Tin tức

Bị nổi mụn nước trong miệng là do đâu, xử lý thế nào

Ngày 01/07/2023
Lương Thanh Thủy
Nổi mụn nước trong miệng thông thường là do nhiệt miệng nhưng vẫn có không ít trường hợp là do bệnh lý khác gây ra. Đặc biệt, có những bệnh như ung thư khoang miệng, nếu không được phát hiện để điều trị có thể khiến tính mạng người bệnh bị đe dọa. Tìm hiểu được nguyên nhân nổi mụn nước trong miệng sẽ giúp bạn biết cách xử lý an toàn để tránh được những biến chứng xấu cho sức khỏe.

1. Tại sao có mụn nước trong miệng?

Mụn nước trong miệng là dạng tổn thương sưng phồng có kích thước nhỏ, bên trong chứa chất lỏng, có thể xuất hiện đơn độc nhưng cũng có thể kèm theo các triệu chứng: sốt, nổi hạch ở hàm, họng đau rát, có mùi hôi trong miệng,...

Thông thường, virus, vi khuẩn, hệ miễn dịch, vấn đề ở miệng,... chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Cụ thể, nguyên nhân khiến mụn nước trong miệng hình thành thường là do:

1.1. Nhiệt miệng

Đây là một dạng viêm nhiễm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ dinh dưỡng trong thức, chưa xác định được nguyên nhân. Hầu như ai cũng bị nhiệt miệng ít nhất một lần trong đời và thường do nóng trong gây nên.

Khi bị nhiệt miệng thường nổi mụn nước trong miệng gây nên vết loét có nền trắng hoặc vàng, đau nhức

Khi bị nhiệt miệng thường nổi mụn nước trong miệng gây nên vết loét có nền trắng hoặc vàng, đau nhức

Ngoài ra, nhiệt miệng cũng có thể xuất phát từ stress lâu ngày, rối loạn nội tiết, viêm nha chu, niêm mạc miệng bị chấn thương,... Nốt nhiệt miệng ban đầu có dạng mụn nước sau đó bị vỡ ra. Tại vị trí mụn nước vỡ ra sẽ hình thành các vết loét màu vàng hoặc trắng gây đau rát khó chịu.

Nốt nhiệt miệng có thể xuất hiện ở lưỡi, nướu, môi trong, má trong,... nếu không được chăm sóc đúng sẽ dễ bị viêm nhiễm cấp tính gây sốt cao, đau nhức, hạch nổi phía góc hàm,...

1.2. Mụn rộp sinh dục

Bệnh do virus herpes gây nên, lây nhiễm qua các con đường sinh hoạt tình dục hoặc dùng chung vật dụng của người bệnh. Mụn nước trong miệng có thể là triệu chứng khởi phát, thường có màu hồng và ngày càng lan rộng, chủ yếu khu trú ở lưỡi, môi, nướu, vòm miệng,...

Bên trong mụn nước của bệnh herpes sẽ có rất nhiều chất lỏng chứa virus, khi vỡ ra chúng sẽ tạo thành vết loét đau nhức rồi đóng vảy trong 7 - 10 ngày. Khi đã kết thúc đợt cấp tính, virus vẫn tồn tại trong cơ thể, khi hệ miễn dịch suy yếu nó sẽ tái hoạt động.

1.3. Bệnh bạch sản niêm mạc

Bệnh lý này là kết quả của sự tăng sinh quá mức mô tế bào trong khoang miệng. Mô này tạo nên mụn nước màu trắng, lan rộng nhanh và tạo thành vết viêm loét. Bệnh tuy không nghiêm trọng nhưng nếu không điều trị có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cản trở quá trình ăn uống của người bệnh.

1.4. Bệnh sởi

Bệnh sởi cũng có thể gây ra mụn nước trong miệng, các nốt mụn này gọi là Koplik. Người bị sởi ngoài có mụn nước bên trong miệng thì còn bị chảy nước mũi, sốt, ho khan,...

