Tin tức

Bị chảy máu cổ họng, cảnh giác với những vấn đề sau

Ngày 01/11/2022
Chảy máu cổ họng là hiện tượng máu chảy từ vùng hầu họng, thanh quản, vòm,... do các tổn thương tại vùng này gây ra hoặc máu từ nơi khác đổ về cổ họng. Đây là tình trạng hay đi kèm với một số biểu hiện khác, do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó có những vấn đề không thể chủ quan bởi nó có thể cảnh báo bất thường về sức khỏe cần được điều trị sớm.

1. Nguyên nhân gây nên hiện tượng có máu trong cổ họng là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho cổ họng bị chảy máu trong đó có những lí do đơn giản không đáng lo ngại nhưng có những vấn đề bệnh lý nguy hiểm cho sức khỏe cần được phát hiện để điều trị ngay:

1.1. Cổ họng hoặc miệng bị tổn thương

Nhai, cắn, nuốt,... vật gì sắc nhọn hay có sự va đập mạnh vào cổ họng, vùng miệng khiến cho nơi này bị thương là một trong các lý do gây nên hiện tượng chảy máu cổ họng. Ngoài ra, tình trạng nấm họng, lao hầu họng, loét họng, hoặc ho quá mạnh, quá nhiều,... cũng có thể gây ra tình trạng chảy máu cổ họng.

Chảy máu chân răng có thể khiến nhiều người nhầm tưởng bị chảy máu cổ họng

Chảy máu chân răng có thể khiến nhiều người nhầm tưởng bị chảy máu cổ họng

1.2. Máu từ nơi khác chảy/khạc/nôn về vùng hầu họng

Thuật ngữ chảy máu cổ họng ở đây không chỉ nói đến tình trạng chảy máu tại vùng hầu họng mà còn hướng đến hiện tượng máu từ nơi khác chảy/khạc về vùng họng. Xét về phương diện thứ 2 thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:

- Khạc máu từ phổi lên do lao phổi, giãn phế quản, viêm phổi, viêm phế quản, phù phổi cấp, tắc động mạch phổi,... Cụ thể với một số bệnh như sau:

+ Lao phổi: đây là bệnh gây ra bởi vi khuẩn lao, khiến người bệnh ho và khạc ra máu trong họng, sốt nhẹ, ra nhiều mồ hôi, khó thở, uể oải, mệt mỏi,...

+ Giãn phế quản: Sự căng giãn của phế quản khiến các mạch máu tại đây thoát hồng cầu vào lòng phế quản, các dịch tiết đường hô hấp cũng dồn ứ tại đây và sẽ được ho ra ngoài. Vì vậy, ho ra máu ở người giãn phế quản có thể là ho ra máu tươi, hoặc máu cục hay cả hai, kèm theo nhiều đờm nhầy. Đôi khi bệnh nhân có thể ho ra máu sét đánh rất nguy hiểm.

+ Viêm phổi: phổi bị viêm và nhiễm trùng có thể khiến tổn thương các mạch máu nhỏ tại phế quản sẽ gây ra hiện tượng ho ra máu trong cổ họng hoặc đờm màu xanh, màu vàng, thở nhanh, khó thở, ớn lạnh, sốt, đau ngực,...

+ Viêm phế quản: do phế quản đảm nhận vai trò là ống dẫn không khí vào trong phổi nên khi lớp tế bào phủ mặt trong lòng ống phế quản bị tổn thương và xảy ra tình trạng phù nề tổ chức dưới niêm mạc thì người bệnh có thể bị chảy máu cổ họng với biểu hiện ho ra đờm kèm máu.

- Nôn ra máu do xuất huyết tiêu hóa trên

Bị xuất huyết tiêu hóa trên tức là có hiện tượng chảy máu từ mạch máu vào lòng ống tiêu hóa từ góc Treitz lên trên. Bệnh nhân mắc bệnh lý này thường có dấu hiệu nôn ra máu, đại tiện phân đen. Trường hợp vừa mới bị chảy máu thì sẽ nôn ra máu tươi. Ngoài ra người bệnh còn đại tiện phân đen, có các dấu hiệu mất máu cấp như: da xanh, chóng mặt, giảm huyết áp, tiểu ít, chân tay lạnh,... thậm chí có người bị sốc do mất máu.

