Tin tức

Enterovirus 71 nguyên nhân của bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Ngày 05/05/2020
KTV. Vũ Thị Nga - Trung tâm xét nghiệm
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa và đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh biểu hiện những triệu chứng đa dạng và có thể gây ra những biến chứng vô cùng nặng nề. Enterovirus 71 là một tác nhân gây bệnh vậy Enterovirus 71 gây bệnh như thế nào?

1. Enterovirus 71 là gì?

EV71 còn được gọi là Enterovirus A71 ( EV - A71 ) là một loại virus thuộc họ Picornavirus và thuộc nhóm Enterovirus. Một loại virus có kích thước phân tử rất nhỏ và được tìm ra vào lần đầu tiên vào năm 1956. 

Enterovirus có sức đề kháng tương đối tốt, chúng có sống lâu hơn ở điều kiện nhiệt độ lạnh giá. Đặc biệt chúng không bị ảnh hưởng đến sự sống và sự phát triển ở các điều kiện nhiệt độ bình thường, khô ráo. Nhưng chúng lại dễ dàng bị bất hoạt bởi các hóa chất tẩy rửa thông thường (như Cl, KMnO4, formol, H2O2). 

Enterovirus 71 là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng ở trẻ em (TCM) ngoài ra chúng còn có khả năng gây nên các bệnh ở hệ thần kinh trung ương (viêm màng não). 

Hình 1: Virus Enterovirus 71

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, Enterovirus sẽ sinh sống chủ yếu tại niêm mạc má hoặc ở vị trí niêm mạc ruột vùng hồi tràng. Sau khoảng 24 giờ, chúng sẽ di chuyển đến các hạch bạch vùng huyết xung quanh, rồi xâm nhập vào máu gây ra tình trạng nhiễm trùng máu trong một khoảng thời gian. Từ máu, virút được chuyển đến niêm mạc miệng và da. Thời kỳ ủ bệnh do virus gây ra thường kéo dài khoảng từ 3 - 7 ngày. 

Enterovirus 71 được đào thải qua đường tiêu hóa (phân) ngoài ra còn có ở dịch hầu họng nên chúng xuất hiện ngoài môi trường do phân mang virus cùng các chất khạc nhổ của người mắc bệnh TCM hoặc người lành mang virut này. Enterovirus 71 sản sinh ra chất độc có độc tính rất mạnh. Chúng có khả năng làm ảnh hưởng đến hệ chức thần kinh trung ương gây ra những triệu chứng lâm sàng nặng và có thể để lại những biến chứng nặng nề.

2. Bệnh tay chân miệng có những biểu hiện như thế nào?

Bệnh thường xuất hiện với các triệu chứng ban đầu là sốt nhẹ hoặc cao, tiếp đó các bọng nước xuất hiện ở niêm mạc miệng (ở nướu răng, bên trong má, lưỡi) và ban đỏ ở bàn tay, bàn chân. Các ban đỏ này dần biến thành các bọng nước.

Các ban đỏ và/hoặc bọng nước của bệnh có đặc điểm đặc là không xuất hiện ở gan bàn tay hoặc gan bàn chân, thường không ngứa. Bệnh được gọi là tay chân miệng vì những nốt ban và bọng nước này chủ yếu xuất hiện ở tay, chân và miệng. Ngoài ra chúng ta còn có thể thấy chúng ở mông.

Các bọng nước ở miệng vỡ ra, gây loét sẽ khiến cho trẻ đau đớn, vì sợ đau nên trẻ không dám ăn, sợ ăn dẫn đến trẻ thường bị sụt cân. 

Các bọng nước ở tay, chân khi vỡ ra rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ, dẫn đến mưng mủ khiến cho bệnh càng nặng hơn. 

Hầu hết các trường hợp bị bệnh TCM sẽ tự khỏi do cơ thể có khả năng sản xuất ra kháng thể chống lại virus, nhưng nếu tác nhân gây bệnh là EV71 thì có khả năng bệnh sẽ diễn biến phức tạp và nặng nề hơn, nhất là khi virus có ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương khả năng sẽ gây ra bệnh viêm màng não điển hình với triệu chứng cơ bản là sốt cao, nhức đầu, cứng cổ, buồn nôn, nôn vọt.

