Tin tức

Cách để điều trị cứng khớp gối hiệu quả và an toàn

Ngày 25/10/2021
Là một bộ phận quan trọng chiếm phần lớn chức năng vận động và di chuyển của cơ thể, khớp gối nếu bị tổn thương sẽ gây nên nhiều khó khăn trong sinh hoạt của người bệnh. Tình trạng cứng khớp gối nếu kéo dài thì sẽ khiến cho bệnh nhân có nguy cơ phải chịu nhiều di chứng nghiêm trọng. Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu cách điều trị cứng khớp gối sao cho an toàn và hiệu quả qua bài phân tích dưới đây.

1. Đi tìm nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cứng khớp gối

Khớp gối được cấu tạo bởi phần dưới xương đùi, xương bánh chè và phần trên của xương chày hợp thành. Bao bọc hai đầu xương chày và xương đùi là lớp sụn khớp được cố định bởi hệ thống dây chằng vững chắc. Ngoài ra, giữa 2 lớp sụn là một khoang ảo chứa dịch nhầy có khả năng bôi trơn khớp và giảm xóc, nhờ đó khớp gối có thể vận động dễ dàng hơn. Nếu hệ thống 2 đầu xương, dây chằng hoặc sụn chêm khớp gối bị ảnh hưởng thì người bệnh sẽ không thể co duỗi khớp gối một cách bình thường được, từ đó dẫn tới tình trạng cứng khớp gối.

Điều trị cứng khớp

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới cứng khớp gối

Nguyên nhân khiến người bệnh bị cứng khớp gối có thể là do:

  • Bất động khớp: thường xảy ra sau khi bệnh nhân phải mang nẹp phẫu thuật hoặc bó bột khớp chân trong thời gian dài. Cứng khớp gối còn do nguyên nhân co rút dây chằng lâu ngày.

  • Viêm khớp: bệnh lý viêm khớp có thể gây ra triệu chứng cứng khớp. Lúc này bệnh nhân hay có biểu hiện mệt mỏi, ăn kém, ngủ ít, gầy rộc, da dẻ xanh xao. Không chỉ có vậy, bệnh viêm khớp còn có thể khiến mặt xương và sụn khớp gặp tổn thương, cứng khớp vào buổi sáng và cơn đau khớp có thể kéo dài liên tục trong khoảng 1 giờ.

  • Thoái hóa: người cao tuổi thường phải đối mặt với dấu hiệu già đi của xương khớp. Bệnh cứng khớp gối có thể xảy ra khi duy trì quá lâu một tư thế hoặc ngay sau khi ngủ dậy vào buổi sáng. Người bệnh cần phải cử động một vài lần thì tình trạng này mới giảm bớt.

  • Chấn thương: các hoạt động như chơi thể thao, té ngã, vận động xoắn vặn khớp gối, chạy nhảy nhiều,... hoặc tai nạn giao thông, tai nạn lao động có thể gây nứt hoặc vỡ sụn chêm, vỡ mặt xương, giãn đứt dây chằng khớp gối.

2. Gợi ý các phương pháp điều trị cứng khớp gối

Cách hiệu quả nhất để xác định tình trạng bệnh là tới bệnh viện để thăm khám, đồng thời bệnh nhân sẽ được điều trị ngay khi phát hiện ra bệnh góp phần ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Sau kiểm tra tổng quát, dựa trên các kết quả lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị cứng khớp gối bằng những biện pháp sau:

Chườm nóng/lạnh:

Chườm nóng hoặc chườm lạnh sẽ giúp cải thiện triệu chứng cứng khớp cũng như gia tăng độ linh hoạt của khớp gối. Cụ thể:

  • Chườm lạnh thì thường áp dụng cho những tổn thương mới, tổn thương đợt cấp, các tổn thương viêm tiến triển mà có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau,… Nếu chườm lạnh, bệnh nhân nên sử dụng túi đá đặt lên phần khớp gối bị cứng trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút/lần, mỗi ngày vài lần nhằm giảm sưng đau và viêm. Điều này giúp khớp dễ vận động hơn, ngoài ra còn làm hạn chế cơn đau.

  • Chườm nóng cũng giúp giãn cơ và khớp gối nhưng thường dùng cho các tổn thương mạn tính, đã diễn ra lâu rồi, các dạng thoái hoá, đau khớp mà không viêm, không sưng nóng đỏ. Bệnh nhân có thể sử dụng chai nước ấm, chườm đệm sưởi hoặc ngâm chân vào nước ấm giúp thư giãn, tăng lưu thông máu.

