Tin tức

Đau chấn thủy là bệnh gì? Mức độ nguy hiểm thế nào?

Ngày 15/01/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BSNT Lưu Tuấn Thành
Đau chấn thủy hoặc đau vùng thượng vị là một tình trạng phổ biến, gây ra cảm giác khó chịu ảnh hưởng đến công việc và các sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Mặc dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nhưng đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cần được chú ý và điều trị kịp thời.

1. Đau chấn thủy là đau ở đâu?

Đau chấn thủy hay còn gọi là đau vùng thượng vị, là tình trạng phổ biến ở cả người lớn và trẻ em, gây ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vùng thượng vị nằm giữa mũi xương ức và 2 bên xương sườn, trên rốn, chứa các cơ quan quan trọng như dạ dày, ruột, gan, tụy. 

Đau chấn thủy có thể xuất phát từ những nguyên nhân thông thường hoặc là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn như:

Nguyên nhân thông thường gây đau chấn thủy

Khi ăn quá nhiều, dạ dày phải làm việc quá sức để tiêu hóa lượng thức ăn lớn. Điều này khiến dạ dày căng ra, gây áp lực lên các cơ quan nội tạng xung quanh;

Ở phụ nữ mang thai, khi thai nhi ngày càng lớn, tử cung cũng phát triển và chèn ép vào các cơ quan trong bụng, bao gồm cả dạ dày gây ra tình trạng đau chấn thủy. 

Nguyên nhân bệnh lý gây đau chấn thủy

  • Viêm loét dạ dày hành tá tràng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau chấn thủy;

Viêm dạ dày là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau chấn thủy

Viêm dạ dày là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau chấn thủy 

  • Ung thư dạ dày, với triệu chứng đau thượng vị, buồn nôn, sụt cân và đi ngoài phân đen;
  • Trào ngược dạ dày thực quản, gây ho, ợ chua và đau chấn thủy;
  • Viêm ruột thừa giai đoạn sớm có thể biểu hiện đau thượng vị;
  • U vùng tâm vị, gây khó nuốt và đau chấn thủy;
  • Nhồi máu cơ tim thành sau dưới;
  • Bệnh gan mật, tụy như sỏi mật, viêm gan hoặc áp xe gan.

2. Cách khắc phục tình trạng đau chấn thủy

Chữa đau vùng chấn thủy theo nguyên nhân

Nếu nguyên nhân là do các yếu tố thông thường, việc thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và nghỉ ngơi có thể giúp giảm đau hiệu quả. Trường hợp cơn đau xuất hiện sau khi sử dụng thuốc, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và thay đổi phác đồ điều trị.

Tuy nhiên, Nếu bạn nghi ngờ chấn thương của mình liên quan đến một bệnh lý nào đó, hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp.

Cách giảm khó chịu khi đau chấn thủy

Để giảm bớt sự khó chịu khi bị đau chấn thủy, bạn có thể thử các biện pháp sau:

  • Chườm ấm: Để giảm bớt cơn đau, người bệnh có thể dùng túi chườm nóng hoặc túi chườm thảo dược lên vùng thượng vị giúp làm dịu cơn đau an toàn và hiệu quả;

Chườm ấm là phương pháp an toàn và hiệu quả giúp giảm bớt cơn đau

Chườm ấm là phương pháp an toàn và hiệu quả giúp giảm bớt cơn đau 

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Chia nhỏ bữa ăn, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và tránh ăn quá no để không gây quá tải cho dạ dày;
  • Tránh một số thực phẩm: Không nên sử dụng đồ ăn cay, nóng, chiên rán, đồ muối chua, rượu bia,…;
  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để điều trị tình trạng này. Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc;
  • Áp dụng mẹo dân gian: Một số biện pháp tự nhiên như uống nghệ mật ong, nước gạo sôi, trà bạc hà, trà quế hoặc ăn tỏi sống cũng giúp giảm cơn đau chấn thủy.

3. Đau chấn thủy và biện pháp phòng ngừa 

Để giảm tần suất các cơn đau, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học: Chọn thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng và tạo thói quen ăn đúng giờ. Lưu ý ăn chậm nhai kỹ trong các bữa ăn;
  • Áp dụng lối sống lành mạnh: Không thức khuya hay làm việc quá sức để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi;

Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa

Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa 

  • Vận động thường xuyên: Dành thời gian luyện tập thể dục, thể thao mỗi ngày và duy trì thói quen này một cách đều đặn;
  • Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ: Nếu mắc các bệnh lý có thể gây đau chấn thủy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ;
  • Khám sức khỏe định kỳ: Những vấn đề bất thường trong cơ thể có thể được phát hiện sớm thông qua việc khám sức khỏe định kỳ, từ đó có biện pháp và hướng điều trị hiệu quả.

Ngoài ra, khi gặp phải các triệu chứng sau đây, người bệnh nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Cơn đau chấn thủy kéo dài và không thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp điều trị hỗ trợ tại nhà là một dấu hiệu cho thấy vấn đề có thể nghiêm trọng hơn;
  • Cảm giác đau tăng dần về mức độ và tần suất là một dấu hiệu đáng lo ngại;
  • Đau dữ dội kèm theo khó thở, tức ngực, phân có máu hoặc màu đen;
  • Phụ nữ mang thai gặp đau chấn thủy;
  • Đau chấn thủy kèm theo triệu chứng sốt cao.

Đau chấn thủy có thể chỉ là triệu chứng tạm thời, nhưng cũng có thể là tín hiệu cảnh báo của một căn bệnh nguy hiểm. Do đó, bạn không nên chủ quan và cần lắng nghe cơ thể để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, từ đó có phương án điều trị kịp thời. Nếu tình trạng đau trở nên trầm trọng kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, bạn cần chủ động liên hệ tới cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị hiệu quả.  

Người dân có thắc mắc cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám, kiểm tra sức khỏe hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe tổng quát nói chung hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ. 

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