Tin tức
Rối loạn cào da: Nguyên nhân và biện pháp điều trị
- 05/11/2021 | Biến chứng bệnh Zona thần kinh nguy hiểm như thế nào?
- 14/10/2021 | Bệnh nhân bị liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 vì làm điều này
- 05/11/2021 | U thần kinh nội tiết - Những thông tin bạn cần biết!
1. Tìm hiểu về chứng rối loạn cào da bứt tóc
Rối loạn cào da, bứt tóc được miêu tả trong nhóm các rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn liên quan, đặc trưng bởi những hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể như: nhổ tóc, cào da, cắn móng tay,… Người bệnh không thể tự kiềm chế hoặc rất khó kiềm chế những hành động này gây nhiều tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần cho bản thân.
Rối loạn cào da thuộc nhóm bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Cụ thể chứng bệnh này như sau:
1.1. Chứng rối loạn cào da
Chứng rối loạn cào da có tên khoa học là Dermatillomania, người bệnh có hành vi gãi da lặp đi lặp lại nhiều lần, có xu hướng mất kiểm soát dẫn đến tổn thương da. Cần phân biệt tình trạng này với gãi da do ngứa thông thường là không thể kiểm soát được dẫn đến hủy hoại mô da, gây suy yếu chức năng da nghiêm trọng.
Tùy từng người bệnh mà chứng rối loạn cào da gây thôi thúc hành động tổn thương da khác như từ nhẹ đến nặng như: gãi, nhéo, ngắt, nặn, đâm, cào xước hoặc cắn trên da. Tất cả vùng da trên cơ thể đều có thể bị tổn thương khi người bệnh dùng ghim kẹp, nhíp hoặc móng tay lặp lại hành động nhiều lần trong thời gian nhiều tháng đến nhiều năm.
Chứng rối loạn cào da khiến người bệnh tự gây tổn thương làn da của mình
Người bệnh đôi khi không tự nhận thức được hành động bất thường của mình, hãy kiểm tra xem người xung quanh bạn có mắc chứng rối loạn cào da không qua những đặc điểm sau:
-
Người bệnh có gãi da nhiều lần trong ngày và liên tục kéo dài?
-
Người bệnh có nhiều vết sẹo trên nhiều vùng da do gãi hoặc hành động tự làm tổn thương da khác.
-
Việc gãi da có ảnh hưởng đến sức khỏe hay các mối quan hệ hay không?
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, hãy đưa bệnh nhân đi khám để được chẩn đoán bệnh và điều trị sớm.
1.2. Chứng rối loạn bứt tóc
Giống như rối loạn cào da, một số người mắc chứng rối loạn bứt tóc không thể kiểm soát việc tự mình nhổ lông và tóc trên cơ thể. Hoạt động này có thể thực hiện khi họ bị căng thẳng, khó chịu, stress hoặc bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Nhận biết bản thân hoặc người xung quanh có mắc chứng rối loạn bứt tóc không bằng việc trả lời những câu hỏi sau:
-
Bạn có thấy thỏa mãn, nhẹ nhõm sau khi nhổ tóc?
-
Bạn bị thôi thúc không thể kìm chế được mong muốn nhổ tóc hoặc lông trên người?
-
Xuất hiện nhiều mảng da đầu trọc hoặc lông mi, lông mày không có tóc do nhổ.
Người bệnh bị rối loạn cào da bứt tóc nên đi khám tâm lý
Nhiều người bệnh tự ý thức về căn bệnh của mình song do tâm lý e ngại, sợ hãi mà cố ý che đi tình trạng tóc và lông trên cơ thể. Bệnh kéo dài gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tinh thần, do đó nên điều trị sớm để khắc phục triệt để chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế này.
2. Nguyên nhân nào gây chứng rối loạn cào da bứt tóc
Nguyên nhân chính xác dẫn tới chứng bệnh rối loạn cào da bứt tóc hiện chưa được xác định rõ, tuy nhiên các nhà khoa học đã tìm ra nhiều yếu tố liên quan như:
2.1. Bất thường trong kết nối thần kinh
Kết nối con đường thần kinh bất thường đến các vùng điều tiết cảm xúc, vận động, thói quen,… gây rối loạn điều khiển hành vi và cảm xúc.
2.2. Di truyền
Nhiều chuyên gia nghiên cứu và cho biết, chứng rối loạn cào da bứt tóc có liên quan đến di truyền song gen xác định gây bệnh chưa được tìm ra. Nghiên cứu thực tế cho thấy, tỉ lệ mắc bệnh ở những người có người thân trong gia đình bị rối loạn cào da bứt tóc cao hơn so với người bệnh thường.
Căng thẳng tinh thần góp phần vào hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
2.3. Căng thẳng, rối loạn tinh thần
Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế nói chung và chứng rối loạn cào da bứt tóc nói riêng hình thành có sự góp mặt của các yếu tố cảm xúc tiêu cực như: căng thẳng, stress, cảm giác mệt mỏi, bất lực,… Với hành vi gãi da hoặc bứt tóc, người bệnh có thể giải tỏa hoặc tránh né những cảm xúc tiêu cực bản thân gặp phải.
2.4. Bệnh lý về da
Những người mắc bệnh lý về da như: mụn trứng cá, chàm, viêm da dị ứng,… dễ mắc rối loạn cào da hơn bình thường do làn da nhạy cảm dễ bị kích thích và ảnh hưởng đến tâm sinh lý.
3. Có thể điều trị chứng rối loạn cào da bứt tóc không?
Tùy theo mức độ triệu chứng và khả năng kiểm soát hành vi của người bệnh mà bác sĩ chẩn đoán và chỉ định điều trị với một trong hai phương pháp sau:
3.1. Điều trị bằng thuốc
Ngoài thuốc hồi phục da, khắc phục hậu quả của chứng bệnh rối loạn cào da bứt tóc, bệnh nhân còn có thể được kê dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần hoặc SSRI. Khi sử dụng, thuốc có tác dụng kiềm chế sự thôi thúc hành động bứt tóc, cào da và từ đó kiểm soát giảm dần hành vi này.
3.2. Điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi
Liệu pháp điều trị chứng rối loạn cào da bứt tóc thường sử dụng là trị liệu “Đảo ngược thói quen”, nghĩa là thay đổi thói quen này của bệnh nhân bằng thói quen khác. Mỗi khi căng thẳng hoặc bị thôi thúc hành động cào da, bứt tóc, bệnh nhân có thể bóp 1 quả bóng cao su hoặc các hành động thay thế khác để giảm căng thẳng, giúp “quên” đi thôi thúc làm tổn thương da.
Điều trị hành vi cho chứng rối loạn cào da bứt tóc
Ngoài trị liệu bằng “đảo ngược thói quen”, bệnh nhân mắc chứng rối loạn cào da bứt tóc còn có hình thức trị liệu khác là “kiểm soát kích thích”. Người bệnh được thay đổi môi trường, dùng găng tay hoặc băng keo cá nhân để giảm cảm giác khi gãi da, bứt tóc và từ đó dần cải thiện chứng bệnh.
Như vậy, để điều trị rối loạn cào da, bứt tóc, bệnh nhân cần phối hợp và được theo dõi, hướng dẫn điều trị bởi bác sĩ tâm lý. Trong trường hợp nặng có thể cần dùng thuốc điều trị kết hợp để kiểm soát hành vi tự gây tổn thương bản thân. Người mắc phải hội chứng này không nên che giấu mà cần đi khám, điều trị sớm tránh bệnh trở nên trầm trọng và cơ thể bị tổn thương khó hồi phục hơn.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!