Tin tức
Bị chấn thương phần mềm bao lâu thì khỏi? Cách xử trí để vết thương nhanh lành
- 03/05/2021 | Siêu âm phần mềm là gì và những câu hỏi thường gặp về siêu âm
- 15/06/2022 | Chụp cộng hưởng từ phần mềm chi có tác dụng gì?
- 23/07/2025 | Chấn thương đốt sống cổ: Nhận diện và xử trí đúng cách
1. Chấn thương phần mềm là gì?
Chấn thương phần mềm là tổn thương xảy ra ở các mô mềm như cơ, gân, dây chằng, da và mô dưới da mà không làm ảnh hưởng đến xương. Những tổn thương này thường xuất hiện khi có tác động cơ học mạnh như té ngã, va đập, chấn động hoặc chơi thể thao quá sức.
Chấn thương phần mềm thường làm xuất hiện các dấu hiệu:
- Sưng, bầm tím vùng da bị chấn thương.
- Đau nhức, tăng cảm giác đau khi vận động hoặc ấn vào.
- Khả năng vận động vùng bị tổn thương bị suy giảm.
- Nóng hoặc chảy máu ở vùng bị chấn thương.
Có thể chia chấn thương phần mềm thành các loại chính như:
- Bong gân: Giãn hoặc rách dây chằng do vận động sai tư thế.
- Căng cơ: Cơ bị kéo giãn hoặc rách nhẹ.
- Bầm tím, tụ máu: Mao mạch bị vỡ khiến máu rò rỉ dưới da gây sưng tím.
- Tụ dịch: Dịch tích tụ ở các khớp hoặc mô mềm sau chấn thương.
- Đụng dập mô mềm: Tổn thương do tác động mạnh nhưng không làm gãy xương.
- Trầy xước da: Lớp biểu bì bị tổn thương do va chạm.
Chấn thương mô mềm đầu gối do va đập trong quá trình lao động
2. Chấn thương phần mềm bao lâu thì khỏi? Dấu hiệu cho thấy chấn thương đang hồi phục
2.1. Chấn thương phần mềm bao lâu mới khỏi?
Chấn thương phần mềm bao lâu thì khỏi thường phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Mức độ tổn thương:
- Chấn thương nhẹ (bầm tím, trầy xước): Thường hồi phục trong 3 - 7 ngày nếu được chăm sóc đúng cách.
- Bong gân, căng cơ mức độ nhẹ: Cần khoảng 1 - 2 tuần mới phục hồi hoàn toàn.
- Bong gân hoặc căng cơ nặng: Có thể mất 3 - 6 tuần, thậm chí lâu hơn nếu không được nghỉ ngơi hợp lý.
- Đụng dập mô mềm nghiêm trọng: Có thể kéo dài vài tháng, nhất là những trường hợp có tụ máu nghiêm trọng hoặc viêm nhiễm.
- Vị trí tổn thương:
Chấn thương xảy ra tại vùng vận động nhiều như cổ tay, mắt cá chân, khớp gối sẽ lâu khỏi hơn so với những vùng ít vận động.
- Cách xử lý ban đầu:
Nếu xử lý ban đầu thực hiện sai phương pháp, thời gian phục hồi chấn thương sẽ kéo dài, thậm chí có thể gây biến chứng.
- Tình trạng sức khỏe người bệnh:
Người có sức đề kháng tốt, thể lực ổn định sẽ hồi phục nhanh hơn so với người đang trong thời gian điều trị bệnh hoặc có bệnh lý nền như tiểu đường, loãng xương,...
Nhìn chung, không có một con số chính xác để trả lời câu hỏi “chấn thương phần mềm bao lâu thì khỏi”. Có những chấn thương sẽ tự khỏi sau vài ngày nhưng cũng có những chấn thương cần tới vài tháng mới hồi phục hoàn toàn.
Chấn thương phần mềm bao lâu thì khỏi phụ thuộc nhiều vào cách xử trí ngay khi bị chấn thương
2.2. Dấu hiệu cho thấy chấn thương đang hồi phục
Chấn thương phần mềm nếu phục hồi tốt thường có dấu hiệu:
- Giảm sưng và bầm tím.
- Cảm giác đau giảm dần.
- Phạm vi vận động được cải thiện.
- Không còn cảm giác nóng hay tê bì ở vùng chấn thương.
