cần nhập viện cấp cứu để tránh biến chứng nguy hiểm.
Vi khuẩn E.coli là căn nguyên thường gặp nhất gây ra nhiễm khuẩn tiết niệu. Hiện nay, vi khuẩn này có khả năng kháng kháng sinh rất cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là tình trạng đề kháng với các kháng sinh thường được dùng để điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu theo kinh nghiệm như nhóm quinolon và cephalosporin.
Minh chứng cho tình trạng kháng kháng sinh của E.coli tại Việt Nam, bác sĩ Trang dẫn ra một tài liệu nghiên cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (01/5/2022 đến ngày 30/4/2023). Nghiên cứu này đưa ra kết luận E.coli nhạy cảm với các loại kháng sinh như: Fosfomycin (96,71%); nitrofurantoin (92,81%); nhóm carbapenem trên 90% gồm: Meropenem, imipenem, ertapenem, amikacin (81,14%) và kháng cao với các kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ III và các kháng sinh nhóm quinolone. Tỷ lệ vi khuẩn E.coli sinh ESBL (men kháng kháng sinh nhóm cephalosoprin) là 60,77%.
Khảo sát mức độ kháng kháng sinh của Escherichia coli gây nhiễm khuẩn huyết được phân lập tại bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An (01/2021 - 12/2021) Escherichia coli đề kháng Fluoroquinolon, cephalosporin với tỷ lệ khá cao (52%-68%) và đề kháng với amikacin, carbapenem với tỷ lệ thấp (4,7% 6,4%).
Xét nghiệm nuôi cấy - Tiêu chuẩn “vàng” trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi nhiễm khuẩn tiết niệu
Trong điều trị đích danh nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu, bác sĩ Trang nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn “vàng” - nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi nhiễm khuẩn tiết niệu. Đó là những vai trò đặc biệt quan trọng sau:
- Là tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán căn nguyên gây bệnh.
- Giúp phân lập vi khuẩn, định danh cụ thể tên loài vi khuẩn gây bệnh và cung cấp chủng để làm kháng sinh đồ, xác định mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với các kháng sinh.
- Ngay khi có kết quả kháng sinh đồ, cần điều chỉnh lại phác đồ điều trị, nếu thuốc đang dùng không phù hợp hoặc khi trên lâm sàng bệnh nhân kém đáp ứng.
Trường hợp của bệnh nhân H., kết quả nuôi cấy nước tiểu phân lập được Escheria coli, kết quả kháng sinh đồ đã kháng với ceftriaxone và ciprofloxacin, đây là hai thuốc đang điều trị theo phác đồ kinh nghiệm. Sau đó, bệnh nhân được đổi phác đồ điều trị kịp thời sang kháng sinh Meropenem theo kết quả kháng sinh đồ. Nhờ chiến lược thay đổi kháng sinh theo kết quả của kháng sinh đồ, sau 1 tuần điều trị các chỉ số xét nghiệm của bệnh nhân đã trở về âm tính và chấm dứt các biểu hiện bất thường trước đó.
Máy định danh nhanh và kháng sinh đồ tự động Vitek 2 compact (bên trái) với máy cấy máu (bên phải) hiện đại, tự động hoàn toàn tại Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC
Để phát huy vai trò quan trọng của xét nghiệm nuôi cấy và kháng sinh đồ trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng tiết niệu, bác sĩ lưu ý cần chỉ định sớm ngay từ đầu để điều trị kháng sinh phù hợp và kịp thời, tránh các biến chứng tại chỗ và toàn thân. Sau khi có kết quả, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Với kinh nghiệm 30 năm vận hành Hệ thống Y tế phủ rộng nhất cả nước, MEDLATEC có thế mạnh là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đa chuyên gia, đầu ngành, giàu kinh nghiệm và được trang bị đồng bộ hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại. Theo đó, người dân đến MEDLATEC hoàn toàn an tâm được chữa trị hiệu quả bệnh lý đa chuyên khoa, trong đó có bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Riêng bệnh lý đường tiết niệu, bên cạnh xét nghiệm máu thường quy, MEDLATEC đáp ứng nhanh chóng những xét nghiệm chuyên sâu như nuôi cấy nước tiểu nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu chẩn đoán, điều trị chuyên sâu của người dân.
Mọi thông tin về dịch vụ khám chữa bệnh tại MEDLATEC, người dân vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
![bác sĩ lựa chọn dịch vụ](/media/35762/file/image_2024-10-25_15-20-17.png)