Tin tức

Lách to độ 1 là gì, có nguy hiểm hay không?

Ngày 10/12/2024
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Lách là cơ quan đảm nhiệm nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt là đối với tế bào máu và hệ thống miễn dịch. Trường hợp lách tăng nhẹ về kích thước được gọi là lách to độ 1. Cụ thể, tình trạng này gây nên ảnh hưởng gì đến sức khỏe và có thể khắc phục ra sao, bài viết sau sẽ đề cập chi tiết để bạn đọc hiểu rõ.

1. Vai trò của lá lách đối với cơ thể

Lách được bao bọc bởi một lớp vỏ mỏng, bên trong là hệ thống mạch máu và các mô bạch huyết. Lách có hình bầu dục, dài khoảng 11 - 12cm. Lách người trưởng thành có trọng lượng khoảng 150 - 200g. 

Đối với cơ thể, lách có vai trò:

- Lọc máu và loại bỏ tế bào máu cũ

Lách đóng vai trò loại bỏ các tế bào hồng cầu già cỗi hoặc bị tổn thương để đảm bảo chất lượng máu. 

- Hỗ trợ hệ miễn dịch

Lách là nơi sản xuất và lưu trữ các tế bào bạch cầu, đặc biệt là tế bào lympho B và T, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

- Dự trữ máu dự phòng

Lách có khả năng dự trữ một lượng lớn máu và tiểu cầu. Trong trường hợp mất máu đột ngột, lách sẽ phóng thích lượng máu này để bù đắp cho cơ thể.

- Sản xuất kháng thể

Khi cơ thể bị nhiễm trùng, lách sản sinh ra kháng thể nhằm tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, đóng vai trò như một tuyến phòng thủ quan trọng của cơ thể.

Hình ảnh minh họa giải phẫu lá lách

Hình ảnh minh họa giải phẫu lá lách

2. Lách to độ 1: Nguyên nhân và triệu chứng

2.1. Như thế nào là lách to độ 1?

Theo hệ thống Hackett, lách gồm 4 độ từ độ 0 đến độ 4. Độ 0 bình thường không sờ thấy lách. 

Lách to độ 1 được hiểu là lá lách kéo dài từ bờ lách tới gần 1/4 đường từ mạn sườn trái đến rốn.

2.2. Nguyên nhân gây lách to độ 1

Lách to thường là hậu quả thứ phát sau các rối loạn khác nhau và có thể do nhiều nguyên nhân. Lách to độ 1 thường là do:

- Nhiễm trùng: Mắc phải bệnh sốt rét, viêm gan, virus EBV.

- Bệnh lý về rối loạn miễn dịch: Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp.

- Rối loạn huyết học: Thiếu máu huyết tán, tăng sinh tủy xương.

- Bệnh về gan: Thường gặp nhất là xơ gan hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

- Ung thư và khối u: Các bệnh ung thư máu, ung thư hạch bạch huyết.

2.3. Triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân bị lách to độ 1

Các triệu chứng ở bệnh nhân lách to độ 1 thường ít khi xuất hiện. Một số ít có tình trạng:

- Lá lách chèn ép dạ dày gây cảm giác chướng bụng.

- Khó chịu hoặc đau bên trên bụng trái.

- Mệt mỏi nếu lách hoạt động quá mức, tiêu tốn nhiều năng lượng của cơ thể.

- Đôi khi bị giảm cân không rõ nguyên nhân.

3. Mức độ ảnh hưởng của lách to độ 1 đối với sức khỏe

Lách to độ 1 là tình trạng nhẹ nhất trong các mức độ phình to của lách. Ở giai đoạn này, lách chỉ tăng kích thước nhẹ và chưa gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây nên nhiều ảnh hưởng nếu không được kiểm soát tốt:

- Tăng kích thước lá lách nhanh chóng

Nếu nguyên nhân gây ra lách to không được điều trị, lách có thể tiếp tục phình to, dẫn đến các biến chứng như suy giảm miễn dịch hoặc vỡ lách.

- Ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch

Lách to có thể làm giảm hiệu suất hoạt động của hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng.

- Tăng nguy cơ làm trầm trọng bệnh lý sẵn có

Các bệnh lý như nhiễm trùng, bệnh máu hoặc xơ gan nếu đồng thời bị lách to độ 1 nhưng không được kiểm soát tốt, bệnh có thể trở nên nặng hơn.