Hình 2: Các triệu chứng bệnh tay chân miệng

Enterovirus cảm nhiễm với tất cả mọi lứa tuổi nhưng không phải tất cả người mang virus đều bị bệnh mà bệnh chỉ xuất hiện ở những cơ thể không có miễn dịch chống lại Enterovirus như trẻ nhũ nhi, trẻ em, ngay cả thiếu niên, người trưởng thành nếu chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh TCM. 

Tùy thuộc vào tác nhân gây ra bệnh TCM là do EV71 hay do EVA16 thì tiên lượng sẽ khác nhau. Nếu do Enterovirus A16 gây ra thì bệnh thường diễn biến nhẹ, tự khỏi sau từ 7 - 10 ngày, nhưng nếu tác nhân gây ra bệnh là EV71 thì có thể xuất hiện những biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim cấp, viêm phổi hoặc viêm màng não, thậm chí có thể gây tử vong.

3. Có những phương pháp nào có thể phòng bệnh tay chân miệng?

Bệnh TCM là một bệnh do virus Enterovirus gây ra. Virus này lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết ra ở miệng, họng, mũi hoặc dịch tiết từ các bọng nước ở tay, chân, miệng hay phân của người mang virus. 

Bệnh cũng được lây truyền gián tiếp do quá trình tiếp xúc với các đồ chơi, quần áo, dụng cụ ăn uống, chăn màn của người bệnh. Cho nên, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh TCM cần cho trẻ ở nhà không đến những nơi công cộng, đông người, tránh cho trẻ tiếp xúc với người lành để ngăn ngừa lây nhiễm virus ra cộng đồng.

Hiện nay chưa có chưa có vắc - xin phòng bệnh đặc hiệu cho EV71 cho nên phương pháp phòng bệnh tốt nhất là giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày nhất là rửa sạch tay, chân thường xuyên bằng xà phòng. Các loại vật dụng cá nhân như quần áo, tã lót, khăn, bát, thìa, cốc, chén,… của trẻ bị bệnh TCM cần phải được xử lý, sau khi đã xử lý sạch bằng xà phòng cần phải sát khuẩn lại bằng nước sôi hoặc nước có pha hóa chất cloramin B.

Hình 3: Rửa tay thường xuyên cho trẻ là biện pháp phòng bệnh TCM hữu hiệu

Nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, lỏng mà trẻ ưa thích. Không cho trẻ ăn thức ăn rắn, cay, nóng. Cần chú ý  hạn chế hết mức đụng chạm đến các vết loét trong miệng trẻ. Đụng chạm sẽ làm cho trẻ càng đau miệng thêm và khiến trẻ sẽ sợ hãi không dám ăn. Như vậy trẻ sẽ bị gầy sút gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành kháng thể chống lại virus trong cơ thể của trẻ. 

Trẻ bị bệnh TCM nếu xuất hiện một số các biểu hiện khác thường cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế chuyên khoa để ngăn ngừa các biến chứng xấu của bệnh.

4. Các phương pháp chẩn đoán trong phòng xét nghiệm

Hiện nay đã có nhiều phương pháp phát hiện ra nguyên nhân gây ra bệnh trong các phòng xét nghiệm như:

Nuôi cấy, phân lập virus từ các bệnh phẩm như phân, dịch hầu họng, dịch tại các nốt bọng nước, dịch não tủy. Tuy nhiên phương pháp nuôi cấy này đòi hỏi thời gian và kỹ thuật cao nên hiện nay ít được sử dụng.

Xét nghiệm huyết thanh học tìm kháng thể kháng virus trong máu. Kỹ thuật này đang được phát triển, nhưng có thể cho kết quả dương tính giả và giá trị dự báo dương tính thấp.

Xét nghiệm sinh học phân tử PCR phát hiện ARN của virus trong dịch hầu họng, dịch não tủy và các dịch tiết ở các nốt bọng nước. Kỹ thuật này hiện nay đang được áp dụng nhiều vì có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang gián tiếp sử dụng kháng thể đơn dòng kháng EV71 cho kết quả nhanh nhưng giá thành cao.

Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh tay chân miệng cần đưa trẻ đến ngay các trung tâm y tế có uy tín để được thăm khám, tư vấn và điều trị nhanh chóng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn cố gắng nỗ lực để mang đến cho khách hàng những dịch vụ về vấn đề chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất đem đến sự hài lòng của mọi khách hàng đến với bệnh viện.

Gọi điện đến tổng đài 1900 565656 để được tư vấn, đặt lịch thăm khám nhanh chóng nhất

Từ khoá: Enterovirus 71

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.