Tin tức
Lỵ trực khuẩn: Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh
Key: Lỵ trực khuẩn
Tít: Lỵ trực khuẩn: Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh
Lỵ trực khuẩn là tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cấp tính và cần được điều trị kịp thời để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về triệu chứng, cách điều trị cũng như một số phương pháp phòng ngừa lỵ trực khuẩn hiệu quả.
1. Lỵ trực khuẩn có thể lây nhiễm và tạo thành dịch
Bệnh lỵ trực khuẩn do trực khuẩn Shigella, thuộc họ vi khuẩn đường ruột Enterobacteriae gây ra. Loại trực khuẩn này thuộc loại trực khuẩn gram (-), với kích thước từ 1-3 mm, không thể di động và hình thành dễ dàng ở môi trường thạch lỏng 37 độ C.
Lỵ trực khuẩn do trực khuẩn Shigella gây ra
Đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh nhưng trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lỵ trực khuẩn. Bên cạnh đó. Ở Việt Nam, lỵ trực khuẩn là một trong hai bệnh truyền nhiễm có số lượng người mắc lớn nhất (viêm gan virus và lỵ trực khuẩn). Căn bệnh này thường xảy ra vào mùa hè, nhất là những vùng có điều kiện vệ sinh kém.
- Lỵ trực khuẩn có thể lây qua nhiều con đường khác nhau và tạo nên dịch bệnh:
+ Có thể lây từ người sang người bằng đường phân – miệng:
+ Do thức ăn, nước uống có chứa vi khuẩn gây bệnh.
+Do khâu chế biến thức ăn không vệ sinh, do ruồi nhặng,...
2. Triệu chứng của bệnh lỵ trực khuẩn
2.1. Triệu chứng bệnh qua từng giai đoạn
Ở mỗi giai đoạn khác nhau, lỵ trực khuẩn có thể gây ra những triệu chứng khác nhau, cụ thể như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Thông thường giai đoạn này sẽ diễn ra khoảng 1 đến 5 ngày và bệnh nhân thường không gặp phải những triệu chứng đặc trưng.
- Giai đoạn khởi phát: Ở giai đoạn này, bệnh thường diễn biến đột ngột và người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như:
+ Sốt cao, có thể lên tới 39 đến 40 độ C, rét run và có cơn gai lạnh, cơ thể đau nhức và mệt mỏi, không muốn ăn,... Trẻ nhỏ có thể sốt cao và co giật.
+ Người bệnh thường xuyên buồn nôn, đi ngoài phân lỏng và kèm theo triệu chứng đau quặn bụng thành từng cơn.
Trẻ bị bệnh thường xuyên đi ngoài
- Thời kỳ toàn phát: Những biểu hiện ngày càng rõ ràng và nghiêm trọng:
+ Đau quặn vùng bụng, đau theo cơn.
+ Đau đại trực tràng.
+ Người bệnh mót rặn nhiều và muốn đi ngoài liên tục. Thậm chí có thể đi ngoài từ 20 đến 40 lần chỉ trong vòng 1 ngày.
+ Phân của người bị lỵ trực khuẩn thường có nhiều chất nhầy, có nước máu đỏ. Sau mỗi lần đi ngoài, lượng phân ít dần.
Người bệnh bị đau quặn vùng bụng
+ Vì đi ngoài quá nhiều, người bệnh phải đối mặt với tình trạng mất nước và điện giải, suy kiệt, sa trực tràng, đau toàn bộ khung đại tràng.
+ Cơ thể người bệnh mệt mỏi và hốc hác, có thể bị sốt, môi khô và lưỡi bẩn,...
- Giai đoạn lui bệnh: Những triệu chứng bệnh bắt đầu thuyên giảm sau 1 đến 2 tuần.
2.2. Các thể bệnh khác nhau dựa trên lâm sàng
- Với những trường hợp thể bệnh nhẹ: Người bệnh thường có triệu chứng không rõ ràng và ở mức độ nhẹ. Có thể xuất hiện những cơn đau bụng âm ỉ và tình trạng tiêu chảy. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể tự thuyên giảm.
