Tin tức

Lao thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 28/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Lao thanh quản là tình trạng viêm thanh quản do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh có khả năng lây lan nhanh. Nếu người bệnh không điều trị nguy cơ biến chứng có thể xảy ra. Vậy dấu hiệu nhận biết bệnh cũng như phương pháp điều trị hiện nay như thế nào?

1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh lao thanh quản 

Lao thanh quản là một thể lao ngoài phổi hiếm gặp xảy ra khi thanh quản bị viêm do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (vi khuẩn lao) gây ra. Đây là một thể lao ngoài phổi có mối liên quan mật thiết với lao phổi. Vi khuẩn lao khu trú trong phổi sau đó theo đờm, mủ lúc khạc ra ngoài dính vào thanh quản hoặc đi theo tuần hoàn máu, bạch huyết.

Đặc điểm của vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis

Một số đặc điểm của vi khuẩn lao: 

  • Mycobacterium Tuberculosis có khả năng kháng cồn, kháng acid và sinh sản sau mỗi 20 - 24 giờ. 
  • Vi khuẩn lao ngừng phát triển ở 42 độ C và bị tiêu diệt ở 100 độ C trong thời gian 10 phút. Cồn 90 độ có thể tiêu diệt được vi khuẩn lao trong 3 phút.
  • Trong tự nhiên, vi khuẩn có thể tồn tại từ 3 - 4 tháng. 

Vi khuẩn lao có thể xâm nhập và gây tổn thương dây thanh quản

Vi khuẩn lao có thể xâm nhập và gây tổn thương dây thanh quản

Con đường lây nhiễm

Vi khuẩn này có thể lây nhiễm rất nhanh thông qua đường hô hấp. Người khỏe mạnh tiếp xúc với nước bọt, dịch đờm có chứa vi khuẩn lao do người bệnh ho, hắt hơi, khạc nhổ hay thậm chí là nói chuyện cũng dễ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân bị lao thanh quản. Trong trường hợp chăm sóc hay cần tiếp xúc với người bệnh, hãy có biện pháp bảo hộ an toàn như găng tay, khẩu trang,… để bảo vệ chính mình.

Đối tượng có nguy cơ cao bị lao thanh quản 

Những trường hợp có nguy cơ cao bị lao thanh quản sẽ bao gồm: 

  • Người thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây hoặc bệnh nhân. 
  • Người chưa tiêm vaccine phòng bệnh lao BCG. 
  • Người sinh sống hoặc làm việc ở những nơi có môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại, khói bụi.
  • Những bệnh nhân bị bệnh mạn tính liên quan đến máu, gan, thận, tiểu đường, ung thư,… 
  • Người bị các bệnh cấp tính như nhiễm virus, cúm, sởi, quai bị,… 
  • Người bị suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch, sức đề kháng yếu. 
  • Những trường hợp bị nghiện rượu, thuốc lá. 

Người nghiện thuốc lá là đối tượng có nguy cơ cao bị vi khuẩn lao tấn công

Người nghiện thuốc lá là đối tượng có nguy cơ cao bị vi khuẩn lao tấn công

2. Triệu chứng của lao thanh quản 

Khi vi khuẩn lao tấn công thanh quản, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng sau: 

Triệu chứng cơ năng 

Dấu hiệu đầu tiên và phổ biến nhất khi vi khuẩn lao xâm nhập thanh quản là sự thay đổi về giọng nói. Khàn tiếng xuất hiện sớm, ban đầu ở mức độ nhẹ sau đó âm sắc mờ dần. Những trường hợp nghiêm trọng có thể mất hẳn tiếng do dây thanh quản bị phá hủy hoàn toàn. Ngoài ra, người bệnh còn đi kèm những triệu chứng sau: 

  • Nắp thanh quản hoạt động kém dẫn đến tình trạng vướng víu ở cổ họng, đau mỗi khi nuốt, dễ bị sặc nước. Cơn đau có dấu hiệu tăng dần, nhất là khi ăn, uống, nói chuyện, ho khạc. 
  • Ho trong lao thanh quản có hiện tượng ho khan từng cơn hoặc đôi lúc giống như ho gà, tiếng ho cũng khác lạ, nghe ồ ồ, rè rè, thoạt đầu ho khan, sau ho có đờm, mủ. 
  • Khó thở xảy ra với những trường hợp tổn thương thanh quản nghiêm trọng. Tình trạng viêm khiến niêm mạc phù nề dẫn đến hẹp đường thở gây cản trở hoạt động lưu thông khí. 

