Tin tức

Điều trị và phòng ngừa cơn đau thắt ngực

Ngày 18/10/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Cơn đau thắt ngực ở mỗi người có thể khác nhau về mức độ đau, tần suất xảy ra và các triệu chứng khác đi kèm. Dù như thế nào bạn cũng không được chủ quan với tình trạng này bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

1. Cơn đau thắt ngực là gì?

Cơn đau thắt ngực là cảm giác đau, tức và nặng ở vùng ngực, xảy ra khi động mạch vành bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn khiến cơ tim không nhận đủ máu hay thậm chí là bị ngưng cung cấp máu. Tình trạng kéo dài sẽ làm cơ tim bị tổn thương và suy yếu dần, nghiêm trọng hơn là hoại tử. Lúc này, người bệnh sẽ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có đột quỵ, tử vong.

Dựa vào nguyên nhân và mức độ, cơn đau thắt ngực được phân chia thành 2 dạng thường gặp như sau.

  • Cơn đau thắt ngực ổn định: Xảy ra khi động mạch vành xuất hiện các mảng xơ vữa gây chít hẹp lòng động mạch. Ở trạng thái bình thường động mạch vẫn đủ đáp ứng nhu cầu của cơ tim, tuy nhiên khi người bệnh lao động quá sức hoặc trải qua biến cố cảm xúc mạnh, dẫn đến co thắt lòng động mạch gây hẹp hơn hoặc tăng nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim. Khi đó, mạch vành không đáp ứng được nhu cầu của cơ tim dẫn tới những cơn đau thắt. Khi mọi thứ qua đi, cơn đau cũng nhanh chóng biến mất.
  • Cơn đau thắt ngực không ổn định: Xảy ra một cách đột ngột và bất cứ lúc nào. Nguyên nhân do các mảng xơ vữa bị bong hoặc do hình thành huyết khối trong lòng động mạch vành dẫn tới chít hẹp một phần hoặc hoàn toàn nhánh động mạch, làm cơ tim bị thiếu máu cục bộ. Thời gian đau kéo dài, nếu không được cấp cứu, người bệnh sẽ gặp nguy hiểm.

Đau thắt ngực cảnh báo bất thường về sức khỏe không được chủ quan

Đau thắt ngực cảnh báo bất thường về sức khỏe không được chủ quan

2. Nguyên nhân và biểu hiện đau thắt ngực

Bệnh động mạch vành là nguyên nhân chính gây ra cơn đau thắt ngực. Cụ thể, khi động mạch vành bị thu hẹp hay tắc nghẽn do chất béo bám và tích tụ, hoặc do cục máu đông hình thành sẽ cản trở máu lưu thông. Điều này khiến lưu lượng máu đến cơ tim giảm, tim không nhận đủ oxy và dưỡng chất, gây ra cơn đau. 

Ngoài ra, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đau thắt ngực, chẳng hạn như tuổi cao, người bị cao huyết áp, người béo phì, bệnh nhân tiểu đường, tiền sử đột quỵ, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch,…

Các biểu hiện của đau thắt ngực bao gồm:

  • Cảm giác đau nhói và như bị bóp nghẹt ở vùng sau xương ức.
  • Cơn đau từ ngực lan ra vai, cổ, hàm dưới và bụng trên.
  • Mức độ đau không đổi khi thay đổi tư thế, nhịp thở. 
  • Đi kèm với đau ngực là tình trạng khó thở, hụt hơi, chóng mặt,…

Một số cơn đau chỉ kéo dài vài phút, khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc sẽ hết. Nhưng cũng có cơn đau kéo dài nhiều giờ, không thuyên giảm dù đã áp dụng nhiều cách. Người bệnh cần thông báo tình trạng này với bác sĩ để hỗ trợ việc chẩn đoán và điều trị.

Tình trạng, mức độ đau thắt ngực ở mỗi người khác nhau

Tình trạng, mức độ đau thắt ngực ở mỗi người khác nhau

3. Điều trị đau thắt ngực

Nếu các cơn đau thắt ngực diễn ra thường xuyên và nghi ngờ do bệnh lý, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp chẩn đoán như siêu âm tim, điện tâm đồ, xét nghiệm chức năng gan thận, định lượng đường huyết,… Sau khi có kết quả chẩn đoán, người bệnh sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị sau.

