Tin tức

Bụng lõm lòng thuyền: Triệu chứng cảnh báo hẹp môn vị và phương pháp chẩn đoán

Ngày 24/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lưu Tuấn Thành
Bụng lõm lòng thuyền là một trong các triệu chứng của bệnh hẹp môn vị. Hiện tượng này sẽ được bác sĩ phát hiện nhanh chóng trong quá trình thăm khám lâm sàng. Cụ thể, sự thay đổi bất thường ở bụng này có mối liên hệ như thế nào với bệnh hẹp môn vị và chẩn đoán bệnh bằng cách nào, bạn có thể tham khảo thông trong bài viết sau.

1. Mối quan hệ giữa bụng lõm lòng thuyền và bệnh hẹp môn vị

1.1. Hiện tượng bụng lõm lòng thuyền là như thế nào?

Bụng lõm lòng thuyền là một triệu chứng, không phải thuật ngữ chỉ bệnh lý. Hiện tượng này xuất hiện khi dạ dày bị căng quá mức do sự tích tụ thức ăn, gây ra co thắt và biến dạng vùng bụng. Hiện tượng này khiến cho người bệnh khi nằm xuống bụng sẽ lõm vào như chiếc thuyền, nhất là ở vùng giữa bụng.

1.2. Mối quan hệ giữa hiện tượng bụng lõm lòng thuyền và hẹp môn vị

Trong bệnh hẹp môn vị, sự thu hẹp của lỗ môn vị khiến thức ăn không thể di chuyển xuống tá tràng như bình thường. Vì thế, thức ăn tích tụ lại trong dạ dày, gây áp lực lớn lên thành bụng từ đó sinh ra triệu chứng bụng lõm lòng thuyền. 

Ở bệnh hẹp môn vị, người bệnh có hiện tượng bụng lõm lòng thuyền khi nằm xuống

Ở bệnh hẹp môn vị, người bệnh có hiện tượng bụng lõm lòng thuyền khi nằm xuống

2. Khái quát về bệnh hẹp môn vị

2.1. Tại sao bị hẹp môn vị?

Hẹp môn vị là tình trạng lỗ nối giữa dạ dày và tá tràng (gọi là lỗ môn vị) bị thu hẹp lại nên thức ăn không thể di chuyển hết từ dạ dày xuống tá tràng được nên ứ đọng lâu trong dạ dày. Điều này khiến người bệnh gặp tình trạng: Khó tiêu, đau bụng, buồn nôn.

Hẹp môn vị thường là kết quả từ:

- Viêm loét dạ dày với vết loét lâu ngày khiến sẹo hình thành ở mô dạ dày và làm hẹp lỗ môn vị.

- Khối u ác tính dạ dày xuất hiện gần khu vực môn vị, khiến cho lỗ môn vị bị thu hẹp.

- Polyp hình thành ở khu vực môn vị.

2.2. Triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân hẹp môn vị

Người bị hẹp môn vị rất dễ có các triệu chứng:

- Đau vùng thượng vị, nhất là sau khi ăn hoặc khi thức ăn bị ứ đọng lâu trong dạ dày.

- Buồn nôn và bị nôn vì ứ đọng thức ăn ở dạ dày.

- Bụng lõm lòng thuyền với biểu hiện bụng lõm vào khi nằm xuống, nhất là khi tình trạng tắc nghẽn thức ăn trở nên nghiêm trọng.

- Người bệnh thay đổi tư thế hoặc nằm xuống sẽ nghe thấy âm thanh róc rách trong bụng.

- Bị mệt mỏi và giảm cân nhanh do thức ăn không được tiêu hóa như bình thường gây thiếu hụt dưỡng chất.

3. Chẩn đoán bệnh hẹp môn vị bằng cách nào?

Để chẩn đoán bệnh hẹp môn vị bác sĩ cần trải qua quá trình khám lâm sàng và yêu cầu người bệnh thực hiện các kiểm tra chuyên sâu:

3.1. Khám lâm sàng

Khám lâm sàng là bước đầu tiên không thể bỏ qua để chẩn đoán bệnh hẹp môn vị. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bệnh nhân đang mắc phải như đau bụng, buồn nôn, nôn, cảm giác đầy bụng và yêu cầu người bệnh nằm trên giường để thăm khám, kiểm tra hình dạng bụng.

