Tin tức

Bệnh thận đái tháo đường - Tầm soát theo dõi và thay đổi điều trị

Ngày 31/03/2025
Ban biên tập
Tham vấn y khoa: BSCKI Hồ Mạnh Linh
Bệnh thận đái tháo đường là biến chứng xảy ra ở một số bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, có thể tiến triển thành suy thận nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, tầm soát, điều trị và theo dõi bệnh lý là hữu hiệu để giảm giảm tác hại của bệnh đến với sức khỏe người bệnh. Đây cũng là nội dung chính được đưa ra bàn luận và tháo gỡ trong chương trình sinh hoạt chuyên môn, do Hệ thống Y tế MEDLATEC tổ chức với chủ đề “Bệnh thận đái tháo đường - Tầm soát theo dõi và thay đổi điều trị”.

Bệnh thận - biến chứng đáng sợ của đái tháo đường 

Mở đầu chương trình sinh hoạt chuyên môn, trong khuôn khổ bài báo cáo, BSCKI. Hồ Mạnh Linh - Giám đốc chuyên môn Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Thanh Xuân, Trưởng Chuyên khoa Thận - Tiết niệu, Hệ thống Y tế MEDLATEC trình bày thông tin về những ca bệnh trong lâm sàng, từ đó cung cấp thông tin một cách thực tế, trực quan.  

Nam bệnh nhân T.L.N. (76 tuổi, Hà Nội) đến Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Thanh Xuân thăm khám với lý do nhìn mờ nhiều tháng nay. Ông N. vốn có tiền sử mắc đái tháo đường, tăng huyết áp 20 năm nay, đã phẫu thuật bắc cầu chủ vành 17 năm trước.  

Hiện bệnh nhân đang điều trị theo thuốc bảo hiểm y tế, tái khám bảo hiểm y tế thường xuyên nhưng ít được làm các cận lâm sàng đánh giá biến chứng đái tháo đường, tăng huyết áp.     

Bác sĩ chỉ định một số kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết phục vụ chẩn đoán. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số Protein niệu 2+, Microalbumin niệu dương tính, chức năng thận còn bảo tồn (CKD-EPI 82 mL/phút/1,73m2).  

Bệnh thận là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường

Bệnh thận là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường 

Chẩn đoán xác định, ông N. mắc bệnh thận đái tháo đường, tăng huyết áp trên tiền sử phẫu thuật bắc cầu chủ vành. Bệnh nhân được tư vấn hướng điều trị nhằm kiểm soát đường máu bằng thuốc tránh gây độc thận, kiểm soát huyết áp bằng thuốc bảo vệ cầu thận và kiểm soát lipid máu nhóm statin, chống ngưng tập tiểu cầu.  

Cảnh giác với biến chứng bệnh thận ở người mắc đái tháo đường 

BSCKI. Hồ Mạnh Linh cho biết, bệnh thận đái tháo đường được xếp vào nhóm biến chứng vi mạch của đái tháo đường, cùng với bệnh võng mạc và bệnh thần kinh ngoại vi. Rối loạn chuyển hóa do tăng đường máu kéo dài trong bệnh đái tháo đường dẫn đến dày màng đáy, tăng chất nền gian mạch, phì đại cầu thận và cuối cùng là xơ hóa cầu thận và giảm chức năng thận.  

Theo các thống kê, có khoảng 20-40% các người bệnh đái tháo đường sẽ gặp phải biến chứng thận, trong đó có nhiều người bệnh đái tháo đường type 2 đã có protein niệu ngay khi được phát hiện đái tháo đường, còn với người bệnh đái tháo đường type 1 thì sau 10 năm bị bệnh sẽ có khoảng 50% số người bệnh phát triển suy thận giai đoạn cuối và sau 20 năm thì con số này đã lên tới 75%. 

Số liệu thống kê cho thấy, ở các nước phát triển có đến 43,8% số ca người bệnh chạy thận là do biến chứng bệnh tiểu đường. Trong đó, tỷ lệ tử vong do suy thận giai đoạn cuối lên đến 90%, việc thay thận hay điều trị lại vô cùng tốn kém. 

Biến chứng thận do đái tháo đường ở giai đoạn đầu thường không rõ, một số trường hợp người bệnh sẽ thấy huyết áp tăng, cơ thể mệt mỏi hoặc phù nhẹ bàn chân. Phần lớn, người bệnh chỉ phát hiện sau khi xét nghiệm nước tiểu tìm vi đạm niệu (microalbumin), hoặc siêu âm bụng thấy thận to. 

