Tin tức
Dấu hiệu đột quỵ não: nhận biết và phòng ngừa
- 21/06/2024 | Di chứng đột quỵ: những điều cần biết và cách khắc phục
- 26/06/2024 | Người bình thường có nên uống thuốc chống đột quỵ: lời khuyên từ bác sĩ
- 27/06/2024 | Giải đáp băn khoăn: tai biến và đột quỵ liệu có phải là một bệnh hay không?
1. Như thế nào là đột quỵ não?
Đột quỵ não là tình trạng một phần não bị giảm hoặc mất cung cấp máu nên bị thiếu oxy và dưỡng chất để duy trì hoạt động bình thường nên tế bào não bị tổn thương hoặc chết đi. Đột quỵ não được chia thành hai loại chính:
- Đột quỵ thiếu máu não: xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn, có tỷ lệ người mắc phải chiếm khoảng 80% số ca mắc bệnh.
- Đột quỵ xuất huyết não: xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, gây chảy máu vào mô não.
Mô phỏng tình trạng đột quỵ xuất huyết não
2. Dấu hiệu đột quỵ não và cách xử trí
2.1. Dấu hiệu đột quỵ não
Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ não là điều cực kỳ quan trọng để có thể can thiệp kịp thời, giúp giảm thiểu tối đa những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh:
2.1.1. Một bên cơ thể vận động yếu hoặc liệt
Một trong những dấu hiệu đột quỵ não dễ nhận biết nhất là một bên cơ thể bị yếu hoặc tê liệt. Bộ phận bị ảnh hưởng dễ nhận biết nhất là vùng mặt, tay, chân:
- Một bên mặt bệnh nhân bị xệ xuống, có thể nhận thấy rõ ràng khi người bệnh cố gắng cười, miệng méo, nhân trung lệch, mắt nhắm không kín.
- Không thể tự nâng một tay lên hoặc nâng được tay nhưng khó cử động và có cảm giác yếu.
- Cảm giác chân bị yếu hoặc không thể di chuyển được.
Một bên cơ thể bị yếu hoặc tê liệt hoàn toàn là dấu hiệu đột quỵ não
2.1.2. Rối loạn thị giác
Một trong những dấu hiệu đột quỵ não cần được lưu tâm nữa là vấn đề về thị giác. Người bệnh có thể gặp phải tình trạng sau:
- Một bên hoặc cả hai mắt bỗng nhiên không nhìn thấy.
- Nhìn mờ nên cảm giác mọi thứ xung quanh trông như bị che phủ bởi một lớp sương mù.
- Nhìn thấy hai hình ảnh thay vì một như bình thường.
2.1.3. Khó nói, khó hoặc không hiểu được lời người khác nói
Do đột quỵ não khiến tế bào não bị tổn thương, bị chết đi nên khi giao tiếp, người bệnh gặp tình trạng tình trạng:
- Nói lắp, nói không thành câu hoặc không thể nói được.
- Gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói của người khác nên phản ứng chậm hoặc không chính xác.
2.1.4. Đau đầu đột ngột, dữ dội
Đau đầu bất thường và dữ dội là một dấu hiệu đột quỵ não không nên bỏ qua, nhất là với quỵ xuất huyết. Người bệnh thường có biểu hiện:
- Đột nhiên cảm thấy đau đầu dữ dội như chưa từng gặp cơn đau đầu giống vậy trước đó.
- Cơn đau đầu có thể đi kèm với cảm giác buồn nôn hoặc bị nôn.
2.1.5. Chóng mặt, mất thăng bằng
Các vấn đề về thăng bằng và phối hợp cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ não:
- Người bệnh bị chóng mặt, mất thăng bằng và khó di chuyển.
- Cảm thấy lảo đảo, khó đứng vững hoặc khó đi lại bình thường.
2.1.6. Khó thở, đau ngực
Trong một số trường hợp, bệnh nhân đột quỵ có thể gặp phải các vấn đề về hô hấp và đau ngực với biểu hiện:
- Cảm thấy khó thở hoặc thở bị hụt hơi.
- Ngực đau, khó chịu.
2.1.7. Lú lẫn, thay đổi ý thức
Sự thay đổi ý thức hoặc trạng thái tinh thần đột ngột cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ não:
- Người bệnh có thể trở nên nhầm lẫn, không nhận biết được người thân hoặc môi trường xung quanh.
- Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể mất ý thức hoặc ngất xỉu.
2.2. Cách xử trí
Nguyên tắc FAST khi nhận diện và sơ cứu đột quỵ
Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ đột quỵ não như đã nói đến ở trên, những người xung quan cần gọi đến số 115 để người bệnh được cấp cứu ngay hoặc nhanh chóng đưa người bệnh tới địa chỉ y tế gần nhất.
Đối với bệnh nhân đột quỵ, cấp cứu kịp thời gian vàng là yếu tố quyết định trong việc cứu sống và giảm thiểu di chứng về sau. Vì thế, cần ghi nhớ nguyên tắc FAST sau đây để kịp thời nhận biết và có hành động giúp đỡ người bệnh:
- F (Face): kiểm tra xem mặt có bị xệ một bên không khi người bệnh cười.
- A (Arms): yêu cầu người bệnh giơ cả hai tay lên để xem có tay nào bị yếu hoặc rơi xuống không.
- S (Speech): yêu cầu người bệnh nói một câu đơn giản để xem có bị nói lắp hoặc khó nói không.
- T (Time): nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
3. Phòng ngừa đột quỵ não bằng cách nào?
Để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ, bạn có thể chủ động thực hiện các biện pháp:
- Theo dõi và duy trì huyết áp ổn định bằng cách sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa (nếu cần) và thay đổi lối sống.
- Ăn nhiều trái cây và rau xanh để tăng bổ sung vitamin và khoáng chất giúp cải thiện đề kháng.
- Giảm muối và chất béo bão hòa trong thực phẩm.
- Vận động hàng ngày ít nhất 30 phút với hoạt động thể chất vừa sức như đi bộ, chạy bộ, bơi lội,...
- Duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn và tập luyện để tránh thừa cân hoặc béo phì.
- Bỏ hút thuốc lá vì đây là tác nhân chính gây nên đột quỵ.
- Hạn chế rượu bia để không bị huyết áp và tránh các vấn đề không tốt cho sức khỏe.
- Thực hành các bài tập thư giãn giúp cải thiện đời sống tinh thần, giảm thiểu căng thẳng như: thiền, yoga, đọc sách, nghe nhạc,...
Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ não và biết cách hành động theo nguyên tắc FAST để kịp thời cứu sống người bệnh. Ghi nhớ các dấu hiệu đột quỵ vừa giúp bảo vệ bản thân vừa hỗ trợ cộng đồng tránh hoặc giảm thiểu được tối đa các nguy cơ do đột quỵ não gây ra.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!