Tin tức

Bị HP dạ dày có chữa khỏi được không và những cách chữa bệnh phổ biến

Ngày 16/02/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lưu Tuấn Thành
Nhiễm khuẩn HP dạ dày có thể lây lan và gây biến chứng nghiêm trọng. Do đó, người bệnh không nên chủ quan với bệnh mà cần điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Vậy bị HP dạ dày có chữa khỏi được không và chữa bằng những phương pháp nào?

1. Người bị HP dạ dày có triệu chứng gì?

Vi khuẩn HP (helicobacter pylori) có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống. Khi mới xâm nhập vào đường tiêu hóa, HP chỉ âm thầm tấn công niêm mạc dạ dày mà không hề gây ra bất cứ biểu hiện bất thường nào. Sau một thời gian, những tổn thương trong dạ dày ngày càng nghiêm trọng và người bị dạ dày có thể gặp phải một số triệu chứng sau: 

- Đau hoặc nóng rát bụng, thường xảy ra khi bị đói. 

- Buồn nôn.

- Chán ăn. 

- Sụt cân. 

- Đi ngoài phân đen. 

Đau bụng có thể do bạn đang bị HP dạ dày

Đau bụng có thể do bạn đang bị dạ dày 

Nhiễm khuẩn HP dạ dày không phải là vấn đề quá phức tạp nhưng lại có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu người bệnh không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Cụ thể loại vi khuẩn này có thể gây viêm loét dạ dày, viêm dạ dày cấp và mạn tính, xuất huyết dạ dày và đáng lo ngại nhất là có thể gây ung thư dạ dày. 

2. Bị HP dạ dày có chữa khỏi được không?

Người bị HP dạ dày có thể được chữa khỏi bệnh nếu áp dụng đúng cách. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vi khuẩn này có thể tái xuất hiện dưới 2 dạng như sau: 

- Tái nhiễm: Người bệnh đã được điều trị khỏi hoàn toàn nhưng sau đó lại nhiễm những vi khuẩn HP mới do chế độ ăn uống và sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh hoặc do lây nhiễm từ người khác,...

- Tái phát: Một số trường hợp đã dùng thuốc điều trị bệnh và nhờ đó, lượng vi khuẩn HP giảm thấp đến mức các phương pháp chẩn đoán không thể phát hiện bệnh. Tuy nhiên, sau một thời gian, loại vi khuẩn này có thể nhân lên và tiếp tục tấn công niêm mạc dạ dày của người bệnh. 

3. Chẩn đoán bị HP dạ dày bằng cách nào?

Để kiểm tra người bệnh có bị HP dạ dày hay không, các bác sĩ thường áp dụng một số phương pháp chẩn đoán bệnh như sau: 

- Xét nghiệm phân: Loại vi khuẩn này có thể được đào thải qua phân. Do đó, thực hiện phân tích mẫu bệnh phẩm này có thể giúp bạn sĩ chẩn đoán chính xác vi khuẩn HP có đang tồn tại trong dạ dày của bệnh nhân hay không.

- Test thở: Phương pháp này có thể áp dụng cho những người bệnh từ 6 tuổi trở lên. Ưu điểm của nó là an toàn vì không gây xâm lấn lại có thể giúp chẩn đoán bệnh chính xác và nhanh chóng. 

Người bệnh sẽ được uống dung dịch urê có gắn nguyên tử cacbon đồng vị C13. Sau 15 đến 30 phút, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra hơi thở của người bệnh để đo nồng độ carbon và chẩn đoán sự có mặt và nồng độ HP trong cơ thể.

- Urease test qua nội soi: Là cách dùng một ống nội soi có gắn camera đưa qua cổ họng và thực quản đến dạ dày. Với phương pháp này, bác sĩ có thể quan sát được hình ảnh dạ dày và những bất thường tại đây. Đồng thời, bác sĩ có thể lấy mẫu mô dạ dày để xét nghiệm tìm vi khuẩn HP hoặc dùng để nuôi cấy vi khuẩn, làm kháng sinh đồ. Đây là phương pháp rất hiệu quả để tìm ra loại thuốc kháng sinh phù hợp với người bệnh. 

Nội soi dạ dày để chẩn đoán bệnh

Nội soi dạ dày để chẩn đoán bệnh

- Một số phương pháp chẩn đoán khác có thể được bác sĩ chỉ định như chụp X – quang dạ dày thực quản, xét nghiệm máu, sinh thiết,...

4. Điều trị HP dạ dày bằng cách nào?

Nếu bị HP dạ dày, bạn sẽ không thể tự khỏi bệnh. Những phương pháp điều trị tại nhà chỉ giúp bạn giảm triệu chứng và chỉ có tác dụng nhất thời. Người bệnh cần được thăm khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ và duy trì lối sống khoa học để giảm nguy cơ tái phát bệnh. Cụ thể là: 

4.1. Điều trị bằng thuốc

Để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, các bác sĩ thường chỉ định kết hợp ít nhất hai loại kháng sinh khác nhau cùng một lúc, chẳng hạn như thuốc ức chế bơm proton để giảm sản xuất axit trong dạ dày, thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn. 

Người bệnh cần lưu ý dùng thuốc theo đơn

Người bệnh cần lưu ý dùng thuốc theo đơn

Sau khoảng 2 tuần điều trị, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm lại để đánh giá hiệu quả điều trị. Trường hợp vẫn tồn tại khuẩn HP trong dạ dày, bệnh nhân cần tiếp tục điều trị bệnh đợt tiếp theo. Thông thường, bác sĩ sẽ điều chỉnh lại phác đồ và kết hợp thêm ít nhất một loại thuốc kháng sinh khác. Tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ có thể gây kháng thuốc, khiến việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều. 

4.2. Một số phương pháp điều trị bệnh tại nhà

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần điều chỉnh lối sống để tăng hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ tái phát bệnh. Cụ thể, bệnh nhân cần thực hiện những lưu ý sau: 

- Nghỉ ngơi đầy đủ. 

- Ngủ đủ giấc. 

- Suy nghĩ tích cực và kiểm soát căng thẳng hiệu quả. 

- Không nên uống bia rượu, hạn chế uống cà phê và các chất kích thích khác

- Hạn chế tiêu thụ những đồ ăn chua, cay, nhiều mỡ và không nên ăn khi món ăn còn quá nóng.

- Người bị HP dạ dày cũng nên thường xuyên tập thể dục để để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể thải độc tốt hơn và sớm loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn HP trong cơ thể. 

- Đặc biệt, người bệnh cũng cần kiểm tra sức khỏe đường tiêu hóa thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử trí những bất thường. 

Như vậy, bị HP dạ dày có thể chữa khỏi nếu bạn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Nếu chủ quan để bệnh lâu ngày, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm. 

Để được đặt lịch thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa của Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56, đội ngũ tư vấn viên của chúng tôi sẽ hướng dẫn và tư vấn cụ thể cho bạn. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