Tin tức

Những lưu ý đặc biệt quan trọng khi sơ cứu vết thương chảy máu

Ngày 24/05/2022
Sơ cứu vết thương đang chảy máu rất quan trọng, đặc biệt đối với những trường hợp vết thương sâu, chảy nhiều máu và có nguy cơ đe dọa tính mạng của người bệnh. Nếu sơ cứu đúng cách và kịp thời, bệnh nhân sẽ tăng cơ hội sống. Ngược lại, những sai sót trong quá trình sơ cứu có thể khiến cho tình trạng của người bệnh thêm nghiêm trọng. Dưới đây là những lưu ý cần thiết khi sơ cứu vết thương chảy máu. 

1. Hướng dẫn sơ cứu vết thương chảy máu ngoài

Mục đích của hành động sơ cứu vết thương chảy máu ngoài là cầm máu, tránh để người bệnh gặp nguy hiểm đến tính mạng vì bị chảy quá nhiều máu; giúp nạn nhân lưu thông tuần hoàn để duy trì sự sống, phòng và điều trị sốc; giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. 

Sơ cứu đúng cách sẽ giúp cầm máu hiệu quả, tránh gây mất máu quá nhiềuSơ cứu đúng cách sẽ giúp cầm máu hiệu quả, tránh gây mất máu quá nhiều

Cụ thể, đối với những trường hợp bệnh nhân có vết thương gây chảy máu ngoài, cần sơ cứu như sau: 

  • Ép trực tiếp lên vết thương đang chảy máu:

Khi phát hiện bệnh nhân bị thương và chảy máu ngoài, cần nhanh chóng dùng gạc hoặc vải sạch để ép trực tiếp lên vị trí vết thương gây ra chảy máu và băng vết thương lại. Lưu ý, không nên băng quá chặt để tránh tình trạng máu khó lưu thông đến vùng bị tổn thương. 

Trong trường hợp, nạn nhân bị chảy quá nhiều máu, có thể lấy tay của chính bệnh nhân hoặc tay của người sơ cứu ép lên vết thương để hạn chế tình trạng mất quá nhiều máu. 

  • Nâng cao vùng bị tổn thương

Sau khi đã băng bó vết thương cho bệnh nhân bằng vải sạch hoặc gạc sạch, người sơ cứu cần đặt người bệnh ở tư thế thoải mái nhất và đồng thời nâng cao vùng bị tổn thương nhằm mục đích giảm áp lực máu tới vị trí vết thương. 

Dùng gạc sạch hay vải sạch để băng bó vết thương cho nạn nhânDùng gạc sạch hay vải sạch để băng bó vết thương cho nạn nhân

  • Trường hợp còn dị vật ở vết thương

Khi vết thương của bệnh nhân còn dị vật chẳng hạn như gỗ, kim loại, dao kéo, đinh,… bạn cần đặc biệt lưu ý trong khâu sơ cứu. Tuyệt đối không tự ý rút dị vật ra khỏi vết thương của nạn nhân để tránh gây chảy máu mất kiểm soát. Hơn nữa, ngay sau khi rút dị vật, nếu không vệ sinh sạch sẽ vết thương cho nạn nhân thì rất dễ gây nhiễm trùng. 

Thay vì rút dị vật ở vết thương của nạn nhân, người sơ cứu nên ép mép vết thương sát với dị vật để bịt kín vết thương. Sau đó, dùng vải sạch để quấn xung quanh vết thương để hạn chế nguy cơ chảy nhiều máu. Lưu ý, không tạo áp lực trực tiếp lên dị vật để tránh tình trạng vết thương của bệnh nhân trở nên nghiêm trọng hơn. 

  • Để người bệnh nghỉ ngơi

Nên để bệnh nhân ở tư thế thoải mái nhất và để bệnh nhân được nghỉ ngơi trong vòng vài phút. Không tì, đè lên vết thương của người bệnh. 

