Tin tức
Hướng dẫn cách xử trí trẻ sốt cao co giật khi bị cúm, hạn chế các biến chứng nguy hiểm
- 09/02/2025 | Trẻ bị cúm A: Thông tin cần biết để phòng tránh, phát hiện và điều trị bệnh sớm
- 09/02/2025 | Cảnh báo những biểu hiện cúm A ở trẻ em cha mẹ cần cẩn trọng
- 13/02/2025 | Truyền dịch khi bị cúm có sao không, có tự truyền dịch tại nhà được không?
1. Sốt cao, co giật khi trẻ bị cúm: Biểu hiện và nguyên nhân
1.1. Về triệu chứng sốt cao, co giật ở trẻ mắc cúm
Cúm là bệnh nhiễm virus cúm cấp tính qua đường hô hấp, diễn ra quanh năm nhưng dễ bùng phát mạnh vào mùa đông - xuân. Khi bị cúm, người bệnh dễ có triệu chứng đau đầu, đau cơ, sốt, mệt mỏi, đau họng, ho, có thể kèm tiêu chảy, buồn nôn, nôn,...
Bệnh cúm thường diễn biến nhẹ và hồi phục sau 2 - 7 ngày. Trẻ em là một trong các đối tượng có thể diễn biến nặng khi mắc cúm. Trẻ có thể sốt cao trên 38 độ C, cơn sốt thường kéo dài và lên xuống không ổn định.
Khi sốt cao, da của trẻ thường chuyển sang màu đỏ do mạch máu giãn nở. Sốt cao cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị mệt mỏi, chán ăn, có dấu hiệu mất nước và co giật. Trường hợp nặng, trẻ bị sốt cao, co giật có thể mất ý thức hoặc có suy hô hấp.
Sốt cao do cúm trong một số trường hợp có thể khiến trẻ bị co giật
1.2. Nguyên nhân khiến trẻ sốt cao, co giật khi bị cúm
Muốn thực hiện biện pháp xử trí trẻ sốt cao co giật khi bị cúm hiệu quả, trước tiên, cha mẹ cần biết nguyên nhân gây nên hiện tượng này ở trẻ. Sốt cao là phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể trẻ gặp virus cúm. Sự phản ứng này dẫn đến việc giải phóng các chất trung gian gây viêm làm tăng thân nhiệt.
Mặt khác, virus cúm có khả năng lây lan nhanh và gây tổn thương cho các tế bào trong cơ thể. Khi virus phát triển mạnh, hệ thống bảo vệ của cơ thể không kịp thời điều chỉnh nên trẻ dễ bị sốt cao. Đôi khi, cúm có thể gây ra biến chứng ở nhiều cơ quan như phổi, tai, hệ thần kinh,... đây cũng là nguyên nhân góp phần làm tăng nhiệt độ cơ thể của trẻ.
Trẻ bị sốt cao liên tục, nhiệt độ tăng quá nhanh cũng ảnh hưởng đến hoạt động của não. Điều này dẫn đến các cơn co giật không tự chủ. Đặc biệt, với trẻ dưới 5 tuổi, do hệ thần kinh chưa phát triển hoàn chỉnh, khi đối mặt với cơn sốt cao, não bộ dễ phản ứng quá mức và gây ra co giật. Một số trẻ có yếu tố di truyền cũng dễ bị co giật khi sốt.
2. Biến chứng của sốt cao, co giật khi trẻ bị cúm
Nếu xử trí trẻ sốt cao co giật khi bị cúm không đúng cách, trẻ có thể đứng trước nhiều nguy cơ biến chứng như:
- Ảnh hưởng đến não bộ
Các cơn co giật kéo dài hoặc lặp đi lặp lại có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết các cơn sốt co giật đều không gây ra tổn thương não lâu dài nếu được xử trí kịp thời.
- Rối loạn giấc ngủ
Sau cơn co giật, trẻ có thể khó ngủ hoặc bị rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.
- Tăng nguy cơ bị tái phát
Một số trẻ có thể dễ bị co giật trở lại trong những lần sốt cao sau này. Điều này đòi hỏi phụ huynh cần theo dõi kỹ lưỡng và có biện pháp dự phòng.