3. Cách xử trí chấn thương phần mềm an toàn tại nhà
Bên cạnh vấn đề “chấn thương phần mềm bao lâu thì khỏi”, người bệnh cũng cần lưu tâm đến cách xử trí đúng với chấn thương phần mềm để tránh gặp phải biến chứng như co rút cơ, cứng khớp, sẹo xơ gây hạn chế vận động, viêm khớp, hoại tử mô mềm,...
Cách xử trí đúng với chấn thương phần mềm như sau:
3.1. Áp dụng quy tắc R.I.C.E trong 48 giờ đầu
Đây là phương pháp sơ cứu cơ bản và hiệu quả đối với hầu hết các chấn thương phần mềm nhẹ. Quy tắc này được thực hiện trong 48 giờ đầu, tốt nhất là ngay sau khi bị chấn thương, với các bước như sau:
- Rest (Nghỉ ngơi): Ngừng vận động phần cơ thể bị tổn thương ngay lập tức. Tránh đi lại, mang vác hoặc cử động mạnh khiến chấn thương thêm trầm trọng.
- Ice (Chườm lạnh): Chườm đá lên vùng bị thương trong 15 phút/lần, lặp lại với khoảng cách 2 - 3 giờ/lần. Đây là cách làm co mạch máu, giảm sưng và đau hiệu. Lưu ý không dùng đá đặt trực tiếp lên da mà cần cho đá vào trong túi hoặc khăn vải để chườm.
- Compression (Băng ép nhẹ): Dùng băng thun quấn quanh khu vực tổn thương để hạn chế sưng nề. Không quấn quá chặt để tránh làm cản trở quá trình lưu thông máu.
- Elevation (Kê cao chỗ đau): Kê phần bị thương cao hơn tim để giảm lượng máu dồn về vị trí tổn thương, từ đó hạn chế sưng và giúp máu lưu thông tốt hơn.
3.2. Chườm ấm, có thể dùng thuốc giảm đau
Sau 48 giờ, khi tình trạng sưng đau đã giảm, hãy chuyển sang chườm ấm để tăng tuần hoàn máu, thúc đẩy mô lành nhanh hơn.
Nếu chấn thương phần mềm gây đau dữ dội thì có thể dùng thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Ibuprofen. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý dùng thuốc kháng viêm với trường hợp bị tụ máu vì việc làm này có thể làm chậm quá trình đông máu.
Chườm ấm giúp thúc đẩy tốc độ phục hồi chấn thương
4. Chấn thương phần mềm khi nào cần can thiệp y khoa?
Bạn nên đến cơ sở y tế khi:
- Đã xử trí tại nhà đúng cách nhưng không cải thiện tình trạng sưng đau sau 3 - 5 ngày.
- Có dấu hiệu rạn xương hoặc gãy xương như đau dữ dội, biến dạng chi.
- Vết thương có biểu hiện nhiễm trùng hoặc không lành sau 1 tuần.
- Chấn thương ở người già, trẻ em hoặc người có bệnh lý nền
Sau khi thăm khám, thực hiện những phương pháp chẩn đoán cần thiết, bác sĩ sẽ cho người bệnh biết chấn thương phần mềm bao lâu thì khỏi và chỉ định phương án điều trị phù hợp:
- Dùng thuốc: Các loại thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc chống phù nề,... sẽ được bác sĩ cân nhắc cho những trường hợp cần thiết.
- Nẹp cố định hoặc bó bột: Nếu tổn thương dây chằng, căng cơ hoặc bong gân nghiêm trọng, bác sĩ có thể nẹp cố định vùng bị tổn thương để hạn chế di chuyển, giúp mô tổn thương được nghỉ ngơi và phục hồi nhanh hơn. Nếu chấn thương có kèm tổn thương xương hoặc cần bất động vùng tổn thương trong thời gian dài, bác sĩ có thể chỉ định bó bột.
- Tập vật lý trị liệu: Cần thực hiện với chấn thương lâu hồi phục hoặc có nguy cơ cứng khớp, co rút cơ.
Thời gian phục hồi chấn thương phần mềm thường kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, thậm chí vài tháng tùy mức độ tổn thương, cơ địa và cách xử trí với tổn thương của người bệnh. Hiểu rõ “chấn thương phần mềm bao lâu thì khỏi” sẽ giúp người bệnh tránh nôn nóng, bình tĩnh để xử trí đúng cách, tránh biến chứng lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động.
Nếu bị chấn thương phần mềm và lúng túng, chưa biết cách xử trí, quý khách hàng có thể liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ sơ cứu hoặc đặt lịch khám nhanh chóng cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
