Tin tức

Cách chăm sóc khi trẻ bị sởi cha mẹ cần lưu ý

Ngày 04/03/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Trẻ em và người lớn đều có thể mắc sởi. Tuy nhiên, trẻ dễ bị bệnh hơn và có nguy cơ biến chứng cao hơn so với người lớn. Do đó, cha mẹ cần trang bị kiến thức cơ bản về bệnh để phát hiện bệnh sớm và biết cách chăm sóc trẻ khi bị sởi.

1. Các giai đoạn của bệnh sởi

Bệnh sởi có thể được chia thành các giai đoạn như sau:

- Giai đoạn ủ bệnh: Thường diễn ra trong khoảng 8 đến 11 ngày và người bệnh thường không có dấu hiệu bất thường. 

Sốt có thể do virus sởi gây ra

Sốt có thể do virus sởi gây ra

- Giai đoạn khởi phát: Diễn ra từ 3 đến 4 ngày. Trẻ thường có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao. Những triệu chứng kèm theo như mắt đỏ, mắt có nhiều gỉ, sưng nề mi mắt, ho chảy nước mũi, có hạch ngoại biên to,...

- Giai đoạn toàn phát: Thường kéo dài từ 4 đến 6 ngày. Hồng ban toàn thân có đặc điểm là phát ban theo trình tự. Ban đầu, những nốt phát ban này sẽ mọc ở sau tai, lan ra mặt, cổ, ngực, tay và lưng, cuối cùng tình trạng phát ban sẽ xuất hiện ở chân của trẻ. Sau đó cũng biến mất theo trình tự để lại vết thâm trên da. Những nốt ban này thường có màu hồng, nhỏ và nổi gờ trên bề mặt da. Chúng có thể mọc rải rác hoặc mọc liền với nhau thành từng đám. Nốt Koplik thường xảy ra trước hay ngày đầu tiên phát ban và biến mất sau 1-2 ngày. Nốt trắng kích thước nhỏ bằng đầu đinh ghim ở niêm mạc má vùng răng hàm.

- Giai đoạn lui bệnh: Những nốt ban đỏ, hồng trên cơ thể sẽ dần biết mất và có thể để lại những vết thâm trên da. Khi ban bay, trẻ thường hết sốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp gặp biến chứng, trẻ vẫn chưa cắt sốt khi những nốt ban đã bay.

2. Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào?

Sởi là một bệnh lý nguy hiểm vì có thể lây lan và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

- Nếu cha mẹ không biết cách chăm sóc trẻ khi bị sởi, trẻ có nguy cơ gặp phải những biến chứng như sau:

  • Viêm tai giữa: Là biến chứng thường gặp.
  • Viêm loét giác mạc.
  • Tiêu chảy.
  • Viêm não cấp tính: Đây là biến chứng rất nguy hiểm với những biểu hiện như đau đầu, co giật, hôn mê, cứng gáy,... Những biểu hiện này có thể gặp phải sau khi xảy ra hiện tượng phát ban. 
  • Viêm phổi: Nếu trẻ bị bội nhiễm các vi khuẩn tụ cầu.
  • Thể lao tiềm ẩn tái bùng phát khi trẻ bị suy giảm miễn dịch.

- Virus sởi có thể lây truyền từ người bệnh sang người khỏe qua đường hô hấp. Nếu tiếp xúc gần với trẻ bị bệnh khi trẻ hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc với dịch tiết của trẻ bị bệnh thì cũng sẽ dễ bị mắc bệnh. 

Cha mẹ cũng cần lưu ý rằng, khi được phát tán ra ngoài không khí, virus sởi vẫn có thể hoạt động và gây lây nhiễm bệnh trong khoảng 2 giờ. Trước khi phát ban khoảng 4 ngày, trẻ đã có thể lây nhiễm bệnh cho người xung quanh. 

3. Chăm sóc khi trẻ bị sởi

Chăm sóc khi trẻ bị sởi không hề đơn giản. Nếu không thực hiện đúng cách, trẻ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề như sau:

Nên cho trẻ uống nhiều nước khi bị sởi

Nên cho trẻ uống nhiều nước khi bị sởi

- Đảm bảo về đường thở cho trẻ: Khi bị sởi, trẻ thường gặp nhiều vấn đề về đường hô hấp. Trẻ thường ho nhiều, chảy nước mũi nhiều, tiết nhiều đờm dãi,... Do đó, cha mẹ nên thực hiện một số biện pháp giúp đường thở của trẻ được thông thoáng như cho trẻ nằm cách ly trong phòng thoáng đãng, dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi miệng cho trẻ. Khi trẻ tăng tiết dịch mũi họng, đờm thì có thể vỗ rung long đờm hoặc hút đờm, dùng khí dung, thở oxy cho trẻ - nên được thực hiện trong các cơ sở y tế.