Ho có thể do vi khuẩn lao tấn công phổi hoặc làm tổn thương dây thanh quản

Ho có thể do vi khuẩn lao tấn công phổi hoặc làm tổn thương dây thanh quản

Triệu chứng thực thể 

Để phát hiện và đánh giá mức độ tổn thương thanh quản khi vi khuẩn lao xâm nhập, bác sĩ thường sẽ chỉ định thực hiện nội soi thanh quản. 

  • Ở giai đoạn đầu, niêm mạc thanh quản sẽ có hiện tượng đỏ hồng, sung huyết tương tự triệu chứng viêm thanh quản. 
  • Giai đoạn hai, dây thanh quản xuất hiện tình trạng phù nề, có điểm xám nhạt, hình thành các vết loét, mọng nước và sùi dạng súp lơ, đan xen vào nhau tương tự như hiện tượng lao phổi, trong dịch đờm chứa nhiều vi khuẩn. 
  • Giai đoạn ba sẽ thấy màng sụn thanh quản hoại tử. 

3. Chẩn đoán và điều trị lao thanh quản 

Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ nhiễm khuẩn lao như khàn giọng, khó nuốt, đau khi nuốt, khó thở, ho,… thì bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị bệnh sớm. 

Chẩn đoán 

Bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng và phương pháp nội soi thanh quản để đưa ra chẩn đoán. Nội soi thanh quản thường được chỉ định để phát hiện các tổn thương bên trong thanh quản như sùi, loét, phù nề. Ngoài ra, nội soi còn giúp bác sĩ lấy dịch thanh quản để nuôi cấy vi khuẩn lao hoặc sinh thiết nhằm thực hiện các xét nghiệm mô bệnh học. 

Bên cạnh đó, một số kiểm tra khác cũng được chỉ định như chụp X-quang phổi, xét nghiệm AFB đờm, phản ứng Mantoux hoặc PCR, phương pháp MGIT,… Những phương pháp trên giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác về bệnh lý cũng như mức độ tổn thương từ đó lên phương án điều trị hiệu quả nhất. 

Điều trị 

Quá trình điều trị lao thanh quản thường mất rất nhiều thời gian nên đòi hỏi sự kiên trì của bệnh nhân. Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ chữa trị và chế độ chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa là điều bắt buộc người bệnh phải thực hiện. Quá trình điều trị chia làm 2 giai đoạn như sau: 

  • Giai đoạn đầu thường phải kéo dài từ 2 - 3 tháng theo chương trình 2RHSZ/6HE hoặc SHRZE/1HRZE/5H3R3E3.
  • Giai đoạn duy trì kéo dài từ 4 - 6 tháng theo chương trình DOTS. 

Bên cạnh đó, người bệnh cần cân đối giữa thời gian nghỉ ngơi, làm việc, rèn luyện một cách hợp lý, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, không sử dụng rượu, bia, thuốc lá hay các chất kích thích, tránh sử dụng dây thanh quản quá nhiều. Bên cạnh đó, cần cách ly người bệnh ở phòng riêng, sạch sẽ và khô thoáng cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn để phòng tránh lây lan cho những người xung quanh.

Nếu nghi ngờ bị lao thanh quản, bạn cần tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt đồng thời chủ động cách ly với những người xung quanh để tránh làm lây lan mầm bệnh ra cộng đồng. Tuyệt đối không tự ý áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 

Thăm khám và điều trị lao thanh quản tại cơ sở y tế uy tín

Thăm khám và điều trị lao thanh quản tại cơ sở y tế uy tín 

Nếu bạn cần một địa chỉ an toàn để khám chữa bệnh, hãy đến ngay các đơn vị thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC hoặc gọi điện đến tổng đài 1900 56 56 56 sẽ có Tổng đài viên hỗ trợ chi tiết. 

Từ khoá: vi khuẩn lao phổi

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