Tin tức

Mẹo chữa rối loạn tiêu hóa ở trẻ cha mẹ nào cũng nên biết

Ngày 31/01/2024
Lương Thanh Thủy
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là một trong những vấn đề gây nên nhiều lo lắng cho các bậc cha mẹ. Trong tình huống này, biết được các mẹo chữa rối loạn tiêu hóa cho con sẽ giúp trẻ giảm nhẹ triệu chứng, tránh được các nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Chia sẻ dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ bình tĩnh để giúp con an toàn khi bị rối loạn tiêu hóa.

1. Nguyên nhân và triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ

1.1. Tại sao trẻ bị rối loạn tiêu hóa?

- Chế độ ăn uống: thường xuyên thiếu hụt chất xơ, chất béo hoặc nước có thể khiến trẻ bị táo bón hoặc tiêu chảy.

- Thức ăn khó tiêu: trẻ ăn quá nhiều thực phẩm giàu đường, chất béo có thể gây  rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

- Vấn đề về sức khỏe: một số bệnh lý như viêm ruột hoặc tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dị ứng thực phẩm,... có thể gây nên rối loạn tiêu hóa.

- Tâm lý

Trẻ thường xuyên trải qua trạng thái tâm lý căng thẳng, lo âu có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, ợ hơi, táo bón,...

Ăn uống không đảm bảo vệ sinh hoặc quá nhiều chất béo có thể gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Ăn uống không đảm bảo vệ sinh hoặc quá nhiều chất béo có thể gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ

1.2. Nhận biết dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ

- Táo bón: trẻ gặp khó khăn khi đi ngoài, thậm chí có thể không đi ngoài trong vài ngày, khi đi ngoài phân thường khô và cứng.

- Tiêu chảy: phân của trẻ có thể sệt hoặc lỏng, tần suất đi ngoài tăng đột ngột so với bình thường.

- Buồn nôn và nôn: trẻ thường cảm thấy buồn nôn hoặc bị nôn sau khi ăn hoặc khi bị căng thẳng.

- Đau bụng: trẻ cảm thấy đau bụng với các mức độ khác nhau ở vùng bụng giữa bụng, có trạng thái tâm lý khó chịu, quấy khóc.

- Chướng bụng và đầy hơi: bụng của trẻ có thể bị chướng và có cảm giác đầy hơi sau khi ăn.

- Khó tiêu: trẻ gặp khó khăn trong quá trình tiêu hóa thức ăn, có dấu hiệu chướng bụng và cảm thấy khó chịu ở dạ dày.

- Thay đổi trong tâm trạng và hành vi: rối loạn tiêu hóa cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của trẻ, khiến trẻ bị căng thẳng, lo lắng hoặc không thoải mái.

2. Mẹo chữa rối loạn tiêu hóa ở trẻ an toàn, hiệu quả

2.1. Dinh dưỡng cân đối

Chế độ ăn uống là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Vì thế, mẹo chữa rối loạn tiêu hóa cho trẻ mà các bậc cha mẹ không nên bỏ qua chính là tạo lập cho con một chế độ dinh dưỡng cân đối.

Khi phát hiện con có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, hãy giúp trẻ có một chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất để duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa và hỗ trợ quá trình phục hồi. Muốn vậy, khi xây dựng chế độ ăn cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên lưu ý:

- Thực phẩm giàu chất xơ: rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt là nguồn chất xơ quan trọng giúp cải thiện quá trình chuyển hóa thức ăn và hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ.

- Thức ăn dễ tiêu: thay vì cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu đường, chất béo thì cha mẹ hãy cho con ăn sữa chua, cháo, súp, cơm trắng,...

- Dinh dưỡng cân đối: chú ý cho trẻ ăn đầy đủ thực phẩm giàu protein, chất béo và hàm lượng carbohydrate cần thiết cho cơ thể hồi phục.

- Uống đủ nước: trẻ cần được uống đủ nước để duy trì sự đàn hồi của đường ruột và giảm nguy cơ táo bón.

Thực phẩm giàu chất xơ và đồ ăn dễ tiêu giúp cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Thực phẩm giàu chất xơ và đồ ăn dễ tiêu giúp cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ

2.2. Tăng cường vận động

Vận động thể chất giúp kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa và cải thiện quá trình trao đổi chất. Vì thế, để chữa rối loạn tiêu hóa ở trẻ, cha mẹ hãy cho con:

- Chơi ngoài trời: thúc đẩy trẻ tham gia vào các hoạt động ngoài trời như chạy nhảy, đạp xe,... để cải thiện sức khỏe và kích thích hệ tiêu hóa.

- Chơi trò chơi vận động trong nhà: các trò chơi vận động trong nhà như nhảy dây, ném bóng,... cũng có thể tăng cường sự linh hoạt và năng lượng cho trẻ.

2.3. Điều chỉnh lịch trình ăn uống

Đây là một phần quan trọng trong quá trình chữa trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ. Để ổn định hệ tiêu hóa cho con, cha mẹ nên:

- Xác định thời điểm cố định cho mỗi bữa ăn: hãy cho trẻ ăn vào một mốc thời gian cố định trong ngày để cơ thể thích nghi và hệ tiêu hóa có thời gian sớm ổn định trở lại.

- Giảm đồ ngọt và chất béo: trong thời gian trẻ có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, hãy hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt và nhiều chất béo để tránh tăng thêm áp lực cho hệ tiêu hóa.

- Tạo ra môi trường ăn uống yên tĩnh và thoải mái: hãy cố gắng cho trẻ ăn trong một môi trường yên tĩnh và thật thoải mái về tâm lý để không gây áp lực cho quá trình ăn uống khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa.

2.4. Sử dụng thực phẩm thảo dược

Một số thực phẩm thảo dược có thể hỗ trợ cải thiện rối loạn tiêu hóa ở trẻ như:

- Gừng: giảm đau và kháng khuẩn, giúp giảm cảm giác khó chịu trong dạ dày và đại tràng của trẻ.

- Cam thảo: có tác dụng làm dịu niêm mạc dạ dày và giảm vi khuẩn có hại trong đường ruột.

Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm thảo dược nào cho trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về cách dùng và đường dùng.

Trẻ có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa kéo dài cần được khám bác sĩ chuyên khoa

Trẻ có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa kéo dài cần được khám bác sĩ chuyên khoa

2.5. Tư vấn y tế

Dù có ý định áp dụng bất cứ mẹo chữa rối loạn tiêu hóa cho trẻ nào được chia sẻ trên đây thì cha mẹ vẫn không nên bỏ qua thao tác tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Việc làm này sẽ giúp cha mẹ nhận diện đúng hiện trạng sức khỏe của con mình để thực hiện cách hỗ trợ cải thiện tiêu hóa phù hợp với trẻ.

Vì thế, nếu thấy con có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa không cải thiện sau 2 ngày hoặc các triệu chứng tiến triển nghiêm trọng thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám để:

- Đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ và tìm ra nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa.

- Tìm hướng điều trị phù hợp để giúp trẻ sớm hồi phục.

- Biết cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và lối sống để cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ.

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ cần phải chú ý phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Việc áp dụng những mẹo chữa tại nhà có thể giúp trẻ cải thiện triệu chứng đường tiêu hóa nhưng khi không có dấu hiệu khởi sắc, cha mẹ nên cho con khám bác sĩ chuyên khoa để trẻ được điều trị tốt nhất.

Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu thăm khám rối loạn tiêu hóa ở trẻ, quý khách hàng có thể liên hệ tổng đài của Hệ thống Y tế MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được giải đáp, hướng dẫn chi tiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