Tin tức

Nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột, triệu chứng và cách phòng ngừa

Ngày 12/05/2025
Tham vấn y khoa: BS. Phạm Văn Quang
Nhiễm trùng đường ruột là bệnh lý tiêu hóa dễ mắc phải, có thể xảy ra với mọi độ tuổi. Bệnh khiến đường tiêu hóa bị tổn thương và gây suy giảm sức khỏe. Biết được nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột sẽ giúp người bệnh chủ động phòng ngừa, giảm thiểu khả năng mắc phải.

1. Nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột là gì?

nhiễm trùng đường ruột có thể gặp phải do sự xâm nhập của những tác nhân khác nhau, gây viêm. Tùy thuộc vào loại tác nhân gây bệnh mà các triệu chứng gặp phải và mức độ ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng của cơ thể ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau.

1.1. Vi khuẩn

Vi khuẩn là tác nhân chính gây nên các bệnh lý đường ruột. Trong đó, các chủng như Escherichia coli, Salmonella, Shigella và Campylobacter thường gặp nhất. Chúng có thể xâm nhập vào đường tiêu hóa qua thực phẩm hoặc nước uống không đảm bảo vệ sinh, gây rối loạn tiêu hóa và viêm niêm mạc ruột.

Vi khuẩn Escherichia coli là tác nhân thường gặp ở bệnh nhiễm trùng đường ruột

Vi khuẩn Escherichia coli là tác nhân thường gặp ở bệnh nhiễm trùng đường ruột

1.2. Virus

Rotavirus là nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột dễ gặp phải ở trẻ em dưới 5 tuổi, gây tiêu chảy, nôn và dễ dẫn đến mất nước nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Ngoài ra, nhiễm Norovirus, Adenovirus và Astrovirus cũng có thể gây nhiễm trùng đường ruột với tình trạng tiêu chảy, môn mửa cấp tính,...

Virus thường lây qua tiếp xúc với người bệnh, bề mặt nhiễm bẩn hoặc thực phẩm, nước uống bị ô nhiễm.

1.3. Ký sinh trùng

Các loại ký sinh trùng như Giardia lamblia, Entamoeba histolytic,... nếu xâm nhập vào niêm mạc đường ruột rất dễ gây tiêu chảy kéo dài. Người bị suy giảm hệ miễn dịch thường có nguy cơ cao bị nhiễm loại ký sinh trùng này. 

Con đường lây lan ký sinh trùng chủ yếu qua nước sinh hoạt, tiếp xúc với nước bẩn hoặc bơi lội trong môi trường không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

1.4. Yếu tố môi trường và chế độ ăn uống

Sử dụng nguồn nước bẩn, thực phẩm chưa được nấu chín kỹ, rau sống không rửa sạch hoặc ăn uống tại những nơi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dễ khiến bạn bị các tác nhân gây bệnh tấn công. Đây chính là nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột dễ gặp ở cả người lớn và trẻ em.

Ngoài ra, thói quen ăn uống thất thường, sử dụng kháng sinh bừa bãi làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

2. Triệu chứng mắc phải ở người bị nhiễm trùng đường ruột

Khi có sự xâm nhập của các nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột nêu trên, người bệnh dễ xuất hiện những triệu chứng sau:

- Tiêu chảy cấp tính: Bệnh nhân thường đi ngoài phân lỏng hoặc nước, nhiều lần trong ngày, trong phân có thể có máu hoặc chất nhầy.

- Đau co thắt bụng: Do niêm mạc ruột bị viêm nên người bệnh bị đau âm ỉ hoặc quặn thắt vùng bụng, nhất là vùng quanh rốn hoặc hố chậu phải, tùy vào vị trí tổn thương.

- Buồn nôn và nôn: Sự xâm nhập và tấn công mạnh của tác nhân gây nhiễm trùng đường ruột sẽ khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy buồn nôn, bị nôn nhiều gây mất nước và kiệt sức.

- Sốt, chán ăn, mệt mỏi: Phản ứng của hệ miễn dịch khi đối phó với tác nhân gây bệnh là nguyên nhân khiến người bệnh bị sốt. Tình trạng nôn, tiêu chảy, sốt,... cũng kéo theo sự chán ăn, mệt mỏi cho người bệnh.

