Tin tức
Sẹo giác mạc hình thành do đâu và làm thế nào để nó biến mất?
Sẹo giác mạc hình thành do đâu và làm thế nào để nó biến mất?
Giác mạc là một trong những cấu trúc quan trọng của đôi mắt. Chúng ta có thể quan sát rõ những cảnh vật và sự việc xung quanh đó là nhờ có giác mạc. Tuy nhiên đây cũng là bộ phận dễ gặp tổn thương nhất do những tác động vật lý và bệnh lý gây ra. Sự hình thành của các vết sẹo giác mạc có thể khiến cho đường khúc xạ của ánh sáng đi lệch khi chiếu vào thủy tinh thể, gây ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh và thị giác của người bệnh.
1. Thế nào là sẹo giác mạc?
Giác mạc là bộ phận nằm ở vị trí phía ngoài cùng của nhãn cầu và là một lớp màng trong suốt. Cấu trúc này giúp bảo vệ các bộ phận của mắt tránh gặp phải sự tấn công của dị vật, đồng thời kiểm soát sự thu nhận ánh sáng vào mắt nên ta có thể tập trung tầm nhìn nhờ giác mạc.
Giác mạc có tính chất đàn hồi nên thường thì khi gặp phải các vết trầy xước, giác mạc có thể tự lành lại. Tuy nhiên đôi khi những vết tổn thương xảy ra trên biểu mô lại nghiêm trọng hơn bình thường, nó có thể xâm lấn sâu và những lớp tiếp theo (lớp mô đệm và Bowman) thì có thể hình thành nên sẹo giác mạc.
Nếu mắt bạn xuất hiện các triệu chứng như:
● Giảm hoặc mất thị lực.
● Chảy nhiều nước mắt, mắt đỏ hoặc mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng.
● Giác mạc không trong suốt, mờ đục hơn.
● Cộm, đau nhức mắt.
● Sưng mí mắt.
Giác mạc là bộ phận dễ gặp tổn thương nhất do những tác động vật lý và bệnh lý gây ra
2. Sẹo giác mạc hình thành do đâu?
Sẹo giác mạc có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân đó là chấn thương, mắc các bệnh về mắt hay nhiễm trùng. Những tác động này sẽ khiến thị lực của người bệnh bị suy giảm, thậm chí bên mắt bị ảnh hưởng còn mất đi thị lực hoàn toàn. Dưới đây là những nguyên nhân điển hình khiến một người có sẹo giác mạc:
● Tổn thương và trầy xước giác mạc: vết trầy xước ở giác mạc có thể là do dùng sai cách kính áp tròng, dị vật văng vào mắt, chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày, tai nạn, vấp ngã,...
● Nhiễm trùng, loét giác mạc: những bệnh nhiễm trùng xảy ra ở mắt có thể xuất phát từ các tác nhân bao gồm nấm, vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Nếu lớp mô đệm và lớp Bowman bị ảnh hưởng bởi tình trạng nhiễm trùng thì giác mạc có thể xuất hiện sẹo.
● Loạn dưỡng giác mạc: một loại loạn dưỡng giác mạc điển hình là loạn dưỡng màng đáy biểu mô với triệu chứng là giác mạc bị ăn mòn. Bệnh có thể tái phát và điều này sẽ gây sẹo giác mạc.
● Các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành sẹo giác mạc: mắc bệnh sởi, thiếu hụt vitamin A, hội chứng Steven-Johnson, giác mạc hình chóp (Keratoconus), sẹo giác mạc bẩm sinh, virus Herpes Simplex,...
Thường xuyên đeo kính áp tròng là một trong những yếu tố khiến giác mạc dễ bị tổn thương
Ít ai biết rằng sẹo giác mạc rất nguy hiểm bởi vì tình trạng này hoàn toàn có thể lấy đi thị lực của người bệnh. Vết sẹo không chỉ đơn thuần là sẽ đứng yên mà nó có khả năng lan rộng, từ đó khiến cấu trúc giác mạc bị ảnh hưởng, trở nên mờ đục dần và sau cùng là mù lòa. Do đó nếu có dị vật rơi vào mắt và mắt bắt đầu xuất hiện các triệu chứng tăng nặng thì bạn nên đi khám ngay để được điều trị từ sớm.