Người bị sởi có các nốt mụn nước trong miệng gọi là nốt Koplik

Người bị sởi có các nốt mụn nước trong miệng gọi là nốt Koplik

1.5. Bệnh tay chân miệng

Khi bị tay chân miệng thì niêm mạc miệng thường xuất hiện nốt mụn nước ở mặt bên lưỡi, bên trong má, nướu,... Bệnh thường do virus Coxsackievirus và Enterovirus gây nên.

Nốt mụn nước do virus chân tay miệng gây ra không chỉ có ở miệng mà còn có ở lòng bàn chân bàn tay, đầu gối, mông, ấn vào không đau nhưng khi vỡ ra chúng sẽ gây lở loét rất đau đớn.

Đại đa số trường hợp mắc chân tay miệng có thể tự khỏi. Nếu bị chủng enterovirus 71 thì cần thận trọng bởi có thể biến chứng viêm cơ tim, viêm não, viêm màng não,...

1.6. Bệnh thủy đậu

Khi bị thủy đậu người bệnh cũng có thể bị mọc mụn nước trong miệng. Điều này khiến việc ăn uống của họ gặp khó khăn, bất tiện trong giao tiếp. Trong thời gian bị thủy đậu, nếu việc chăm sóc da không được thực hiện tốt có thể biến chứng bội nhiễm nguy hiểm đến sức khỏe.

1.7. Ung thư khoang miệng

Mặc dù rất hiếm khi xảy ra nhưng khi có mụn nước trong miệng thì vẫn không nên chủ quan trước bệnh ung thư khoang miệng. Ở bệnh lý này, người bệnh còn có triệu chứng: nổi bọng nước màu trắng ở niêm mạc má, lợi, hàm; nếu mụn bị tổn thương thường khó hồi phục, nổi cục cứng bên dưới niêm mạc với kích thước ngày càng tăng, đau tai, khó nuốt, hạch cổ nổi lên,...

2. Xử trí như thế nào với mụn nước trong miệng?

Về cơ bản, hầu hết các trường hợp bị mụn nước trong miệng là do nhiệt miệng, có tính chất tạm thời và không nguy hại. Tuy nhiên, nếu là người không có chuyên môn thì không thể xác định được mụn nước trong miệng có phải xuất phát từ bệnh lý nào hay không.

Nổi mụn nước trong miệng trên 15 ngày không khỏi nên khám bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân

Nổi mụn nước trong miệng trên 15 ngày không khỏi nên khám bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân

Vì thế, tuyệt đối không nên tự điều trị mụn nước trong miệng bằng các phương pháp chưa được kiểm chứng, nếu thấy mụn nước mọc nhiều, tăng dần về kích thước, gây đau nhức, niêm mạc sần sùi, trong mụn nước có mủ,... thì nên đến bác sĩ răng hàm mặt thăm khám để biết chính xác về tình trạng của mình. Ngoài ra, nếu mụn nước tồn tại quá 15 ngày thì cũng không nên chủ quan mà cần khám bác sĩ chuyên khoa.

Sau khi thực hiện thao tác thăm khám ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định làm kiểm tra chẩn đoán cận lâm sàng để xác định được mụn nước trong miệng nguyên nhân do đâu. Thậm chí nếu nghi ngờ bệnh nguy hiểm gây mụn nước trong miệng, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết để chẩn đoán đúng.

Với các trường hợp bị mụn nước trong miệng do nhiệt miệng, bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ ăn uống, cách chăm sóc răng miệng khoa học để tình trạng này sớm chấm dứt. Với trường hợp nổi mụn nước trong miệng do nguyên nhân bệnh lý thì bác sĩ sẽ căn cứ trên chẩn đoán cận lâm sàng để áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.

Không nên chủ quan, xem thường mụn nước trong miệng mà cần tìm sự hỗ trợ từ bác sĩ, đây mới là cách để có được giải pháp chấm dứt mụn nước trong miệng an toàn, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe.

Nếu vẫn còn thắc mắc về hiện tượng mọc mụn nước trong miệng, quý khách hàng có thể gọi ngay tổng đài 1900 56 56 56, chia sẻ về vấn đề mình quan tâm để nhận được những thông tin trả lời cụ thể, chính xác từ tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Ngoài ra, quý khách cũng có thể thông qua tổng đài này để đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Da liễu của Bệnh viện.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