Nghỉ ngơi

Với những cơn đau xuất hiện khi gắng sức, người bệnh cần chú trọng đến việc nghỉ ngơi. Trong khi nghỉ ngơi, áp lực lên tim sẽ giảm, nhờ đó, cơn đau cũng thuyên giảm và biến mất.

Dùng thuốc

Nếu đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ ở tim thì việc sử dụng thuốc là cần thiết. Một số loại thuốc được sử dụng trong trường hợp này bao gồm Aspirin (có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục huyết khối trong mạch máu), Nitrate (làm giãn những mạch máu bị thu hẹp), thuốc ức chế beta (giảm công co bóp và giúp tim đập chậm hơn).

Can thiệp mạch

Phương pháp điều trị này được chỉ định khi cơn đau thắt ngực không thuyên giảm dù người bệnh đã dùng thuốc, nghỉ ngơi và thay đổi thói quen sinh hoạt. Tùy vào nguyên nhân và tình trạng bệnh, người bệnh sẽ được phẫu thuật nong mạch vành, đặt stent mạch vành hoặc bắc cầu mạch vành. Mục đích là mở rộng và tạo độ thông thoáng cho những mạch máu bị thu hẹp, tắc nghẽn, giúp máu được lưu thông dễ dàng.

Dùng thuốc là một trong những phương pháp điều trị đau thắt ngực

Dùng thuốc là một trong những phương pháp điều trị đau thắt ngực

4. Phòng ngừa đau thắt ngực

Dù bạn đã được điều trị nhưng các cơn đau thắt ngực vẫn có khả năng tái phát và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Do đó, trong sinh hoạt hàng ngày, bạn cần chú ý đến những việc sau để phòng ngừa các cơn đau “quay lại” cũng như tránh để bản thân rơi vào các tình huống nguy hiểm.

Loại bỏ các yếu tố nguy cơ

Các bệnh lý và biến chứng tim mạch rất dễ xảy ra với những người thuộc nhóm có nguy cơ. Vì vậy, việc loại bỏ hoặc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ cũng là cách để bảo vệ sức khỏe tim mạch. 

  • Nói không với thuốc lá, rượu bia và chất kích thích.
  • Không thức khuya, không làm việc hay vận động quá sức. 
  • Tránh để căng thẳng kéo dài, tránh cảm xúc mạnh. 
  • Kiểm tra và theo dõi lượng đường huyết với bệnh nhân bị tiểu đường.
  • Kiểm soát mức cholesterol trong máu với bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu.
  • Duy trì huyết áp ổn định với bệnh nhân bị cao huyết áp.

Thay đổi chế độ ăn uống

Với người mắc bệnh tim mạch, trong chế độ ăn cần tránh tiêu thụ mỡ và nội tạng động vật, thịt đỏ, lòng đỏ trứng,… Chú ý bổ sung các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, hạt, đậu, cá hồi, cá ngừ, dầu ô liu, dầu hạnh nhân,…

Rèn luyện thể chất mỗi ngày

Tâm lý chung của những người mắc bệnh tim là sợ vận động, tránh vận động vì lo lắng sẽ làm tim đập nhanh, gây biến chứng. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến khích người bệnh rèn luyện thể chất mỗi ngày bằng những bài tập vừa sức như đi bộ, yoga,… và thời gian tập không cần quá nhiều, chỉ 30 phút/ ngày hoặc khi thấy cơ thể ra mồ hôi là được.

Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn mỗi ngày để phòng ngừa bệnh

Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn mỗi ngày để phòng ngừa bệnh

Chúng ta đã cùng tìm hiểu chi tiết về cơn đau thắt ngực. Nếu bạn thường xuyên xuất hiện cơn đau này, hãy nhanh chóng đi khám. Một trong những địa chỉ khám chất lượng để bạn lựa chọn là Chuyên khoa Tim mạch của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách hãy gọi 1900 56 56 56 để đặt lịch ngay hôm nay.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.