3. Làm thế nào để điều trị sẹo giác mạc?
Phụ thuộc vào trạng thái bệnh cảnh hiện tại của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp điều trị tối ưu nhất. Nếu vết sẹo chưa tiến triển sâu, mới chỉ ở trên bề mặt của giác mạc thì Laser được coi là biện pháp phổ biến thường được chỉ định cho những trường hợp như vậy. Còn nếu vết sẹo sâu hơn thì phẫu thuật ghép giác mạc sẽ là phương pháp phù hợp hơn. Cụ thể:
● Laser: dùng cho điều trị các vết sẹo giác mạc nhỏ hơn 100 micron.
● Phẫu thuật ghép giác mạc: dùng mô được hiến tặng để thay thế cho phần giác mạc đã bị tổn thương vĩnh viễn.
● Ứng dụng giác mạc nhân tạo: thay thế phần giác mạc có sẹo bằng vật liệu tổng hợp kết hợp với mô hiến tặng.
Đa phần những ca phẫu thuật điều trị các tật ở giác mạc thường sẽ cho cơ hội thành công cao. Bởi vì giác mạc là bộ phận không chứa mạch máu nên hiếm khi xảy ra nguy cơ thải ghép. Tuy vậy, khả năng thị lực phục hồi sau phẫu thuật cũng cần dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.
4. Cách để phòng tránh nguy cơ hình thành sẹo giác mạc
Như chúng ta đã biết thì việc điều trị tình trạng sẹo giác mạc gặp khá nhiều trở ngại. Do đó, để không phải đối mặt với nguy cơ bị sẹo giác mạc thì chúng ta nên chủ động phòng chống bằng các cách dưới đây:
● Nếu tính chất công việc của bạn phải tiếp xúc nhiều với bụi bặm, bụi gỗ hay bụi kim loại,... hoặc khi đang phải chặt gỗ, dùng công cụ điện, xử lý hóa chất (những công việc có khả năng cao sẽ gây thương tích cho mắt) thì bạn hãy đeo kính bảo hộ để bảo vệ đôi mắt trước sự tấn công của mạt bụi. Ngoài ra, bạn cũng nên đeo kính râm khi đi ra ngoài trời nắng để tránh tia UV từ ánh nắng mặt trời sẽ gây tổn thương cho đôi mắt của bạn.
● Nếu bị loét giác mạc hay các bệnh lý ở mắt thì hãy điều trị ngay từ sớm, tránh rủi ro biến chứng hình thành sẹo giác mạc.
● Cung cấp đầy đủ vitamin A cho đôi mắt.
● Không nên lạm dụng kính áp tròng. Nếu bắt buộc phải sử dụng thì bạn hãy vệ sinh tay sạch sẽ, lựa chọn loại kính áp tròng chất lượng tốt và chỉ đeo kính trong khoảng thời gian cho phép, không đeo trong khi ngủ, khi đi bơi. Sau khi sử dụng xong hãy vệ sinh, khử trùng, bảo quản hay loại bỏ kính áp tròng đúng cách.
● Đi khám ngay nếu dị vật rơi vào mắt hoặc có các triệu chứng nghi ngờ bị thương ở mắt.
● Kiểm tra, thăm khám mắt định kỳ. Việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp bạn sớm phát hiện ra những bệnh lý tiềm ẩn ở mắt.
Hãy đi kiểm tra mắt ngay nếu bạn có các dấu hiệu bất thường ở mắt
Có thể thấy rằng, mặc dù không phải ai cũng chú ý đến tình trạng sẹo giác mạc nhưng nó thực sự nguy hiểm nên chúng ta cần phải hết sức cẩn thận. Tốt nhất mọi người nên phòng ngừa bệnh bằng cách hạn chế các nguyên nhân có thể dẫn đến chấn thương ở mắt.
Nếu bạn đang tìm kiếm một cơ sở y tế uy tín để khám mắt hoặc điều trị các bệnh lý về mắt, hãy liên hệ ngay với tổng đài 1900 56 56 56, nhân viên y tế của MEDLATEC sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc và hỗ trợ bạn đặt lịch khám ngay với đội ngũ y bác sĩ Chuyên khoa Mắt ngay hôm nay!
BS Thanh Tuấn đã duyệt
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!