Chườm nóng hoặc chườm lạnh sẽ giúp cải thiện triệu chứng cứng khớp

Chườm nóng hoặc chườm lạnh sẽ giúp cải thiện triệu chứng cứng khớp

Tiêm Steroid:

Bác sĩ có thể chỉ định tiêm Steroid đối với những bệnh nhân bị viêm khớp dẫn tới cứng khớp. Mặc dù vậy, phương pháp này không phù hợp với những trường hợp bị viêm khớp tiến triển và tác dụng của thuốc thường không kéo dài lâu, việc tiêm nhắc lại đôi khi không hiệu quả.

Sử dụng Glucosamine sulfate:

Đây là một loại hóa chất tự nhiên và xuất hiện ở trong chất lỏng bao quanh khớp, có công dụng tái tạo sụn. Khi thiếu hụt Glucosamine sulfate, sụn mất đi khả năng tái tạo và không còn được bảo vệ. Nghiên cứu cho thấy bổ sung Glucosamine sulfate có tác dụng giúp hạn chế cứng khớp và làm dịu cơn đau. Tùy thuộc vào thể trạng và tình hình bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng liều dùng sao cho phù hợp.

Dùng thuốc chống viêm không kê đơn:

Các loại thuốc chống viêm không kê đơn như naproxen, ibuprofen hay aspirin có thể hỗ trợ trong việc điều trị cứng khớp. Lưu ý, những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc. Tốt hơn hết việc dùng những thuốc này cần phải tuân theo khuyến cáo của nhà sản xuất và bác sĩ chuyên khoa.

Bổ sung hạt lanh:

Trong hạt lanh chứa omega 3 - một loại axit béo giúp giảm viêm khá hiệu quả trong điều trị cứng khớp gối. Dầu hạt lanh là chế phẩm chứa rất nhiều omega 3 và thường được sản xuất dưới dạng chiết xuất dầu hoặc đóng thành viên nang.

Bổ sung dầu cá:

Một lượng lớn chất béo không bão hòa là DHA và EPA có chứa trong dầu cá và những người có thói quen bổ sung dầu cá hàng ngày sẽ ít bị cứng và đau khớp gối sau khi thức dậy vào buổi sáng.

Để tăng cường lượng dầu cá hấp thu vào cơ thể, bệnh nhân có thể bổ sung các món ăn từ cá vào thực đơn ăn uống. Bên cạnh đó, người bệnh có thể dùng thêm những sản phẩm bổ sung dầu cá dựa trên hướng dẫn của bác sĩ.

Tăng cường vận động thể dục thể thao:

Tập thể dục và vật lý trị liệu sẽ giúp giảm thiểu triệu chứng cứng khớp đồng thời gia tăng chức năng vận động của khớp gối. Đây là một trong những cách hỗ trợ điều trị cứng khớp hiệu quả và lành mạnh nên được thực hiện mỗi ngày.

Lưu ý: bởi vì thoái hóa khớp thì sẽ hạn chế vận động mạnh và nhiều nên người bệnh không nên tập bài tập phải mang vác vật nặng như gánh tạ,…, không đi bộ hay chạy bộ nhiều mà nên tập các bài tập ít tác động lực lên khớp gối như bơi hay đi xe đạp,…

Không chỉ giúp hạn chế cứng khớp, vận động hợp lý còn có tác dụng duy trì cân nặng phù hợp, giảm thiểu áp lực lên khớp gối, tránh chấn thương.

Nếu các biện pháp trên không có hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng cứng khớp gối cho bệnh nhân, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thực hiện phẫu thuật để giải phóng khớp gối.

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị cứng khớp gối khá hiệu quả

Vật lý trị liệu là phương pháp điều trị cứng khớp gối khá hiệu quả

Nhìn chung, tình trạng cứng khớp gối xảy ra khá phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Bệnh có thể là do tác động của quá trình lão hóa tự nhiên ở con người nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý viêm khớp đang âm thầm tiến triển. Do vậy, chìa khóa giúp điều trị cứng khớp gối hiệu quả là thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm chẩn đoán sớm bệnh và phòng ngừa các rủi ro, biến chứng nặng khó chữa trị trong tương lai.

Để cập nhật các thông tin mới nhất về sức khỏe và các gói dịch vụ thăm khám, quý bạn đọc xin vui lòng liên hệ tới tổng đài 1900565656, tổ tư vấn của BVĐK MEDLATEC luôn sẵn sàng phục vụ!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