Lá lách to độ 1 không được kiểm soát tốt dễ tăng nhanh về kích thước, nguy hiểm đến chức năng gan

Lá lách to độ 1 không được kiểm soát tốt dễ tăng nhanh về kích thước, nguy hiểm đến chức năng gan

4. Chẩn đoán lách to độ 1 bằng cách nào?

4.1. Khi nào lách to độ 1 trở nên nguy hiểm?

Lách to độ 1 sẽ trở nên nguy hiểm nếu xuất hiện các dấu hiệu như:

- Đau bụng trên bên trái ngày càng nặng.

- Cảm giác chèn ép dạ dày gây khó chịu hoặc chán ăn.

- Sốt cao, mệt mỏi hoặc thiếu máu không rõ nguyên nhân.

4.2. Chẩn đoán lách to độ 1

Mặc dù không nguy hiểm ngay lập tức, nhưng việc xác định và điều trị nguyên nhân gây ra lách to độ 1 là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp kiểm soát tình trạng mà còn ngăn ngừa các biến chứng tiềm ẩn trong tương lai.

4.2.1. Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng bụng trên bên trái để phát hiện sự gia tăng kích thước của lách. Một số trường hợp, lách to nhẹ có thể không sờ thấy được, đòi hỏi thực hiện thêm các kiểm tra hình ảnh.

4.2.2. Chẩn đoán hình ảnh

- Siêu âm bụng: Giúp xác định chiều dài và độ dày của lách, từ đó phân loại mức độ lách to.

- Chụp CT hoặc MRI: Chỉ định trong trường hợp cần đánh giá chi tiết cấu trúc và mối liên quan của lách với các cơ quan xung quanh từ đó xác định nguyên nhân gây lách to.

Ngoài ra, nếu thấy cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để phát hiện thiếu máu, nhiễm trùng hoặc các rối loạn máu khác đồng thời đánh giá chức năng gan và khả năng miễn dịch của cơ thể.

5. Bệnh nhân bị lách to độ 1 nên làm gì?

Người bị lách to độ 1 cần khám để tìm nguyên gây lách to và điều trị theo căn nguyên nếu có. Sau đó:

5.1. Tái khám định kỳ

Người bệnh nên tái khám 3 - 6 tháng/lần hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi sự thay đổi về kích thước và chức năng của lách. Từ kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ có phương án khắc phục cụ thể.

Điều trị lách to độ 1 cần dựa trên chính nguyên nhân làm tăng kích thước lá lách. Thông thường, nếu chỉ do nhiễm trùng nhẹ, lách có thể tự phục hồi. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân là bệnh lý mạn tính thì cần điều trị bệnh lý để ngăn ngừa biến chứng.

Trường hợp xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau bụng, sốt, hoặc xuất huyết người bệnh cũng cần thăm khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu lách đang có khả năng tiến triển sang mức độ nguy hiểm hơn.

Bác sĩ chuyên khoa siêu âm, đánh giá tình trạng lá lách to ở bệnh nhân

Bác sĩ chuyên khoa siêu âm, đánh giá tình trạng lá lách to ở bệnh nhân

5.2. Duy trì chế độ sống lành mạnh

Duy trì chế độ sống lành mạnh sẽ góp phần kiểm soát tình trạng lách to độ 1, ngăn ngừa bệnh tiến triển:

- Cân đối chế độ ăn bằng cách: tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, hạn chế tiêu thụ đồ ăn nhiều dầu mỡ và đồ uống có cồn để tránh tạo thêm áp lực lên gan và lách,...

- Tránh các hoạt động mạnh hoặc môn thể thao có nguy cơ va chạm cao gây chấn thương vùng bụng.

- Sử dụng dây an toàn khi lái xe để giảm nguy cơ chấn thương vùng bụng khi xảy ra tai nạn.

- Duy trì vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe mà không gây áp lực lên lách, tránh các bài tập nặng hoặc đòi hỏi sức bền cao.

Lách to độ 1 là tình trạng lách phình to nhẹ, thường không gây nguy hiểm ngay lập tức. Tuy nhiên, người bệnh cần được đánh giá đúng và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe và ngăn chặn nguy cơ tiến triển của bệnh.

Quý khách hàng đang gặp triệu chứng nghi ngờ bệnh lý ở lách có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