- Biến chứng khác
Sốt cao kéo dài có thể khiến trẻ mất nhiều nước. Mất nước sẽ làm giảm nồng độ điện giải trong cơ thể. Ngoài ra, sốt cao do cúm còn dễ làm suy giảm hệ thống miễn dịch, khiến trẻ mắc thêm các bệnh nhiễm trùng khác như viêm phổi, viêm tai giữa,… Khi không được điều trị kịp thời, chăm sóc tích cực, trẻ dễ bị suy nhược, thiếu năng lượng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện về sau.
Xử trí trẻ sốt cao co giật khi bị cúm không đúng cách có thể khiến trẻ bị rối loạn giấc ngủ, suy giảm thần kinh não bộ
3. Hướng dẫn chi tiết cách xử trí trẻ sốt cao co giật khi bị cúm
Việc xử trí trẻ sốt cao co giật khi bị cúm được thực hiện kịp thời và đúng cách giúp giảm nguy cơ biến chứng và tăng tốc độ phục hồi ở trẻ.
3.1. Xử trí ban đầu tại nhà
Nếu phát hiện trẻ sốt cao, co giật khi bị cúm, trước tiên, cha mẹ cần giữ bình tĩnh và:
- Theo dõi nhiệt độ 2 - 3 giờ/lần, nếu trẻ sốt >38.5 độ C hãy cho trẻ uống Paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần/đặt hậu môn, liều thứ 2 cách xa liều thứ nhất > 4 - 5 giờ để giảm đau đầu, đau cơ và sốt.
- Chườm ấm lên nách, bẹn, trán của trẻ để hạ nhiệt. Nới lỏng quần áo, cởi bỏ tất tay, tất chân nếu có.
- Đặt trẻ ở nơi an toàn, tránh để trẻ ngã hoặc va chạm với vật cứng. Nên đặt trẻ trên bề mặt mềm như nệm hoặc gối.
- Hãy đặt trẻ nằm nghiêng để ngăn ngừa tình trạng hóc sặc khi trẻ nôn.
- Ghi nhớ thời gian bắt đầu và kết thúc của cơn co giật. Quan sát màu da, nhịp thở và mức độ tỉnh táo của trẻ.
- Cho trẻ uống đủ nước và bù điện giải cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất. Cha mẹ hãy cố gắng khuyến khích trẻ uống nước, nước ép trái cây, nước dừa, nước rau, sữa,... để tránh tình trạng mất nước do sốt cao.
- Cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất, hoa quả giàu vitamin C, đồ ăn dễ tiêu.
3.2. Đưa trẻ đến cơ sở y tế
Trong quá trình theo dõi tại nhà, thực hiện các bước xử trí trẻ sốt cao co giật khi bị cúm như đã đề cập ở trên, nếu trẻ có biểu hiện sau, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế ngay:
- Sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Cơn co giật kéo dài trên 5 phút.
- Da xanh hoặc tím.
- Quấy khóc nhiều.
- Trẻ sơ sinh khóc có biểu hiện co giật.
- Sốt kèm phát ban.
- Ngủ li bì, khó đánh thức.
Gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám nếu trẻ sốt cao, co giật khi bị cúm
Sau điều trị cúm, trẻ đã từng sốt cao, co giật vẫn cần được theo dõi sức khỏe vài ngày để dự phòng, phát hiện sớm các dấu hiệu biến chứng. Nếu con có các biểu hiện lạ, phụ huynh nên thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Những chia sẻ trên đây mong rằng sẽ giúp các bậc cha mẹ yên tâm hơn trong quá trình chăm sóc, xử trí trẻ sốt cao co giật khi bị cúm. Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải tình trạng này hoặc biến chứng do cúm, cha mẹ hãy cho con tiêm phòng cúm hằng năm, giữ ấm cho trẻ và hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người vào mùa cúm.
Nếu nghi ngờ trẻ có triệu chứng cúm và cần được sự hỗ trợ từ chuyên gia y tế, cha mẹ có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn dịch vụ xét nghiệm cúm tại nhà, hướng dẫn chăm sóc trẻ đúng cách trong mùa cúm.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
![bác sĩ lựa chọn dịch vụ](/media/35762/file/image_2024-10-25_15-20-17.png)