- Chảy máu từ các hốc xoang mũi

Nhiều trường hợp bị viêm xoang ra máu gây nên tình trạng tích dịch và ngạt mũi, máu từ các hốc xoang mũi chảy xuống cổ họng khiến người bệnh dễ phải khạc đờm và trong đờm thường có lẫn máu.

- Chảy máu chân răng chảy vào hầu họng

Chảy máu chân răng vì một nguyên nhân nào đó khiến cho mạch máu bị vỡ ra, máu có thể chảy xuống vùng hầu họng nên khi khạc, nhổ, súc miệng, người bệnh dễ thấy có lẫn máu.

Bệnh viêm amidan có thể gây nên tình trạng sưng, chảy máu trong cổ họng

Bệnh viêm amidan có thể gây nên tình trạng sưng, chảy máu trong cổ họng

- Viêm amidan: một số ít trường hợp bị viêm amidan có thể xuất hiện tình trạng đau và chảy máu cổ họng. Người mới phẫu thuật cắt amidan cũng dễ có nguy cơ bị chảy máu cổ họng hoặc khạc ra máu khi súc miệng mỗi sáng.

1.4. Dùng thuốc chống đông máu

Khi bệnh nhân cần sử dụng một số thuốc chống đông máu có thể gây ra một số biến chứng do rối loạn đông máu như: xuất huyết tiêu hóa, chảy máu chân răng, chảy máu cam hoặc chảy máu cổ họng,... nguy hiểm nhất là xuất huyết não.

1.5. Mắc một số bệnh lý

Một số bệnh lý có dấu hiệu đặc trưng là ho, chảy máu trong cổ họng, khạc ra máu khi súc miệng, như:

- Ung thư phổi: điển hình của bệnh lý này là triệu chứng đau ngực, khó thở, ho kéo dài, ho ra máu hoặc bị khạc ra đờm lẫn máu, mệt mỏi,...

- Hẹp van hai lá của tim: bệnh nhân dễ bị chóng mặt, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh, chảy máu cổ họng, ho ra máu,...

- Phù phổi: đây là một cấp cứu y tế liên quan đến các vấn đề về tim do phổi tích tụ nhiều chất lỏng dư thừa. Người bị phù phổi thường có triệu chứng khó thở, sùi bọt kèm theo máu, tim đập nhanh,...

Người thường xuyên bị chảy máu cổ họng nên đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân

Người thường xuyên bị chảy máu cổ họng nên đi khám sớm để tìm ra nguyên nhân

- Thuyên tắc động mạch phổi: chủ yếu do sự xuất hiện của cục máu đông bên trong phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở, đau ngực, ho ra máu, cổ họng bị chảy máu hoặc khạc ra chất nhầy có lẫn máu.

2. Bị chảy máu cổ họng nên làm gì?

Từ những nguyên nhân gây chảy máu cổ họng trên đây có thể thấy không nên chủ quan với hiện tượng này. Do đó, ngay khi bị chảy máu ở cổ họng tốt nhất cần theo dõi các dấu hiệu đi kèm. Nếu phát hiện thấy có các dấu hiệu sau nên đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị sớm:

- Bỗng nhiên cân nặng giảm sút mà không rõ căn nguyên.

- Ăn kém, ăn không có cảm giác ngon miệng.

- Trong nước tiểu hoặc phân có lẫn máu.

- Ho ra máu với lượng trên 1 thìa cà phê.

- Trong máu có lẫn mảnh vụn thức ăn và máu có màu sẫm.

- Choáng váng, khó thở, đau tức ngực.

Về cơ bản, nếu chỉ chảy máu cổ họng với lượng nhỏ, không tái diễn nhiều lần thì không đáng lo nhưng với những người có tiền sử bệnh hô hấp, hút nhiều thuốc lá, lượng máu chảy ra nhiều hoặc thường xuyên lặp lại thì không thể bỏ qua việc thăm khám.

Mong rằng những chia sẻ trên đây có thể giúp quý khách hàng thận trọng hơn với hiện tượng chảy máu cổ họng. Nếu đang gặp phải tình trạng này, quý khách có thể gọi đến số điện thoại 1900 56 56 56 để được tư vấn hoặc đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC kiểm tra sức khỏe cùng bác sĩ chuyên khoa. Đây chính là cách để quý khách chủ động bảo vệ mình trước những yếu tố nguy hại cho sức khỏe.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