  • Khi nào cần chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ hỗ trợ kịp thời

+ Đối với những vết thương nhẹ: Không phải trường hợp nào cũng cần được đưa đến cơ sở y tế. Với các trường hợp vết thương nhẹ, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, việc cần thiết nhất chính là cầm máu vết thương và để người bệnh nghỉ ngơi. 

Ngược lại, đối với những trường hợp vết thương rộng và khó cầm máu thì nên đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được các bác sĩ xử trí kịp thời. Trong quá trình vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh va đập mạnh vào vị trí tổn thương. 

Không nên băng bó quá chặt để giúp máu lưu thông dễ dàngKhông nên băng bó quá chặt để giúp máu lưu thông dễ dàng

Với những trường hợp vết thương bị dính bụi bẩn, nên dùng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh sạch vết thương cho người bệnh trước khi sơ cứu. Bên cạnh đó, nếu thấy vết thương chảy máu nhiều qua lớp gạc hay lớp vải băng bó, có thể quấn thêm lớp thứ hai. Lưu ý, nếu lớp gạc đầu tiên bị trượt khỏi vị trí vết thương, nên bỏ đi để thay thế bằng lớp gạc mới. Sau đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. 

+ Đối với những trường hợp vết thương nghiêm trọng chẳng hạn như đứt lìa cần làm sạch vết thương và sơ cứu như hướng dẫn phía trên. Đặc biệt lưu ý, bảo quản bộ phận bị đứt lìa sạch sẽ và cầm theo bộ phận này, đồng thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt. 

+ Đối với những trường hợp vết thương bị đâm thủng, cần dùng nước muối để làm sạch vết thương. Khi vết thương đã khô mới thực hiện che vết thương lại để tránh nguy cơ bị uốn ván. Tuy nhiên, với những trường hợp này, vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem có cần thiết tiêm phòng uốn ván hay không. 

2. Lưu ý khi sơ cứu vết thương chảy máu trong

Khi va đập mạnh chẳng hạn như bị ngã, bị xe đâm,… các mạch máu bên trong vị trí bị thương như đầu, ngực, bụng,… của nạn nhân có thể bị vỡ ra. Hiện tượng này được gọi là chảy máu trong. Những trường hợp bị chảy máu trong thường khó nhận biết hơn so với các trường hợp vết thương chảy máu ngoài, nhưng cũng rất nguy hiểm.

Những trường hợp chảy máu trong khó phát hiện hơn nhiều so với chảy máu ngoàiNhững trường hợp chảy máu trong khó phát hiện hơn nhiều so với chảy máu ngoài

Nếu vừa xảy ra va chạm mạnh kèm theo một số biểu hiện như thở nhanh, thở hổn hển, thường xuyên khát nước, da mặt nhợt nhạt, hay bị lạnh, da ẩm ướt, nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, phân lẫn máu,… thì rất có thể bệnh nhân đã bị chảy máu trong. Đối với những trường hợp này, cần sơ cứu bệnh nhân theo hướng dẫn dưới đây:  

- Trước hết, để nạn nhân nằm nghỉ ngơi ở tư thế thoải mái, yên tĩnh và không có quá nhiều người xung quanh. 

- Có thể dùng chăn đắp cho bệnh nhân để giữ ấm cơ thể.

- Nếu mặt đường bị gồ ghề, quá lạnh hoặc quá nóng thì cần trải tấm lót cho nạn nhân. 

- Gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất. 

Lưu ý: Trong khi chờ đợi xe cấp cứu, người sơ cứu nên nới rộng quần áo cho nạn nhân, đặc biệt là ở những vùng như vùng cổ, thắt lưng, xử trí các vết thương nhẹ khác và cố gắng trấn an tinh thần người bệnh. Không nên cho người bệnh ăn uống trong thời điểm này. 

Trên đây là những hướng dẫn về sơ cứu vết thương chảy máu. Nếu có thắc mắc cần được giải đáp, bạn có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn trực tiếp.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.