Tin tức

Nguyên nhân đau khớp cổ chân khi chạy bộ và cách xử trí

Ngày 01/09/2023
Lương Thanh Thủy
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân

Nguyên nhân đau khớp cổ chân khi chạy bộ và cách xử trí

Đau khớp cổ chân khi chạy bộ là hiện tượng nhiều người gặp phải nhưng nguyên nhân không giống nhau, trong đó có những nguyên nhân là bệnh lý cần phải được điều trị ngay để tránh ảnh hưởng xấu đến xương khớp. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu về nguyên nhân gây nên tình trạng này và cách khắc phục hiệu quả.

1. Tại sao bị đau khớp cổ chân khi chạy bộ?

1.1. Vấn đề về giày chạy

Nhiều người không nghĩ rằng đau khớp cổ chân khi chạy bộ có thể xuất phát từ chính đôi giày của mình. Thực tế cho thấy, đôi giày rất quan trọng với mọi môn thể thao, đặc biệt là chạy bộ.

Lựa chọn giày chạy không vừa chân có thể gây đau khớp cổ chân khi chạy bộ

Giày có tác dụng bảo vệ đôi chân trước các tổn thương có thể gặp phải trong quá trình chạy bộ. Vì vậy nếu không dùng giày chạy thì đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đau cổ chân. Mặt khác, khi chạy bộ bằng đôi giày có kích thước không phù hợp với chân thì cũng dễ bị đau cổ chân.

1.2. Khởi động trước khi chạy

Khởi động là điều kiện không thể thiếu trước khi bắt đầu tập chạy. Dù chạy máy hay chạy bộ thì việc này đều không thể bỏ qua. Khởi động chính là cách giúp máu được tăng cường lưu thông đến các khớp xương, các hệ cơ quan trong cơ thể, tránh được tình trạng chuột rút. Nếu không khởi động chân tay thật kỹ trước khi chạy thì sau đó sẽ dễ bị đau khớp cổ chân.

1.3. Chấn thương xương hoặc bệnh lý cổ chân

- Bị gãy xương, trật khớp,... có thể khiến cổ chân bị đau khi chạy bộ.

- Hội chứng ống cổ chân: đây là hiện tượng dây thần kinh và dây chằng quanh khớp cổ chân bị chèn ép, kết quả là khi chạy bộ người bệnh dễ bị đau khớp cổ chân.

- Viêm khớp cổ chân: bệnh lý này có thể bắt nguồn từ thoái hóa sụn khớp. Người bị đau khớp cổ chân khi chạy bộ rất có thể là dấu hiệu của viêm khớp cổ chân.

- Viêm khớp dạng thấp: bệnh lý này khiến cho khớp bị bào mòn và biến dạng, khớp cổ chân đau nhức và vận động kém.

- Bong gân: dây chằng khớp cổ chân nếu bị kéo căng quá mức thì có thể khiến cho cổ chân bị đau vì tổn thương.

- Viêm gân: lặp đi lặp lại một hoạt động tại cổ chân có thể làm tăng sự kích ứng ở gân, phát triển viêm gân nên mỗi khi chạy bộ cổ chân đều đau nhức.

Bệnh viêm gân là một trong các nguyên nhân dẫn đến cổ chân bị đau khi chạy bộ

1.4. Nguyên nhân khác

- Tập luyện không điều độ: giữ tần suất luyện tập điều độ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và tránh những tổn thương không đáng có. Nếu chạy bộ quá nhiều hay quá ít, không thường xuyên có thể tạo áp lực cho dây chằng và kết quả là đau khớp cổ chân khi chạy bộ.

- Tuổi tác: sự lão hóa của hệ xương theo độ tuổi sẽ khiến cho các khớp không còn trơn tru như ban đầu nên người cao tuổi dễ bị đau cổ chân trong quá trình chạy bộ.

2. Đau khớp cổ chân khi chạy bộ trong trường hợp nào cần thăm khám?

Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng đau cổ chân ở người chạy bộ, tuy nhiên, nếu xuất phát từ thói quen không tốt thì có thể cải thiện bằng cách thay đổi thói quen đó. Khi được chườm lạnh và nghỉ ngơi, điều chỉnh lại thói quen luyện tập, dần dần cơn đau cổ chân sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, đau cổ chân xuất phát từ chấn thương hoặc bệnh lý thì cần can thiệp điều trị bởi nó có thể gây nên những biến chứng ở khớp, teo cơ, hạn chế khả năng vận động,... Vì thế, ngay khi bị đau khớp cổ chân khi chạy bộ kèm theo

các dấu hiệu sau thì bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa ngay:

- Tình trạng đau nhức trên 3 ngày.

- Đã nghỉ ngơi khoảng 1 tuần nhưng không cải thiện đau, không chạy bộ được.

- Có cảm giác lỏng lẻo, tê bì ở cổ chân.

- Có dấu hiệu sưng đỏ, nhiễm trùng cổ chân.

- Cổ chân đã từng trải qua nhiều lần bị thương trước đó.

3. Phương pháp khắc phục đau khớp cổ chân khi chạy bộ

3.1. Dừng luyện tập cho chân có thời gian nghỉ ngơi

Ngay khi bị đau cổ chân bạn cần dừng chạy, kê cao chân 10 - 20cm để cải thiện lưu thông máu. Tiếp sau đó bạn nên nghỉ ngơi vài ngày để theo dõi cổ chân xem có biểu hiện bất thường nào không. Nếu không có bất thường thì có thể chạy tiếp nhưng nếu có bất thường thì cần thăm khám.

3.2. Chườm lạnh

Đây là cách giúp cơn đau được làm dịu, tình trạng sưng tấy được giảm bớt. Bạn có thể dùng túi chườm lạnh bán sẵn hoặc gói đá vào khăn mỏng rồi chườm lên khớp cổ chân bị đau 15 - 20 phút, 4 - 8 lần/ngày, không nên chườm quá lâu. Tuy nhiên, đây chỉ là cách giảm đau tạm thời, chỉ có tác dụng với những cơn đau nhẹ không xuất phát từ bệnh lý.

Chườm lạnh giúp giảm đau khớp cổ chân khi chạy bộ tạm thời

3.3. Dùng thuốc

Có một số loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể khắc phục tình trạng đau cổ chân khi chạy bộ nhưng không được lạm dụng dùng kéo dài để tránh gặp các tác dụng phụ đến thận, tá tràng, dạ dày,...Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên ngành về việc dùng thuốc giảm đau khi bị đau khớp cổ chân do chạy bộ.

3.4. Tập phục hồi chức năng

Đây là phương pháp giúp giảm thiểu chấn thương, củng cố cơ bắp và cải thiện khả năng vận động để giảm cơn đau và tăng độ linh hoạt cho khớp. Muốn thực hiện bài tập này bạn nên nhờ huấn luyện viên hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có được những hướng dẫn đúng về mặt kỹ thuật.

3.5. Trị liệu thần kinh cột sống

Trị liệu thần kinh cột sống rất tốt cho những trường hợp đau cổ chân xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý xương khớp. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ nắn chỉnh để cải thiện cấu trúc sai lệch, giúp khớp trở về đúng vị trí. Điều này khiến cho dây thần kinh bị chèn ép được giải phóng và cơn đau được giải quyết triệt để.

Hầu hết các trường hợp đau khớp cổ chân khi chạy bộ không quá nghiêm trọng nhưng nó khiến cho quá trình luyện tập của người bệnh bị gián đoạn, sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng. Không những thế, những trường hợp đau xuất phát từ bệnh lý nếu không được phát hiện để điều trị có thể gây nên biến chứng khôn lường. Vì thế, nếu không may bị đau khớp cổ chân khi chạy bộ, tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp khắc phục tốt nhất.

 

 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.