Tin tức

Chỉ số xét nghiệm máu: Hướng dẫn cách đọc và lưu ý trước khi thực hiện

Ngày 12/05/2025
Tham vấn y khoa: Ths.BSNT Trần Hiền
Xét nghiệm máu là một công cụ quan trọng giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, phát hiện sớm các bất thường tiềm ẩn trong cơ thể và theo dõi hiệu quả điều trị. Các chỉ số thu được từ xét nghiệm máu không chỉ phản ánh chức năng của nhiều cơ quan như gan, thận, tim, mà còn hỗ trợ chẩn đoán các tình trạng như thiếu máu, nhiễm trùng, viêm, rối loạn mỡ máu hay nội tiết. Dưới đây là hướng dẫn cách đọc các chỉ số xét nghiệm máu cơ bản và một số lưu ý giúp bạn nhận được kết quả xét nghiệm chính xác.

1. Chỉ số xét nghiệm máu quan trọng ra sao?

Chỉ số xét nghiệm máu thường được thực hiện trong khám sức khỏe định kỳ hoặc khi người bệnh có các triệu chứng bất thường như mệt mỏi kéo dài, khó thở, đau ngực, sốt không rõ nguyên nhân,...

Chỉ số xét nghiệm máu là cơ sở để chẩn đoán và điều trị bệnh

Chỉ số xét nghiệm máu là cơ sở để chẩn đoán và điều trị bệnh

Xét nghiệm máu rất quan trọng trong chẩn đoán hoặc loại trừ một số bệnh lý hoặc các vấn đề sức khỏe cụ thể. Nhiều trường hợp người bệnh cần thực hiện nhiều xét nghiệm để có được kết quả chẩn đoán bệnh chính xác. 

Thông qua chỉ số xét nghiệm máu, các bác sĩ có thể phát hiện sớm các bất thường, thậm chí ngay cả khi người bệnh chưa có biểu hiện rõ rệt. Việc phát hiện sớm giúp nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế biến chứng và cải thiện tiên lượng. Đây cũng là căn cứ để đánh giá khả năng đáp ứng với phác đồ điều trị của bệnh nhân. 

2. Cách đọc các chỉ số xét nghiệm máu cơ bản

Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể về cách đọc một số chỉ số xét nghiệm máu cơ bản: 

2.1.Chỉ số huyết học

Đây là nhóm chỉ số xét nghiệm máu giúp đánh giá số lượng và chất lượng các tế bào máu, bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Các chỉ số quan trọng bao gồm: 

- RBC (Red Blood Cell – Số lượng hồng cầu)

Phản ánh số lượng hồng cầu trong máu, giúp vận chuyển oxy đến các mô.

Giá trị bình thường:

+ Nữ giới: 3.9 – 5.03 T/L.

+ Nam giới: 4.32 – 5.72 T/L.

Ý nghĩa bất thường:

+ Cao: Có thể gặp trong bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi, mất nước.

+ Thấp: Gợi ý thiếu máu do mất máu, suy tủy hoặc thiếu sắt. 

- WBC (White Blood Cell – Số lượng bạch cầu)

Đo số lượng bạch cầu, thành phần quan trọng của hệ miễn dịch.

Giá trị bình thường: 3.5 – 10.5 G/L.

Ý nghĩa bất thường:

+ Tăng: Gợi ý tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng, bệnh máu ác tính.

+ Giảm: Có thể do suy tủy, nhiễm virus, tác dụng phụ của thuốc.

Chỉ số xét nghiệm máu có thể đánh giá tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể

Chỉ số xét nghiệm máu có thể đánh giá tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể

- Hemoglobin (Hb)

Là protein trong hồng cầu có vai trò vận chuyển oxy. Đây là chỉ số quan trọng, quyết định đến tình trạng của bệnh nhân có thiếu máu hay không.

Giá trị bình thường:

+ Nữ giới: 12.5 – 15.5 g/dL.

+ Nam giới: 13.5 – 17.5 g/dL. 

Ý nghĩa bất thường:

+ Thấp: Phản ánh tình trạng thiếu máu.

+ Cao: Có thể gặp trong tình trạng mất nước, bệnh tim – phổi mạn tính.

- Hematocrit (Hct)

Phản ánh tỷ lệ phần trăm của hồng cầu trong tổng thể tích máu.

Giá trị bình thường:

+ Nữ giới: 37 – 42%.

+ Nam giới: 42 – 47%.

Ý nghĩa bất thường:

+ Thấp: Gợi ý thiếu máu, xuất huyết hoặc loãng máu.

+ Cao: Thường gặp trong mất nước, bệnh lý tăng hồng cầu.

2.2. Chỉ số sinh hóa máu

Nhóm chỉ số này phản ánh chức năng hoạt động của các cơ quan như gan, thận, tụy và mức độ chuyển hóa các chất trong cơ thể. Một số chỉ số quan trọng gồm: 

- Glucose: Là chỉ số đường trong máu, giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh tiểu đường. Giá trị bình thường: 3.9 - 5.6 mmol/L khi đói.