- Mất nước và rối loạn điện giải: Người bệnh bị khô môi, thường xuyên cảm thấy khát nước, da khô, tiểu ít,... do mất nước và rối loạn điện giải khi nhiễm trùng đường ruột.

Đau bụng và tiêu chảy nhiều lần trong ngày là triệu chứng gặp phải ở người bị nhiễm trùng đường ruột

Đau bụng và tiêu chảy nhiều lần trong ngày là triệu chứng gặp phải ở người bị nhiễm trùng đường ruột

3. Biến chứng có thể xảy ra ở bệnh nhân nhiễm trùng đường ruột

Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh nhân nhiễm trùng đường ruột có nguy cơ gặp phải biến chứng như:

- Mất nước và điện giải:

Tiêu chảy và nôn liên tục khiến cơ thể người bệnh bị mất nước nhanh chóng với các triệu chứng: mắt trũng, môi khô, tiểu ít, da mất đàn hồi, tăng nhịp tim,... Điều này làm giảm huyết áp, gây chóng mặt, tụt đường huyết, mệt mỏi và có thể dẫn đến sốc do mất thể tích tuần hoàn. 

Ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, mất nước có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được bù nước kịp thời.

- Tổn thương niêm mạc ruột:

Khi nhiễm khuẩn trong thời gian dài, lớp niêm mạc ruột bị viêm liên tục nên tổn thương nghiêm trọng, gây ra tình trạng rối loạn hấp thu dưỡng chất. Điều này khiến người bệnh bị suy dinh dưỡng, giảm cân, thiếu máu,...

- Nhiễm trùng huyết:

Vi khuẩn gây bệnh từ đường ruột có thể vượt qua hàng rào bảo vệ của cơ thể và xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Đây là biến chứng nguy hiểm vì có thể làm tổn thương đa cơ quan.

Triệu chứng nhiễm trùng huyết cần cảnh giác bao gồm: sốt cao, huyết áp tụt, tim đập nhanh, khó thở, rối loạn tri giác,...

- Hội chứng ruột kích thích sau nhiễm khuẩn 

Sau khi khỏi nhiễm trùng đường ruột, một số trường hợp có thể xuất hiện triệu chứng như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Đây là biểu hiện của hội chứng ruột kích thích sau nhiễm khuẩn, gây ảnh hưởng lâu dài đến sinh hoạt hàng ngày.

Nhiễm trùng đường ruột lâu dài không điều trị tích cực có thể gây biến chứng hội chứng ruột kích thích

Nhiễm trùng đường ruột lâu dài không điều trị tích cực có thể gây biến chứng hội chứng ruột kích thích

4. Phòng ngừa nhiễm trùng đường ruột bằng cách nào?

Những yếu tố được xem là nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột nêu trên có thể phòng ngừa bằng cách:

- Luôn rửa tay với nước sạch và xà phòng diệt khuẩn trước mỗi bữa ăn, sau khi đi vệ sinh, khi chăm sóc người bệnh,...

- Thường xuyên dọn dẹp, khử khuẩn bề mặt bếp, bàn ăn và nhà vệ sinh.

- Dùng thực phẩm tươi sạch, nấu chín kỹ trước khi ăn và không ăn đồ ăn sống.

- Uống nước đun sôi để nguội, hạn chế dùng nước máy chưa lọc hoặc nước đá không đảm bảo vệ sinh.

- Bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh, hâm nóng kỹ trước khi sử dụng lại. Không để thức ăn quá lâu ở nhiệt độ phòng.

- Bổ sung lợi khuẩn (probiotic) từ sữa chua để cải thiện cân bằng hệ vi sinh, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường ruột.

- Chỉ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc kháng sinh vì có thể gây mất cân bằng hệ vi khuẩn ruột.

- Cho trẻ uống vắc xin phòng Rotavirus để bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Người bị tiêu chảy trên 3 ngày không giảm, đại tiện phân đen hoặc có máu, sốt cao khó hạ, đau bụng kèm co giật, có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng,... cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay. Việc làm này giúp tìm ra nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột và được hướng dẫn điều trị đúng phác đồ từ bác sĩ chuyên khoa.

Nếu xuất hiện bất cứ dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột nào, quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn xét nghiệm, đặt lịch thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