- Giúp trẻ hạ sốt, ổn định thân nhiệt: Trẻ bị sởi thường sốt cao từ 39 đến 40 độ C. Do đó, việc hạ sốt cho trẻ là vô cùng cần thiết, tránh để trẻ sốt quá cao để gây ra những biến chứng nguy hiểm. 

Một số phương pháp giúp trẻ hạ thân nhiệt như cho trẻ nằm ở những nơi thoáng mát, cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, chườm khăn ấm cho trẻ ở vị trí 2 bên hố nách và bẹn. Nếu trẻ sốt cao hơn 38,5 độ C, nên dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý, không nên để trẻ ở phòng có gió lùa, tránh để trẻ bị lạnh. Có thể cho trẻ uống oresol theo chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ để bù nước và điện giải, giúp trẻ hạ sốt nhanh chóng hơn. 

Cho trẻ ăn thức ăn dạng mềm

Cho trẻ ăn thức ăn dạng mềm

- Để trẻ nằm trong không gian yên tĩnh và thường xuyên theo dõi tình trạng nước tiểu của trẻ. 

- Khi trẻ nằm điều trị tại các cơ sở y tế, trẻ có thể được chỉ định tiêm thuốc chống co giật, thở oxy, thực hiện các xét nghiệm cấp tính,... trong các trường hợp cần thiết.

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ: Khi bị sởi, cơ thể trẻ rất mệt và trẻ thường không muốn ăn. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý cho trẻ ăn đầy đủ, uống nhiều nước và nên lựa chọn những loại thực phẩm dễ tiêu. Nếu trẻ còn nhỏ và đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú nhiều hơn. Trường hợp trẻ lớn hơn, cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho trẻ và đặc biệt bổ sung trong chế độ ăn của trẻ các loại thực phẩm giàu vitamin A

- Chăm sóc ngoài da: Đây là vấn đề mà các bậc phụ huynh cũng cần đặc biệt lưu ý. Việc chăm sóc da đúng cách không chỉ giúp trẻ giảm khó chịu mà còn phòng ngừa được nguy cơ nhiễm trùng. Tốt nhất, mẹ nên:

  • Tắm cho trẻ bằng nước đã được đun sôi và để nguội. Sau khi tắm cho trẻ xong thì cần lau khô bằng khăn bông mềm và sạch. 
  • Trẻ cần vệ sinh răng miệng mỗi ngày. 
  • Khi có biểu hiện viêm da, cha mẹ không nên tắm cho trẻ bằng các loại xà phòng, sữa tắm. 
  • Nên cắt móng tay cho trẻ để tránh tình trạng trẻ gãi nhiều dẫn đến xước và viêm da. 
  • Nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. 
  • Cho trẻ uống vitamin A đầy đủ. 

- Cẩn trọng với một số biến chứng bệnh: Cha mẹ cần theo dõi trẻ thường xuyên. Nếu trẻ gặp phải một số biến chứng bệnh như sốt cao, co giật, hôn mê, viêm loét kết mạc, rối loạn tiêu hóa,... nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ xử trí kịp thời. 

- Nhanh chóng cho trẻ tái khám nếu xuất hiện những triệu chứng như sốt cao liên tục, ho nhiều, chảy mủ ở tai, li bì, không tập trung, ăn kém, nôn và tiêu chảy nhiều lần,....

Đưa trẻ đi khám sớm để tránh biến chứng nguy hiểm

Đưa trẻ đi khám sớm để tránh biến chứng nguy hiểm

- Để phòng bệnh sởi cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Cách ly trẻ để tránh lây nhiễm. 
  • Nếu chăm sóc bệnh nhi bị sởi, mẹ cần rửa tay sạch sẽ sau khi chăm sóc người bệnh. 
  • Tiêm phòng sởi cho trẻ: Mũi đầu tiên là khi trẻ được 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 là khi trẻ đạt 4 đến 6 tuổi. 

Trên đây là những hướng dẫn về cách chăm sóc khi trẻ bị sởi. Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường, cha mẹ có thể đưa con đến Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ thăm khám và điều trị. Bên cạnh đó, nếu phụ huynh không muốn đưa con tới viện vì sợ nguy cơ lây nhiễm chéo, có thể sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi của MEDLATEC. Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch khám, mời quý khách hàng vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.