Tin tức
Những điều nên biết về phương pháp chụp cắt lớp đại tràng
- 11/06/2020 | Kỹ thuật chụp cắt lớp đại tràng và những điều nên biết
- 22/07/2019 | Những điều ít người biết về kỹ thuật chụp cắt lớp đại tràng
1. Mục đích chụp cắt lớp đại tràng là gì?
1.1. Thế nào là chụp cắt lớp đại tràng?
Chụp cắt lớp đại tràng (có khi được gọi là nội soi đại tràng ảo) là kỹ thuật không cần ống nội soi như phương pháp truyền thống mà chỉ cần dùng máy quét CT để tạo nên những hình ảnh chi tiết về đại trực tràng. Nhờ việc làm này mà bác sĩ thấy được toàn bộ lòng đại tràng, phát hiện các bất thường về đường ruột và bệnh ung thư đại trực tràng một cách nhanh chóng và chính xác. So với nội soi đại tràng thì chụp cắt lớp không cần đưa ống soi vào hết đại tràng nên ít xâm lấn và ít gây khó chịu cho người bệnh hơn.
Chụp cắt lớp đại tràng giúp phát hiện nhanh chóng và chính xác bệnh lý đường ruột
1.2. Mục đích của việc chụp cắt lớp đại tràng
Sở dĩ chụp cắt lớp đại tràng được chỉ định cho nhiều trường hợp là bởi:
- Cần tìm ra polyp hoặc u ở đại trực tràng.
- Xác định nguyên nhân gây nên các triệu chứng: thiếu máu, có máu trong phân, giảm cân đột ngột, thay đổi thói quen đại tiện.
- Sàng lọc hoặc tầm soát ung thư đại tràng ở đối tượng có nguy cơ.
2. Nguyên lý và quá trình chụp CT cắt lớp đại tràng
2.1. Ưu - nhược điểm của chụp CT đại tràng
- Ưu điểm
+ Thực hiện trong thời gian ngắn, cho hình ảnh rõ nét, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh lý ở đại trực tràng và cơ quan trong ổ bụng.
+ Bệnh nhân cảm thấy thoải mái, không đau đớn hay lo lắng như khi nội soi đại tràng.
+ Sử dụng kỹ thuật ít xâm lấn, không cần gây mê.
- Nhược điểm
+ Nếu phát hiện polyp, bác sĩ không thể can thiệp để cắt bỏ như khi thực hiện nội soi.
+ Ở một chừng mực nhất định, bệnh nhân có thể phải chịu chút ảnh hưởng của tia Xạ.
2.2. Nguyên lý chụp
Để chụp cắt lớp đại tràng cần sử dụng tới một máy quét CT giống như một vòng nhẫn dày khổng lồ có thành máy quét chứa nguồn phát tia X. Khi chụp, người bệnh sẽ được nằm trên một chiếc bàn dài rồi trượt vào trong cho đến khi phần cần chụp đã nằm trong máy.
Trong quá trình chụp, nguồn phát tia X sẽ quay quanh cơ thể. Tại mỗi vị trí nhất định của bàn chụp, đầu thu sẽ phát hiện và ghi lại cường độ của chùm tia X. Thông tin này được máy dò tia X đưa vào máy tính, xử lý thành hình ảnh dưới dạng các màu xám đậm nhạt khác nhau. Cứ sau mỗi bước chụp, khi bàn chụp di chuyển, hình ảnh của một lát cắt sẽ được tạo ra.
2.3. Quá trình thực hiện chụp cắt lớp đại tràng
Thực hiện nội soi đại tràng ảo qua CT sẽ giúp bác sĩ có được hình ảnh sắc nét, chân thực về toàn bộ cấu trúc trong lòng đại tràng. Quá trình này được diễn ra như sau:
Bệnh nhân đang tiến hành chụp cắt lớp đại tràng
- Bệnh nhân sẽ được tháo thụt hết phân để làm sạch đường ruột trước khi chụp cắt lớp đại tràng.
- Bệnh nhân được đưa vào phòng chụp, nằm lên giường, bác sĩ tiến hành bơm khí vào đại tràng của bệnh nhân thông qua đường hậu môn.
- Bác sĩ tiến hành điều khiển máy chụp cắt lớp và dựa vào những hình ảnh vừa thu được trên màn hình máy tính để chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân.
3. Một số vấn đề khác
3.1. Chụp cắt lớp đại tràng dành cho ai?
Phương pháp chụp cắt lớp đại tràng nên dành cho các trường hợp:
- Rối loạn tiêu hóa trong thời gian dài và thường xuyên tái phát.
- Người có tiền sử gia đình về bệnh polyp hay u đại tràng.
- Thường xuyên thay đổi thói quen đại tiện.
- Đi ngoài có lẫn máu trong phân và giảm cân đột ngột.
- Bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm đại tràng mạn, đã điều trị nhưng không đáp ứng.
- Người từng cắt polyp đại tràng hoặc đã được chẩn đoán polyp đại tràng nhưng chưa cắt.
- Người có sức khỏe quá yếu hoặc không thể thực hiện nội soi đại tràng.
3.2. Trước khi chụp CT cắt lớp đại tràng cần làm gì?
- Nhịn ăn 4 - 6 tiếng trước khi chụp cắt lớp đại tràng.
- Thông báo với bác sĩ nếu đang: sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị bệnh lý nào, đang hoặc nghi ngờ đang mang thai, mắc bệnh suy thận, bệnh tiểu đường, có tiền sử dị ứng với thuốc,...
- Tháo bỏ mọi vật dụng kim loại ra khỏi cơ thể.
3.3. Chụp cắt lớp vi tính đại tràng có rủi ro gì không?
Do chụp cắt lớp đại tràng là kỹ thuật có sử dụng một loại bức xạ là tia X nên nếu tiếp xúc với lượng lớn tia này sẽ có nguy cơ bị bệnh lý sau này. Tuy nhiên, liều X-quang cần cho một lần chụp là khá thấp nên nguy cơ gây hại từ bức xạ rất nhỏ trong khi lợi ích của chụp cắt lớp lại nhiều hơn so với nguy cơ.
Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp thắc mắc của bệnh nhân về kết quả chụp cắt lớp vi tính đại tràng
Một số ít trường hợp gặp dị ứng với thuốc cản quang nhưng hiện tượng này sẽ tự biến mất vào khoảng thời gian ngắn sau đó hoặc nếu cần, sẽ được bác sĩ điều trị ngay tức khắc. Trong quá trình chụp CT, người bệnh sẽ được bơm khí vào hậu môn nên sẽ cảm thấy muốn xì hơi hoặc chướng bụng nhưng đây là triệu chứng bình thường, hoàn toàn không đáng lo, chúng sẽ kết thúc sau khi chụp.
Thỉnh thoảng cũng sẽ có một số người có cảm giác như có vị kim loại trong miệng hoặc cơ thể nóng ran lên nhưng điều này cũng chỉ kéo dài khoảng vài phút. Một tỷ lệ ít bệnh nhân có hiện tượng tổn thương ruột nên bị chảy máu và nhiễm trùng nhưng bác sĩ sẽ có hướng điều trị.
Mong rằng những chia sẻ từ bài viết trên đây sẽ giúp các bạn có cái nhìn cụ thể hơn về chụp cắt lớp đại tràng - một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại đang được áp dụng phổ biến hiện nay. Nếu còn băn khoăn nào khác, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56, bằng chuyên môn của mình, các chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng giải đáp cặn kẽ, hoàn toàn miễn phí.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!