Khi bệnh hẹp môn vị phát triển đến giai đoạn nghiêm trọng, bụng của người bệnh có thể xuất hiện dấu hiệu lõm vào ở vùng bụng dưới xương sườn (bụng lõm lòng thuyền) nhưng lại căng trướng ở vùng thượng vị. Bác sĩ sẽ quan sát và sờ nắn vùng bụng để kiểm tra hiện tượng này.

Ngoài ra, bệnh nhân bị hẹp môn vị còn có hiện tượng cứng và đau nhói ở vùng bụng dưới khi chạm vào. Đây thường là kết quả từ việc dạ dày bị căng cứng do thức ăn không thể tiêu hóa hết. Người bệnh cũng sẽ được kiểm tra các dấu hiệu toàn thân như thân nhiệt, nhịp tim, huyết áp,... để xác định xem có dấu hiệu nhiễm trùng hay có vấn đề về tiêu hóa hay không.

Người bệnh có triệu chứng bụng lõm lòng thuyền được thăm khám, chẩn đoán hẹp môn vị

Người bệnh có triệu chứng bụng lõm lòng thuyền được thăm khám, chẩn đoán hẹp môn vị

3.2. Nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày giúp cung cấp hình ảnh chi tiết bên trong dạ dày và môn vị. Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi có gắn camera vào dạ dày qua đường miệng hoặc mũi để nhìn rõ tình trạng niêm mạc dạ dày và môn vị, xác định có sự thu hẹp hoặc tổn thương nào tại khu vực này hay không.

Nội soi giúp xác định chính xác nguyên nhân gây hẹp môn vị, đánh giá mức độ tắc nghẽn của môn vị và xác định các biến chứng có thể xảy ra.

3.3. Chụp X-quang và siêu âm

- Chụp X-quang

Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát hình ảnh của dạ dày và môn vị khi có sự hiện diện của khí hoặc dịch trong dạ dày. Khi môn vị bị thu hẹp, khí và dịch có thể bị ứ đọng trong dạ dày nên bác sĩ sẽ dễ dàng nhận thấy qua hình ảnh X-quang.

- Chụp cắt lớp vi tính

Phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá khối u nếu có ở vùng môn vị, mức độ xâm lấn cũng như di căn.

3.4. Chẩn đoán phân biệt

- Co thắt tâm vị

Người bệnh thường bị sặc lỏng hoặc nghẹn đặc. Khi chụp X-quang phát hiện không túi hơi dạ dày, thực quản chít hẹp ở dưới và giãn to ở trên. Hình ảnh nội soi có ứ đọng thức ăn ở thực quản, chít hẹp tâm vị và giãn thực quản.

- Hẹp tá tràng

Nếu là hẹp trên bóng Vater sẽ có tình trạng như hẹp môn vị. Nếu hẹp dưới bóng Vater người bệnh sẽ thường xuyên nôn kèm dịch vàng. Chụp X-quang thấy tình trạng giãn rộng tá tràng. Hình ảnh nội soi thấy được tổn thương gây hẹp và vị trí hẹp.

- Hẹp phì đại cơ môn vị

Tình trạng này chủ yếu gặp phải ở trẻ sơ sinh. Trẻ thường bị rối loạn toàn thân do nôn nhiều. Chụp X-quang phát hiện tình trạng giãn to ở dạ dày và kéo dài như sợi chỉ của môn vị.

Nội soi dạ dày giúp bác sĩ quan sát, phát hiện hẹp môn vị

Nội soi dạ dày giúp bác sĩ quan sát, phát hiện hẹp môn vị

Như vậy, bụng lõm lòng thuyền là triệu chứng gặp phải ở bệnh nhân bị hẹp môn vị. Nếu nghi ngờ sự xuất hiện của tình trạng này, người bệnh nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng và điều trị ngay, tránh dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho đường tiêu hóa. 

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa có thể liên hệ đặt lịch cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