Ý nghĩa bất thường: 

+ Giảm: Do người bệnh ăn uống kém, bị suy dinh dưỡng, dùng quá liều thuốc, tăng tiết insulin,..

+ Tăng: Do bệnh tiểu đường, viêm tụy, thừa hormone tăng trưởng,...

Chỉ số glucose trong máu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh tiểu đường

Chỉ số glucose trong máu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh tiểu đường

- Creatinine: Là chất thải của cơ thể và được đào thải qua thận. Những thay đổi của chỉ số này có thể là do những vấn đề bất thường về thận. 

Giá trị Creatinin bình thường:

+ Nữ giới: 44 - 97 µmol/l.

+ Nam giới: 53 - 106 µmol/l.

Ý nghĩa bất thường:

+ Giảm: Do khối lượng cơ bắp thấp, phụ nữ đang trong thời gian mang thai, giảm cân không khoa học,...

+ Tăng: Suy thận, tổn thương ống thận, tác dụng phụ của thuốc, chấn thương cơ, tăng hấp thụ protein,...

- Ure: Được tạo ra sau quá trình phân giải protein.

Giá trị bình thường: Từ 2.5 - 7.5 mmol/l. 

Ý nghĩa bất thường: 

+ Giảm: Ăn quá ít protein, do một số bệnh lý về gan,..

+ Tăng: Do mất nước, suy tim sung huyết, xuất huyết dạ dày, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, ăn quá nhiều đạm,...

2.3. Chỉ số chức năng gan

Có nhiều chỉ số xét nghiệm máu được dùng để đánh giá chức năng hoạt động của gan. Trong đó bao gồm: 

- AST: Là một enzyme tham gia vào quá trình chuyển hóa Aspartate trong cơ thể.

Giá trị bình thường:

+ Nữ giới: 9 - 32 đơn vị/lít (< 35 U / L).

+ Nam giới: 10 - 40 đơn vị/lít (< 50 U/L).

Ý nghĩa bất thường: 

+ Giảm: Do suy dinh dưỡng, ruột kém hấp thu, bệnh thận mạn tính, 

+Tăng: Do viêm gan, tình trạng gan nhiễm mỡ hoặc do người bệnh bị tổn thương cơ tim. 

- Bilirubin: Được tạo thành sau quá trình phân hủy hồng cầu già. 

Giá trị bình thường: 3.4 - 17.1 mol/L.

 Ý nghĩa bất thường: 

+ Tăng: Do các bệnh lý về gan mật, suy tim mất bù, do tác dụng phụ của thuốc,...

+ Giảm: Do dùng caffeine, dùng thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDs) có chứa salicylate,... 

2.4. Chỉ số điện giải 

Các khoáng chất điện giải đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của các cơ quan. Một số chất điện giải quan trọng thường có trong xét nghiệm máu bao gồm: 

- Na+: Natri đảm nhiệm vai trò duy trì cân bằng nước và điện giải trong cơ thể. Chỉ số Na+ bình thường khi nằm trong khoảng 135 - 145 mEq/L.

+ Tăng Na⁺: Có thể xảy ra do mất nước, tiêu chảy, hội chứng Cushing. 

+ Giảm Na⁺: Thường gặp trong suy thận, suy tim, hội chứng tiết ADH không phù hợp.

- K+: Kali rất cần thiết trong hoạt động của tim và cơ. Chỉ số này bình thường khi nằm trong khoảng 3.5 - 5 mmol/l. 

+ Tăng K⁺ (tăng kali máu): Nguy hiểm vì có thể gây rối loạn nhịp tim, thậm chí ngừng tim.

+ Giảm K⁺: Gây yếu cơ, mệt mỏi, chuột rút, tăng nguy cơ loạn nhịp. 

- Ca++: Loại khoáng chất này rất cần cho hệ thống xương, răng, co giãn cơ. Giá trị tiêu chuẩn của Ca++ trong máu như sau: 

+ Canxi toàn phần: 2.1 - 2.6 mmol/L.

+ Canxi ion hóa: 1.15 - 1.3 mmol/L.

+ Tăng Ca²⁺: Gặp trong cường tuyến cận giáp, ung thư xương, ngộ độc vitamin D. 

+ Giảm Ca²⁺: Có thể do suy tuyến cận giáp, thiếu vitamin D, hoặc rối loạn hấp thu.

Trên đây là một số những gợi ý về cách đọc chỉ số xét nghiệm máu. Tuy nhiên, những khoảng tham chiếu nêu trên chỉ có giá trị tham khảo. Những con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào máy móc xét nghiệm, thời điểm xét nghiệm,.... 

Để hiểu hơn về các chỉ số kết quả xét nghiệm máu hoặc có nhu cầu đặt lịch xét nghiệm máu tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để được các tổng đài viên hỗ trợ 24/7. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