Tin tức

Bác sĩ giải đáp: Bệnh đau thần kinh tọa là gì và cách phòng ngừa bệnh ra sao?

Ngày 28/02/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Những cơn đau thần kinh tọa thường kéo dài từ vùng thắt lưng qua mông và thậm chí còn lan xuống cẳng chân, bàn chân gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động của người bệnh. Khi bệnh nhân thay đổi tư thế hoặc gắng sức làm một việc gì đó thì mức độ đau có thể tăng lên. Vậy bệnh đau thần kinh tọa là gì và phải làm sao để có thể phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả nhất?

1. Bệnh đau thần kinh tọa là gì và gây ra những triệu chứng gì?

1.1. Bệnh đau thần kinh tọa là gì?

Bệnh đau thần kinh tọa là căn bệnh khá phổ biến nhưng không phải ai cũng có đầy đủ những kiến thức cơ bản về căn bệnh này. Trước hết, bạn cần hiểu rằng, tình trạng đau dây thần kinh tọa là những cơn đau lan dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa hay y khoa còn gọi là dây thần kinh hông to, từ mông lan xuống dọc theo hai chân. Tuy nhiên, trên thực tế, đau thần kinh tọa thường chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể. 

Bệnh đau thần kinh tọa thường ảnh hưởng đến một bên của cơ thể

Bệnh đau thần kinh tọa thường ảnh hưởng đến một bên của cơ thể

Phần lớn các trường hợp bị bệnh đều phải đối mặt với những cơn đau nghiêm trọng, tuy nhiên căn bệnh này không gây nguy hiểm đến tính mạng và có thể phục hồi hoàn toàn bằng một số phương pháp điều trị và không cần phẫu thuật. 

Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gây ảnh hưởng, tổn thương nghiêm trọng đến dây thần kinh, làm suy yếu hai chi dưới ảnh hưởng đến chức năng ruột, bàng quang. Với các bệnh nhân này, các bác sĩ thường chỉ định thực hiện phẫu thuật để cải thiện sức khỏe cho người bệnh. Do đó, các chuyên gia khuyên rằng, bạn không nên chủ quan mà hãy thăm khám sớm để được điều trị bệnh kịp thời, tránh làm ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng sống. 

Một số nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa có thể kể đến như: 

- Do đĩa đệm cột sống lồi ra và trực tiếp chèn lên dây thần kinh tọa khiến bạn bị đau. Đây được cho là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất. 

- Bên cạnh đó, bệnh còn có thể do một số nguyên nhân khác gây ra như tình trạng chấn thương, viêm khớp thoái hóa khiến cho dây thần kinh tọa bị kích thích hoặc bị sưng lên và gây đau, hay tình trạng viêm đĩa đệm đốt sống hoặc tổn thương thân đốt sống do một số loại vi khuẩn,… Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn là tình trạng các khối u chèn vào dây thần kinh tọa hay trường hợp chảy máu trong hoặc nhiễm trùng do một số chấn thương gây ra,…

Cơn đau thần kinh tọa ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh

Cơn đau thần kinh tọa ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ đau thần kinh tọa có thể kể đến là: 

- Độ tuổi: Những người bị đau thần kinh tọa thường ở độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi. 

- Cân nặng: Khi bạn tăng cân thì cột sống của bạn sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn và khả năng bị thoát vị địa đệm cũng cao hơn, vì thế làm tăng nguy cơ bị đau dây thần kinh tọa. Chính vì thế những trường hợp thừa cân, béo phì, phụ nữ đang mang thai chính là đối tượng có nguy cơ bị đau dây thần kinh tọa cao hơn những trường hợp khác. 

- Bệnh tiểu đường: Khi mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu cao cũng có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tổn thương đến các dây thần kinh. Do đó bệnh tiểu đường cũng được cho là có liên quan đến bệnh đau dây thần kinh tọa. 

- Do tính chất của công việc: Những người phải thường xuyên làm các công việc mang vác nặng, ngồi nhiều như nhân viên văn phòng, người lái xe cơ giới,… cũng có nguy cơ bị đau dây thần kinh tọa cao hơn những đối tượng khác. 

1.2. Triệu chứng đau dây thần kinh tọa

Khi bị đau dây thần kinh tọa, bệnh nhân sẽ có thể gặp phải một số triệu chứng sau: 

- Triệu chứng điển hình nhất của bệnh là tình trạng cơn đau lan từ vùng thắt lưng qua mông và xuống chân. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà những cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng, hoặc đau dữ dội. Khi lao động hoặc thay đổi tư thế, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhiều hơn, thậm chí một số trường hợp khi hắt hơi hoặc ho cũng gây đau. 

- Bệnh nhân có thể bị tê ngứa hoặc có cảm giác đau hay yếu một phần ở chân. 

Phương pháp vật lý trị liệu có thể cải thiện tình trạng bệnh

Phương pháp vật lý trị liệu có thể cải thiện tình trạng bệnh

Những trường hợp bị đau dây thần kinh tọa mức độ nhẹ, bệnh có thể tự phục hồi trong khoảng vài tuần. Nhưng nếu bệnh nghiêm trọng, những cơn đau ngày càng nặng hơn và kéo dài hơn thì bạn cần đi thăm khám để được điều trị sớm bằng những phương pháp thích hợp. 

2. Phải làm sao để phòng bệnh đau thần kinh tọa?

Để phòng ngừa bệnh đau thần kinh tọa, bạn nên thực hiện một số phương pháp sau:

Tập luyện là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

Tập luyện là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

- Thường xuyên tập thể dục: Vận động thường xuyên là cách tốt nhất để rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai của cơ thể và giúp bạn phòng tránh các loại bệnh tật, trong đó có bệnh đau thần kinh tọa. Hơn nữa, thường xuyên tập thể dục cũng giúp kiểm soát cân nặng, hạn chế nguy cơ bị đau thần kinh tọa do thừa cân, béo phì. 

- Trong trường hợp bạn phải ngồi nhiều do tính chất công việc thì bạn cần ngồi đúng tư thế, nên có thiết bị hỗ trợ lưng dưới tốt, đồng thời ghế nên có tay vịn và chân đế xoay. Ngoài ra bạn có thể kê một chiếc gối ở phía sau để tốt cho đường cong của lưng. Lưu ý cần giữ cho độ cao của đầu gối, hông, phù hợp với tư thế ngồi. 

 - Nếu bạn phải đứng trong một thời gian dài thì thỉnh thoảng hãy đặt một chân lên ghế hoặc một chiếc hộp nhỏ. 

- Khi phải bê vác vật nặng, bạn nên để chi dưới làm việc nhiều hơn, không nên nâng vật nặng và thay đổi tư thế cùng một lúc để tránh gặp phải chấn thương. 

Trên đây là một số thông tin giải thích cho bạn về bệnh đau thần kinh tọa là gì và cách phòng ngừa ra sao. Nếu có hiện tượng nghi ngờ bệnh, bạn có thể đến thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Đây là địa chỉ y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và hệ thống thiết bị y khoa hiện đại bậc nhất đảm bảo chẩn đoán bệnh chính xác. Hãy gọi đến Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết hơn. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.