Khi biến chứng thận do đái tháo đường tăng cao, có thể gây ra các triệu chứng như: 

  • Huyết áp tăng cao;
  • Nước tiểu bọt;
  • Phù mặt;
  • Phù bàn chân, cẳng chân;
  • Thường xuyên bị tụt đường huyết, buồn nôn, chán ăn. 


Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh thận đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh thận đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe 

Từ đây, chuyên gia khẳng định việc phát hiện sớm biến chứng thận ở người bệnh tiểu đường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp ngăn chặn những vấn đề nặng nề mà nó gây ra cho sức khỏe người bệnh. 

Những lưu ý trong tầm soát, chẩn đoán bệnh thận đái tháo đường  

Nội dung quan trọng tiếp theo được bác sĩ nhấn mạnh đó là quá trình tầm soát và chẩn đoán bệnh thận đái tháo đường. Cụ thể, để chẩn đoán xác định, cần có các yếu tố dưới đây:  

  • Bối cảnh bệnh cầu thận xuất hiện trên nền bệnh nhân đái tháo đường; 
  • Albumin niệu >= 30mg/g được khẳng định bởi ít nhất 2 lần xét nghiệm trong khoảng thời gian 3-6 tháng và/hoặc: 
  • Giảm eGFR < 60ml/ phút/ 1,73m2 mà không có nguyên nhân nguyên phát khác của tổn thương thận; 
  • Kết quả mô bệnh học phù hợp.  

Bên cạnh đó, bác sĩ Linh nhấn mạnh, cần chẩn đoán phân biệt bệnh thận đái tháo đường với các tổn thương thận nguyên phát khác như bệnh cầu thận nguyên phát, bệnh hệ thống, hẹp động mạch thận… Quá trình này chủ yếu dựa vào kết quả xét nghiệm mô bệnh học, chỉ định sinh thiết bao gồm:  

  • Protein niệu ở mức thận hư hoặc suy thận không kèm theo bệnh võng mạc đái tháo đường; 
  • Protein niệu ở mức thận hư hoặc suy thận ở đái tháo đường dưới 5 năm; 
  • Protein niệu ở mức thận hư kèm chức năng thận bình thường;
  • Cặn lắng nước tiểu hoạt động (đái máu, bạch cầu, trụ hạt); 
  • Suy thận tiến triển nhanh ở bệnh nhân trước đó có chức năng thận bình thường; 
  • Có triệu chứng của bệnh hệ thống.   

BSCKI Hồ Mạnh Linh chỉ ra những điểm quan trọng cần lưu ý trong quá trình tầm soát, chẩn đoán bệnh thận đái tháo đường

BSCKI Hồ Mạnh Linh chỉ ra những điểm quan trọng cần lưu ý trong quá trình tầm soát, chẩn đoán bệnh thận đái tháo đường

Các hiệp hội đưa ra khuyến cáo, bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 trên 5 năm và tất cả các bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 cần thực hiện đánh giá albumin niệu (dùng A/C nước tiểu bất kỳ và eGFR ít nhất 1 lần/ năm. Ngoài ra, đối với bệnh nhân có A/C >30 mg/g hoặc eGFR < 60ml/phút/1,73 m2 được theo dõi lại ít nhất 2 lần/ năm.  

Như vậy, qua bài báo cáo, BSCKI. Hồ Mạnh Linh đã mang đến những kiến thức chuyên môn cập nhật, chuyên sâu về bệnh thận đái tháo đường tới toàn thể đội ngũ y bác sĩ tham dự. Chương trình sinh hoạt chuyên môn diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến tham luận đến từ đội ngũ chuyên gia và các bác sĩ trên toàn hệ thống từ nhiều lĩnh vực liên quan như chẩn đoán hình ảnh, khám bệnh, xét nghiệm… Đặc biệt, với sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Minh Núi - Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội tiết, Học viện Quân Y - Chủ nhiệm khoa Nội tiết, Bệnh viện Quân y 103, chuyên gia Thận tiết niệu - Nội tiết của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các băn khoăn, thắc mắc của y bác sĩ đã được giải đáp một cách chi tiết.   

Có thể thấy, bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng tiểu đường nguy hiểm có thể dẫn tới xơ hóa thận, suy thận khiến người bệnh buộc phải điều trị bằng cách chạy thận hoặc ghép thận. Thậm chí suy thận giai đoạn cuối còn có thể ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh. Điều trị đúng cách có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh thận ở người đái tháo đường, do đó những mắc bệnh đái tháo đường nên thực hiện sớm các biện pháp để ngăn ngừa tình trạng này. 

Người dân có nhu cầu tư vấn, thăm khám các tình trạng bệnh lý có liên quan, vui lòng liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ đặt lịch kịp thời.  

Bình luận (0)

Đăng ký để bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