Tin tức
Giãn phế quản xảy ra do đâu, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
- 23/07/2022 | Cách sử dụng thuốc giãn phế quản hiệu quả và an toàn
- 01/08/2022 | Giãn phế quản có nguy hiểm không? Những vấn đề người bệnh cần lưu ý
- 02/08/2022 | Những điều bạn cần biết về giãn phế quản bội nhiễm
1. Nguyên nhân gây giãn phế quản là gì?
Phế quản là cơ quan đảm nhận chức năng dẫn truyền khí đi vào sâu bên trong phổi, phân chia thành nhiều nhánh nhỏ, tạo thành cây phế quản. Giãn phế quản xảy ra khi ống phế quản giãn nở, rộng hơn bình thường và mất đi tính đàn hồi, không thể khôi phục lại trạng thái ban đầu. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể do:
Dị tật bẩm sinh
Phế quản giãn nở thường xảy ra với những người bị tình trạng phổi ngoại vi kém phát triển bẩm sinh. Ngoài ra, bệnh nhân có hội chứng rối loạn vận động nhung mao nguyên phát cũng có khả năng cao gặp hiện tượng phế quản giãn rộng và một số bệnh lý khác như viêm mũi, viêm xoang,… Một số loại dị tật khác cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị giãn phế quản mà bạn nên lưu ý gồm:
● Hội chứng Mounier- Kuhn do khiếm khuyết xảy ra tại tổ chức liên kết thành phế quản dẫn đến hiện tượng phế quản phì đại, giãn nở.
● Hội chứng móng tay vàng bẩm sinh làm giảm khả năng sản xuất hệ thống bạch huyết dẫn đến phù bạch huyết nguyên phát.
Phế quản bị giãn rộng sẽ không có khả năng phục hồi hoàn toàn
Bệnh lý về đường hô hấp
Những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp xảy ra trong thời gian dài sẽ làm tăng khả năng bị giãn phế quản, có thể kể đến là:
● Nhiễm trùng đường hô hấp, viêm mũi, viêm xoang,…
● Nhiễm trùng đường phổi như viêm phổi, ho gà, nấm phổi,…
Những bệnh này thường có đặc điểm tái phát nhiều lần khiến dịch nhầy ứ đọng ở các sợi cơ của phế quản. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến giãn nở phế quản. Bệnh có thể nghiêm trọng hơn nếu dịch đờm không được giải phóng gây áp lực lên phổi và phế quản.
Những nguyên nhân khác
Ngoài những yếu tố trên thì một số nguyên nhân khác cũng khiến phế quản dễ bị giãn nở là:
● Làm việc thường xuyên trong môi trường ô nhiễm, chứa nhiều khói bụi, hóa chất độc hại,… dẫn đến nhiều bệnh lý về đường hô hấp, phổi bao gồm cả phế quản giãn nở.
● Người bị nhiễm HIV hoặc trẻ em có hệ miễn dịch kém, thiếu hụt Gamma Globulin trong máu.
● Nếu trong gia đình có người thân bị bệnh hoặc tiền sử bị bệnh giãn phế quản thì bạn thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Người tiếp xúc thường xuyên với không khí bị ô nhiễm dễ bị giãn phế quản
2. Triệu chứng khi phế quản giãn rộng
Tùy theo mức độ bệnh lý và tình trạng sức khỏe mà biểu hiện khi phế quản giãn rộng sẽ khác nhau. Một số triệu chứng phổ biến thường gặp là:
● Ho có đờm dai dẳng diễn ra trong nhiều tháng, thường xuyên khạc nhổ đờm, đôi khi có lẫn mủ,
● Một số trường hợp ho ra máu, nhiễm trùng phế quản cấp tính.
● Tiếng thở ngắn, nghe có tiếng rít, khò khè.
● Đau tức ngực thường xuyên đi kèm là tình trạng khó thở.
● Bệnh kéo dài dẫn đến mệt mỏi, người uể oải, ăn uống không ngon, rối loạn giấc ngủ, kém tập trung, sụt cân,…
3. Chẩn đoán, điều trị và chế độ chăm sóc bệnh nhân giãn phế quản
Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ phế quản giãn rộng thì tốt nhất bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa sớm để thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chẩn đoán
Trước tiên bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng mà bạn đang gặp phải kết hợp đánh giá lâm sàng thông qua thăm khám, khai thác thông tin về tiền sử mắc bệnh sau đó chỉ định các phương pháp khám cận lâm sàng như:
● Chụp X - quang lồng ngực để tìm kiếm ổ viêm trong phổi, phát hiện hình ảnh giãn phế quản trên phim chụp X-quang,…
● Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực lát mỏng, độ phân giải cao, giúp bác sĩ quan sát được hình ảnh cụ thể bên trong và chẩn đoán phế quản của bệnh nhân có bị giãn rộng hay không đồng thời xác định, phân loại giãn phế quản và vị trí nhánh phế quản bị giãn.
● Một số phương pháp khác: Xét nghiệm máu, định lượng IgG, IgM, IgA, cấy đờm, đo chức năng hô hấp,…
Chụp X - quang lồng ngực để xác định các ổ viêm ở đường hô hấp
Điều trị
Hiện nay, chưa có phương pháp nào cho hiệu quả khôi phục hoàn toàn phế quản bị giãn rộng. Các biện pháp điều trị chủ yếu nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và hạn chế bệnh tiến triển nghiêm trọng gây nguy hiểm. Phương pháp điều trị phổ biến được áp dụng hiện nay là:
● Phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp, phổi và phế quản.
● Ngăn ngừa tình trạng phế quản giãn rộng nhiều hơn.
● Điều trị triệu chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân
Chế độ chăm sóc
Mặc dù không thể chữa khỏi nhưng người bệnh có thể sống “hòa bình” với tình trạng phế quản bị giãn nếu tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa về liệu trình điều trị và chế độ chăm sóc. Một số lưu ý dành cho bệnh nhân bị giãn phế quản là:
● Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối ấm pha loãng để loại bỏ và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây viêm nhiễm.
● Môi trường không khí cần phải đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh chăn, ga, gối, mền thường xuyên, tránh tiếp xúc với các chất kích thích như phấn hoa, lông thú cưng,…
● Nên nằm ngửa và kê gối cao để hô hấp không bị cản trở.
● Khi bị ho nhiều nên nằm nghiêng một bên, kê cao đầu, giữ ấm cơ thể, uống nước ấm, khạc để tống dịch đờm ra ngoài.
● Hạn chế đến những nơi có nhiều khói thuốc lá, hóa chất độc hại, không khí ô nhiễm,… nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì cần có đồ bảo hộ.
● Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, ưu tiên các loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa, thanh đạm, bổ sung nhiều rau, củ, quả và thực phẩm giúp giảm ho, hỗ trợ cầm máu như ngó sen, hạch hạnh nhân, hạt bí đao,…
● Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá, hạn chế thực phẩm có tính kích thích như đồ cay, nóng, dầu mỡ,… hoặc các loại thực phẩm lạnh.
Khách hàng khám tại chuyên Khoa Hô Hấp của MEDLATEC
Giãn phế quản là căn bệnh nguy hiểm mà bất kỳ ai cũng không được chủ quan. Nếu có biểu hiện nghi ngờ, bạn có thể tìm đến các cơ sở của Hệ thống Y tế MEDLATEC để bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, chẩn đoán và lên phương án điều trị hiệu quả. Để đặt lịch khám, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 565656 của MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!