Tin tức
Cứng khớp: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Cứng khớp: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Cứng khớp là triệu chứng gặp phổ biến đối với những người mắc một số bệnh như: thoái hóa, viêm khớp vảy nến,... Tình trạng này có thể gặp đối với mọi lứa tuổi, dẫn tới nguy cơ và ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe.
1. Cứng khớp là hiện tượng gì?
Đây là tình trạng các khớp bị cứng và khó cử động. Điều này có thể tới với mọi đối tượng với mức độ từ nhẹ tới nặng. Mức độ nặng sẽ khiến người bệnh bị ảnh hưởng tới khả năng vận động.
Ở điều kiện bình thường, khớp của con người rất linh hoạt, giúp chúng ta thực hiện mọi hoạt động trong đời sống. Tuy nhiên, với những người gặp tình trạng này, vào buổi sáng hoặc sau một tư thế bất động kéo dài, người bệnh phải thực hiện các biện pháp xoa bóp, co duỗi thì cơ khớp mới có thể bình thường được. Các bác sĩ thường gọi đây là thời gian “phá gỉ khớp”.
Nhiều người gặp tình trạng khớp bị cứng khi thức dậy hoặc sau một tư thế bất động kéo dài
Thời gian “phá gỉ khớp” có thể kéo dài từ khoảng vài chục phút tới một giờ hoặc thậm chí là hơn.
Các vị trí xuất hiện hiện tượng này có thể gồm:
● Đầu gối: với nguyên nhân chủ yếu do thoái hóa, sau chấn thương hoặc viêm màng dịch khớp gối,... Các nguyên nhân này dẫn tới việc dịch ở khớp gối bị ít đi, khả năng bôi trơn suy giảm khiến khó vạn động, thay đổi tư thế.
● Ngón tay: Cứng các khớp ngón tay được xem là triệu chứng điển hình của viêm khớp dạng thấp hoặc thoái hóa khớp.
● Khớp cổ tay: Cứng ở khớp này thường là do nguyên nhân chấn thương, bó bột lâu ngày hoặc gout, thoái hóa,...
● Khớp cổ chân: thường xuất hiện với những người từ trên 40 tuổi và phổ biến ở người sau 60 tuổi. Đây cũng là tình trạng hay gặp của thoái hóa khớp.
2. Nguyên nhân dẫn tới cứng khớp
Tình trạng này có thể tới từ một số nguyên nhân phổ biến gồm:
Viêm khớp dạng thấp
Phổ biến ở độ tuổi từ 30 tới 50 và thường gặp hơn ở nữ giới. Bệnh do hệ thống miễn dịch bị rối loạn, tấn công các khớp khỏe mạnh gây viêm, cứng.
Viêm cột sống dính khớp
Khi bị mắc bệnh, cầu xương giữa các đốt sống bị vôi hóa, dính khớp cùng chậu. Từ đó, cột sống bị giảm sự linh hoạt, dẫn tới việc đau, căng cứng, khó vận động vùng hông, lưng dưới.
Thoái hóa
Thoái hóa có thể do tuổi tác hoặc một vài nguyên nhân khác, dẫn tới các khớp bị hao mòn, kém linh hoạt.
Thoái hóa có thể gây đau, cứng các khớp
Viêm bao hoạt dịch
Có thể xuất hiện ở mọi khớp nhưng phổ biến tại khớp vai, háng, gối với tình trạng màng hoạt dịch bị dày khiến khớp đau, cứng.
Ung thư xương
Dù hiếm gặp nhưng bệnh có thể khiến khớp khô cứng, đau đớn, khó vận động.
Gút (gout)
Có thể khiến cho các khớp sưng đau, đỏ, đặc biệt ở ngón chân cái.
Lupus ban đỏ
Cũng là một dạng bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch sẽ tấn công tác mô, cơ khớp khỏe mạnh gây sưng tấy, đau đớn.
Sau chấn thương
Sau chấn thương, tai nạn, bó bột,... các khớp giảm vận động nên bị cứng và cần được phục hồi.
