Tin tức
Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
- 29/10/2021 | Tổng hợp kiến thức cơ bản về bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu
- 06/11/2021 | Những phương pháp điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu không nên bỏ qua
- 01/11/2021 | Những nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
1. Nguyên nhân khiến cho trẻ em bị nhiễm khuẩn tiết niệu
Trẻ em là đối tượng rất dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu. Đây là tình trạng xảy ra khi vi khuẩn ở da hoặc phân xâm nhập vào đường tiết niệu của trẻ rồi phát triển thành bệnh. Tác nhân gây bệnh chính là các loại vi khuẩn đường ruột.
Bên cạnh đó, một số yếu tố dưới đây cũng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em, đó là:
-
Bé trai bị hẹp bao quy đầu dẫn đến nước tiểu bị ứ đọng lại. Chính điều này đã làm cho vi khuẩn có điều kiện để gây bệnh.
-
Hệ tiết niệu bị dị tật bẩm sinh cũng là nguyên nhân làm ứ đọng nước tiểu và gây ra tình trạng nhiễm khuẩn.
-
Trẻ em bị các căn bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn, đặc biệt là ở đường hô hấp và tiết niệu.
Các loại vi khuẩn đường ruột là tác nhân làm cho trẻ em bị nhiễm khuẩn tiết niệu
-
Trẻ mắc phải các bệnh lý như sỏi niệu quản, sỏi bàng quang hoặc ứ nước bể thận,…
-
Vệ sinh không sạch và đúng cách sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt, tình trạng này rất dễ xuất hiện ở những bé gái có thói quen sử dụng giấy vệ sinh lau vùng kín từ phía sau ra trước. Điều này sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập dễ dàng vào niệu đạo và gây ra nhiễm khuẩn ở tiết niệu.
-
Trẻ có thói quen nhịn tiểu hoặc uống nước ít cũng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này.
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ em bị nhiễm khuẩn tiết niệu
Những dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em mà bố mẹ cần lưu ý, đó là:
-
Trẻ bị đau hoặc nóng rát khi đi tiểu.
-
Bị đi tiểu đêm nhiều.
-
Nước tiểu của trẻ bị đục và có mùi hôi bất thường. Một số trường hợp nặng còn xuất hiện mủ hoặc máu trong nước tiểu.
-
Trẻ bị tiểu gấp nhưng lại chỉ chảy ra có vài giọt.
-
Bị tiêu chảy bất thường.
-
Trẻ bị đau ở vùng hạ vị, hố thận hoặc xung quanh vùng thắt lưng.
Nhiễm khuẩn tiết niệu sẽ khiến cho trẻ bị đau và nóng rát khi đi tiểu
Ngoài ra, trẻ em bị nhiễm khuẩn tiết niệu còn có thể xuất hiện tình trạng sốt cao. Nếu nhiệt độ vượt quá 39 độ C, cần phải hạ sốt và cho trẻ nhập viện ngay.
3. Phương pháp chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em là một căn bệnh xảy ra khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu hoặc làm hoại tử ống thận,… Nghiêm trọng hơn đó là khiến cho trẻ bị áp xe thận, suy thận hay thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là điều rất cần thiết.
3.1. Phương pháp chẩn đoán
Đối với việc chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ cũng như tác nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu nước tiểu để:
-
Phân tích nước tiểu: Từ kết quả kiểm tra nước tiểu bằng một loại que thử đặc biệt hoặc thông qua kính hiển vi, bác sĩ sẽ phát hiện ra những dấu hiệu nhiễm khuẩn.
-
Cấy nước tiểu: Đây là phương pháp giúp xác định được số lượng cũng như loại vi khuẩn gây bệnh để bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh điều trị phù hợp cho trẻ.
-
Ngoài ra, ở một số trường hợp có thể được chỉ định thực hiện siêu âm, nội soi bàng quang, chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ,…
3.2. Phương pháp điều trị
Việc điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu cho trẻ cần phải tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, tình trạng này sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Dựa theo loại vi khuẩn và mức độ nhiễm bệnh, trẻ sẽ được chỉ định loại thuốc và thời gian điều trị phù hợp.
Cụ thể, đối với trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ, trẻ có thể sử dụng thuốc theo đơn tại nhà. Tuy nhiên, nếu mắc phải tình trạng này kèm với những triệu chứng bất thường sau, bố mẹ cần báo với bác sĩ và đưa trẻ đến bệnh viện ngay:
-
Trẻ sốt cao trên 38 độ C kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm.
-
Có nguy cơ bị nhiễm trùng thận và nhiễm trùng máu do vi khuẩn, nhất là đối với trẻ nhỏ hoặc đang bị bệnh nặng.
-
Quấy khóc, nôn mửa và mất nước nghiêm trọng.
-
Phát ban.
Tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ kèm sốt cao rất nguy hiểm
Lưu ý, bên cạnh việc sử dụng thuốc kháng sinh, bố mẹ cũng cần phải kết hợp chế độ dinh dưỡng phù hợp và cho trẻ uống nhiều nước trong quá trình điều trị. Điều này sẽ làm tăng sức đề kháng, giúp cải thiện tình trạng bệnh nhanh hơn.
4. Cách phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
Để phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em, bố mẹ cần lưu ý những điều sau:
-
Vệ sinh vùng kín cho trẻ đúng cách, nhất là các bé gái. Cần phải rửa tay sạch sẽ trước khi thực hiện. Đồng thời, tập thói quen vệ sinh từ trước ra sau nhằm tránh cho vi khuẩn từ hậu môn có thể xâm nhập được vào đường tiết niệu.
-
Thường xuyên thay bỉm và lau khô vùng kín cho trẻ sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, cần theo dõi xem màu nước tiểu ở bỉm có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về màu sắc hoặc xuất hiện dịch nhiễm khuẩn hay không.
Thường xuyên thay bỉm cho trẻ để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu
-
Nếu trẻ bị hẹp bao quy đầu, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời.
-
Cho trẻ uống đủ lượng nước mỗi ngày.
-
Tập thói quen cho trẻ đi tiểu đúng giờ và hạn chế tối đa việc nhịn tiểu.
-
Đưa trẻ đi khám ngay nếu xuất hiện dấu hiệu bị nhiễm khuẩn tiết niệu.
Trên đây là những thông tin hữu ích về nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em. Nếu như vẫn còn bất kỳ thắc mắc nào về bệnh lý, hoặc có nhu cầu đặt lịch khám tại Chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bố mẹ có thể liên hệ ngay tới Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!