- Thể nặng: Những biểu hiện bệnh rất rõ ràng. Người bệnh thường xuyên muốn đi ngoài, mất nước, rối loạn điện giải, có thể bị sốc nhiễm khuẩn. Nếu không được xử trí sớm có thể gây tử vong.
- Thể kéo dài: Là những trường hợp gặp phải những triệu chứng bệnh kéo dài, do đó người bệnh dễ bị suy kiệt, suy dinh dưỡng, rối loạn nước và điện giải, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
3. Chẩn đoán lỵ trực khuẩn bằng những phương pháp nào?
Để chẩn đoán chính xác bệnh lỵ trực khuẩn, ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng, bao gồm:
- Xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh:
+ Soi phân: Kết quả soi phân ở bệnh nhân bị lỵ trực khuẩn do trực khuẩn Shigella gây ra như sau: Soi phân thấy có hồng cầu, bạch cầu đa nhân trung tính.
+ Nuôi cấy phân tìm vi khuẩn gây bệnh. Shigella có giá trị chẩn đoán quyết định. Trong điều kiện không cấy được phân thì xem tính chất phân là quan trọng để chẩn đoán.
+ Có thể sử dụng PCR để chẩn đoán lỵ trực khuẩn
- Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán
+ Phương pháp huyết thanh học: Thường được áp dụng ở những vùng đang có dịch. Kỹ thuật EIA được áp dụng để kiểm tra xem kháng thể của lỵ trực khuẩn có trong huyết thanh hay không. Tuy nhiên, cơ thể cần thời gian để tạo miễn dịch, do đó phương pháp này không áp dụng để chẩn đoán sớm bệnh.
+ Nội soi đại trực tràng thấy toàn bộ niêm mạc trực – đại tràng xung huyết, phù nề, có nhiều ổ trợt loét nông và lan rộng.
+ Xét nghiệm công thức máu.
+ Xét nghiệm sinh hóa máu.
- Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý như
+ Bệnh do amip: Bệnh nhân không sốt hoặc sốt nhẹ, toàn thân ít bị ảnh hưởng. Đau bụng vùng hố chậu phải hoặc khu trú ở hai hố chậu, có dấu hiệu “đi ngoài giả”. Số lần đi ngoài ít (từ 5-15 lần/ngày). Nhầy và máu thường riêng rẽ, nhầy trong như nhựa chuối, số lượng ít và dính bô. Soi phân thấy có nhiều bạch cầu đơn nhân
+ Có Amip thể lớn ăn hồng cầu (có giá trị chẩn đoán quyết định).
+ Ngoài ra cần chẩn đoán phân biệt nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn do Salmonella, hội chứng ruột kích thích, loạn khuẩn ruột, ung thư đại tràng, polyp đại tràng, trĩ nội, viêm ruột thừa cấp
4. Phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh lỵ trực khuẩn
- Để điều trị bệnh lỵ trực khuẩn, bác sĩ thường chỉ định áp dụng các phương pháp điều trị sau:
Người bệnh cần được bù nước và điện giải càng sớm càng tốt
+ Bù nước và điện giải bằng đường uống oresol hoặc cũng có thể bù nước bằng các món ăn như nước canh, cháo hay các loại nước hoa quả,…
+ Bù dịch bằng đường tĩnh mạch: Thường được áp dụng với những trường hợp bệnh nặng, người bệnh đã bị mất quá nhiều nước và không thể uống nước.
+Liệu pháp kháng sinh: Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể.
+ Một số biện pháp điều trị khác như dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau và thực hiện chế độ ăn những loại thức ăn mềm, dễ tiêu và uống nhiều nước.
- Phòng ngừa lỵ trực khuẩn bằng những phương pháp như sau:
+ Luôn đảm bảo ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch diệt khuẩn, diệt ruồi nhặng, xử lý phân và chất thải đúng cách.
+ Nếu có dấu hiệu bất thường cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời và phòng tránh nguy cơ lây lan bệnh và tạo thành dịch.
Trên đây là các thông tin cơ bản về bệnh lỵ trực khuẩn. Để được tìm hiểu chi tiết hơn hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
BS Vân đã duyệt
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!