Với một số nguyên nhân trên, những đối tượng dễ mắc tình trạng này hơn cả gồm:
● Những người độ tuổi từ 30 tới 50, đặc biệt là phụ nữ.
● Gia đình có người mắc bệnh về xương khớp.
● Hệ miễn dịch hoạt động kém.
● Đang mang thai hoặc phụ nữ mới sinh.
● Thừa cân, béo phì, hay sử dụng các chất như bia, rượu, hút thuốc lá.
3. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh cứng khớp
Bệnh có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm cho người mắc, cụ thể như:
Giảm hoặc mất khả năng vận động
Thường thì các khớp bị cứng sẽ dẫn tới nhiều bất tiện cho người bệnh trong quá trình vận động. Tùy vị trí mắc mà có thể gây những ảnh hưởng khác nhau, chẳng hạn như nếu là ở tay, sẽ hạn chế khả năng mang vác, cầm nắm, nếu ở chân sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại.
Không những thế, khi cố gắng vận động, có thể khiến cho vùng khớp cứng đau đớn, tổn thương. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới mất khả năng lao động.
Tình trạng cứng, đau khớp kéo dài có thể khiến mất khả năng vận động
Teo cơ khớp, biến dạng, tàn phế
Tình trạng cứng khớp kéo dài và không được điều trị kịp thời có thể khiến cho máu khó lưu thông những vị trí không cử động, dẫn tới teo cơ, biến dạng hoặc dính khớp. Giai đoạn muộn có thể khiến cho người mắc bị tàn phế.
4. Cứng khớp có phòng tránh được không?
Hiện tượng này có thể được phòng tránh khi người bệnh thực hiện một chế độ sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi thích hợp. Một số thói quen tốt nên được duy trì hàng ngày để phòng ngừa, đó là:
● Tập thể dục đều đặn, thường xuyên: Việc tập các bài thể dục như đi bộ, yoga, aerobic,... rất tốt cho xương khớp, giúp chúng trở nên dẻo dai hơn. Tuy nhiên, việc tập luyện cần được thực hiện đúng cách để phòng ngừa nguy cơ chấn thương.
● Tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin D, canxi, collagen cho cơ thể hàng ngày để cung cấp thêm năng lượng cho khung xương, khớp. Có thể bổ sung thêm sữa cho cơ thể, đặc biệt đối với những người cao tuổi, mới ốm dậy.
● Thực hiện thói quen nằm ngủ, ngồi làm việc, đi đứng đúng tư thế để tránh ảnh hưởng hoặc sự đè nén lên xương khớp. Trước khi ra khỏi giường, đặc biệt là trong những ngày mùa đông, nên xoa bóp hoặc tập các bài đơn giản để khởi động xương khớp.
● Nên tăng cường, bổ sung các thực phẩm như thịt gia cầm, thịt lợn, tôm, sò, cua, cá biển, dầu oliu, đậu nành, hạnh nhân,... cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với trường hợp bị cứng khớp do bệnh gout thì lại cần kiểm soát chế độ ăn, hạn chế hải sản và nội tạng động vật.
● Uống nước đủ theo lượng khuyến cáo hàng ngày, giữ cho tinh thần luôn thoải mái, lạc quan, vui vẻ, nên tắm nước ấm để máu được tuần hoàn, lưu thông.
● Có thể bổ sung thêm sắt hoặc các viên uống có lợi cho xương khớp hàng ngày. Tuy nhiên, việc bổ sung như thế nào, cần có sự chỉ định của bác sĩ, tránh những tác dụng phụ có thể tới với cơ thể.
● Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường của cơ thể.
Tập thể dục vừa sức, đều đặn, đúng kỹ thuật cũng là cách để bảo vệ xương khớp
Khi gặp các dấu hiệu bất thường ở xương khớp hoặc có nhu cầu được kiểm tra, quý khách có thể tới với Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn, chỉ định. Quý khách hãy gọi tới số 1900 56 56 56 để được hướng dẫn chi tiết.
BS Chỉnh đã duyệt
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!